Thực trạng thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh

TS. TRẦN MINH THÁI – Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính

TP. Hồ Chí Minh trong những năm gần đây đã có những bước tiến rất dài trong phát triển kinh tế, trong đó, không thể không nói đến sự đóng góp của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Thành phố. Nghiên cứu này tập trung phân tích về dòng vốn và tác động dòng vốn FDI đối với tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2001 -2009.

Quy mô các dự án đầu tư nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh đang có xu hướng tăng. Nguồn: Internet
Quy mô các dự án đầu tư nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh đang có xu hướng tăng. Nguồn: Internet

Tác giả tập trung nghiên cứu về dòng vốn và tác động dòng FDI đối với tăng trưởng kinh tế của TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, các tác động đến yếu tố văn hóa - xã hội cũng được đề cập đến như một phần của góc nhìn tổng quan về FDI.

Phạm vi nghiên cứu chủ yếu của bài viết là TP. Hồ Chí Minh với vai trò là một địa phương đang tăng trưởng nhanh đồng thời là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Nghiên cứu cũng đề cập đến các nhóm giải pháp ở tầm quốc gia để lãnh đạo Thành phố kiến nghị lên cấp trên và các nhóm giải pháp dành riêng cho chính quyền Thành phố trong quá trình quy hoạch, định hướng và vận hành kinh tế địa phương.

Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp hệ thống hóa, mô tả, phân tích các yếu tố liên quan đến FDI nhìn trong mối quan hệ biện chứng với các nhân tố môi trường đầu tư và những tác động liên quan đối với thành phố trên cơ sở các kinh nghiệm và lý luận cơ bản về vấn đề FDI đã được trình bày và công bố trong các công trình liên quan đến đề tài. Sau đó, tác giả tiếp tục kế thừa và phát triển dựa trên góc độ tiếp cận và mục đích nghiên cứu.

Phương pháp điều tra xử lý số liệu trực tiếp bằng việc khảo sát các doanh nghiệp liên quan trực tiếp tới đề tài nghiên cứu. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng dữ liệu thứ cấp được công bố từ các cơ quan thống kê, cơ quan quản lý, các tổ chức chuyên môn, các tổ chức quốc tế uy tín để dẫn chứng cho các luận điểm nghiên cứu.

Bên cạnh đó, nghiên cứu còn kết hợp phương pháp so sánh trường hợp cụ thể TP. Hồ Chí Minh với các địa phương lân cận trong nước và đánh giá thực trạng Thành phố như một bộ phận của Việt Nam trong mối quan hệ với các quốc gia khác trên thế giới và khu vực.

Để đảm bảo tính khách quan, cập nhật cho các luận điểm, tác giả cũng kết hợp các phương pháp nghiên cứu phổ biến khác như phương pháp chuyên gia, phương pháp mô hình toán (kinh tế lượng, phân tích hồi quy) …

Mô hình Harrord về tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế

Mô hình đề cập đến tác động của FDI tới tăng trường kinh tế ở góc độ nó làm tăng tổng vốn đầu tư xã hội của nên kinh tế và góp phần cân đối phương trình tiết kiệm và đầu tư của quốc gia

Trong đó:

DI: Đầu tư trong nước;

NFDI: FDI ròng;

DS: Tiết kiệm trong nước;

NFR: Các nguồn vốn phi FDI;

CIR: Thay đổi dự trữ quốc tế

Điều này cũng được đề cập trong  mô hình vòng lẫn quẩn và mô hình hai khoảng cách của (Hollis B.Chenery); theo đó, dòng vốn FDI góp phần làm cân bằng các cân đối vĩ mô của một nền kinh tế  và gia tăng tổng vốn đầu tư của một quốc gia. Do đó, nguồn vốn này có tác động nhất định đến tăng trưởng kinh tế. Theo phương trình Harrod Domar:

 
Thực trạng thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh - Ảnh 1
 
Dựa vào phương trình trên ta thấy, mức tăng GDP quan hệ thuận với tỷ lệ vốn đầu tư. Với hệ số ICOR nhất định cho trước, tỷ lệ vốn đầu tư tăng lên sẽ làm tăng tốc độ tăng trưởng và ngược lại. Theo tổng kết của Ngân hàng Thế giới về sự tăng trưởng ở các nước đang phát triển trong giai đoạn (1965- 1987), nhóm nước tăng trưởng cao, bên cạnh việc sử dụng vốn đầu tư có hiệu qủa (với hệ số ICOR thấp), luôn có tỷ lệ đầu tư lớn hơn nhóm nước có mức tăng trưởng chậm.
Điều này không những diễn ra ở các nước đang phát triển mà còn ngay cả ở các phát triển. Nước Mỹ, do tỷ lệ đầu tư thấp giai đoạn (1965-1989) là nguyên nhân làm cho mức tăng trưởng và thu nhập của Mỹ luôn thấp hơn của Nhật và các nước Tây Âu. Minh chứng là đến năm 1989, tổng số vốn đầu tư trong nước tại Mỹ chỉ bằng 15% GDP, trong khi Nhật và Thụy sỹ là 30-33%.

Phân tích thực trạng các yếu tố cơ bản của môi trường đầu tư thu hút FDI từ năm 2001 - 2016

Quy mô các dự án đầu tư nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh đang có xu hướng tăng. Nhìn chung, đầu tư FDI chủ yếu là các DN có quy mô nhỏ, thâm dụng lao động, vốn ít, lợi nhuận cao, thu hồi vốn nhanh phù hợp với lợi thế. Tuy vậy, một số dự án lớn gần đây cho thấy, lĩnh vực sản xuất quy mô lớn bắt đầu được quan tâm thông qua các cam kết quốc tế của Việt Nam về khả năng tiếp cận thị trường và lĩnh vực đầu tư. Điều này cho thấy các dự án quy mô lớn sẽ tiếp tục tăng nhanh trong giai đoạn sau gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO.

Thực trạng thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh - Ảnh 2
 

Môi trường đầu tư của TP. Hồ Chí Minh cũng được đánh giá cải thiện rất nhiều so với các năm trước, trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI ) công bố, năm 2006 TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có bước tiến mạnh mẽ nhất từ vị trí 17 năm 2005 lên vị trí thứ 7 năm 2006. Tuy nhiên, từ năm 2007, năng lực cạnh tranh của TP. Hồ Chí Minh đã sụt giảm nhiều so với các tỉnh khác, chứng tỏ TP. Hồ Chí Minh dưới con mắt của DN nước ngoài đang dần đánh mất lợi thế cạnh tranh của thành phố lớn nhất nước.

Tuy nhiên, với lợi thế về cơ sở hạ tầng cảng biển, sân bay, nguồn nhân lực… TP. Hồ Chí Minh vẫn là địa chỉ đầu tư hấp dẫn của cả nước. Nhiều chỉ số của TP. Hồ Chí Minh đã được cải thiện và được đánh giá cao như: chi phí gia nhập thị trường, chính sách phát triển kinh tế tư nhân và đào tạo lao động… Theo nhiều chuyên gia đánh giá, đối thủ cạnh tranh FDI TP. Hồ Chí Minh không phải các tỉnh thành trong nước mà là các thành phố ở các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ…

Thực trạng thu hút và sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh - Ảnh 3

Chất lượng đầu tư đã có nhiều chuyển biến, đó là tỷ lệ các dự án thâm dụng lao động giảm hẳn, các nhà đầu tư chú trọng nhiều hơn đến các ngành thâm dụng vốn, kỹ thuật công nghệ cao, bất động sản… Môi trường kinh doanh và không khí cạnh tranh của các DN ngày càng sôi động. Sự năng động của nguồn vốn FDI đã giúp cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố diễn ra với tốc độ nhanh hơn, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như đóng góp tích cực vào việc đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết thất nghiệp…

Nhìn chung, TP. Hồ Chí Minh luôn là một trong những đia phương thu hút vốn FDI nhiều nhất. Tính đến cuối năm 2016, số dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực hoạt động trên địa bàn đạt 852 dự án, tổng vốn đầu tư 1.315 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2015, tăng 257 dự án, vốn đầu tư giảm 1.727 triệu USD.

Các yếu tố cơ bản của môi trường đầu tư thu hút FDI tại TP. Hồ Chí Minh

TP. Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp quan trọng của cả nước và của Vùng kinh tế trong điểm phía Nam. Thành phố là nơi thu hút vốn FDI mạnh so với cả nước, kể từ khi Luật đầu tư được ban hành. Số dự án đầu tư vào Thành phố chiếm khoảng 1/3 tổng số dự án đầu tư nước ngoài trên cả nước. Thành phố luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng thu ngân sách của nhà nước, mặc dù gặp nhiều khó khăn song thu ngân sách của Thành phố vẫn không ngừng gia tăng.

Có nhiều điều kiện thuận lợi vượt trội so với các tỉnh, thành phố trong cả nước, chính điều này, trong nhiều năm TP. Hồ Chí Minh luôn là địa phương thu hút được nhiều nguồn vốn FDI nhất. Kể từ năm 2006 khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO vào cuối năm 2006, FDI đạt mức kỷ lục 10.500 triệu USD (từ mức trung bình khoảng 4.000 triệu USD những năm trước đó), đến năm 2007 tăng gần 103%, lên mức 21.300 triệu USD so với năm 2006. Năm 2008, con số này là 64.000 triệu USD, tăng hơn 300% chỉ hai năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO. Đây là những kết quả đáng tự hào của Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng trong việc thu hút FDI.

Tính từ đầu năm đến ngày 18/5/2017, tại TP. Hồ Chí Minh đã có 137 dự án có vốn nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư với  tổng vốn đăng ký 817 triệu USD, vốn pháp định 288,6 triệu USD. Vốn đầu tư bình quân 1 dự án là 6 triệu USD. Theo hình thức đầu tư: liên doanh 25 dự án, vốn đầu tư 533,7 triệu USD; 100% vốn nước ngoài: 112 dự án, vốn đầu tư 283,2 triệu USD. Theo lĩnh vực đầu tư: Ngành công nghiệp 21 dự án, vốn đầu tư 60,8 triệu USD. Ngành thương mại 42 dự án, vốn đầu tư 35 triệu USD. Ngành xây dựng 16 dự án, vốn đầu tư 8 triệu USD.

Ngành vận tải, thông tin liên lạc 3 dự án, vốn đầu tư 21 triệu USD. Ngành kinh doanh bất động sản và dịch vụ tư vấn 51 dự án, vốn đầu tư 683,8 triệu USD... Theo đối tác đầu tư: có 29 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư, trong đó: Hàn Quốc 17 dự án, vốn đầu tư 126 triệu USD. Singapore 28 dự án, vốn đầu tư 55 triệu USD. Nhật Bản 12 dự án, vốn đầu tư 7,8 triệu USD. Hồng Kông 12 dự án, vốn đầu tư 4,5 triệu USD. Đài Loan 10 dự án, vốn đầu tư 46,5 triệu USD...

Có 33 dự án điều chỉnh vốn đầu tư, trong đó có 1 dự án điều chỉnh giảm 15 triệu USD của công ty Sony Việt Nam do chuyển mục đích đầu tư từ sản xuất sang sửa chữa máy móc thiết bị văn phòng. Số vốn điều chỉnh tăng 25,9 triệu USD.

Những mặt hạn chế và khuyến nghị

Vấn đề khiến các nhà đầu tư lo ngại nhất hiện nay là TP. Hồ Chí Minh thiếu mặt bằng sạch. Hiện nay TP. Hồ Chí Minh đang rà soát lại toàn bộ mặt bằng do Thành phố và các quận huyện quản lý để tạo quỹ đất cho các nhà đầu tư. Riêng khu vực trung tâm, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh yêu cầu đẩy nhanh tốc độ quy hoạch 20 khu đất “vàng” để đưa vào kêu gọi đầu tư.

Qua rà soát hiện có khoảng trên 400 mặt bằng có thể hoàn tất quy hoạch chi tiết và thủ tục pháp lý để đưa ra đấu thầu công khai. Sở Kế hoạch & đầu tư phải trình qua UBND TP. Hồ Chí Minh quy trình xem xét đấu thầu công khai các dự án đầu tư từ đất trước khi thực hiện. Do đó, TP. Hồ Chí Minh đảm bảo môi trường đầu tư minh bạch và bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả các nhà đầu tư có cơ hội tiếp cận dự án như nhau.

Thành công trong việc thu hút nguồn vốn FDI của TP. Hồ Chí Minh trong những năm gần đây là sự nỗ lực trong việc triển khai các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư bằng việc đẩy mạnh cải cách hành chính và tạo ưu đãi đặc biệt cho các nhà đầu tư nước ngoài triển khai các dự án đầu tư.
TP. Hồ Chí Minh có nhiều yếu tố thể hiện thế mạnh đối với một số ngành dịch vụ như thương mại, vận tải biển, hậu cần, kho bãi, quảng cáo, kinh doanh nhà hàng... Tuy nhiên, các quy định của Nhà nước lại không khuyến khích DN 100% vốn nước ngoài tham gia vào các lĩnh vực này. Đây cũng là một hạn chế đối với thành phố trong việc khơi mạnh dòng vốn FDI.

Các thể chế công

Các thể chế công luôn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập môi trường thu hút đầu tư cho Thành phố. Tuy nhiên, thường các thể chế công đối với một địa phương luôn chịu chi phối trực tiếp và bị ảnh hưởng rất lớn từ hệ thống thể chế công của quốc gia. Do đó, mức độ chủ động tạo lập thể chế công của TP. Hồ Chí Minh chỉ dừng lại ở mức kiến nghị lên cơ quan trung ương và ban hành một số chính sách nhỏ lẻ thuộc quyền quản lý, quy hoạch của địa phương. Nhìn chung, hệ thống thể chế công hiện tại đang trong giai đoạn hoàn thiện, vẫn chưa phát triển đúng mức để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhịp độ phát triển kinh tế và tốc độ thu hút đầu tư của Thành phố.

Hệ thống luật pháp

Thành công trong việc thu hút nguồn vốn FDI của TP. Hồ Chí Minh trong những năm gần đây là sự nỗ lực trong việc triển khai các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư bằng việc đẩy mạnh cải cách hành chính và tạo ưu đãi đặc biệt cho các nhà đầu tư nước ngoài triển khai các dự án đầu tư. Mặc dù vẫn còn nhiều hạn chế nhưng hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư nước ngoài của Việt Nam được quan tâm từ sớm và ngày càng hoàn thiện hơn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Từ năm 1987, trước khi thực hiện chính sách kinh tế mở, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã ra đời, đảm bảo những nhà đầu tư sẽ nhận được sự đối xử công bằng, hợp lý như bất kỳ nhà đầu tư trong nước nào. Vốn đầu tư và những tài sản thuộc quyền sở hữu cửa nhà đầu tư nước ngoài sẽ không bị trưng dụng, chiếm đoạt bởi các biện pháp hành chính nếu không có sự tự nguyện đồng ý của họ. Những DN có vốn đầu tư nước ngoài không bị quốc hữu hoá. Những quyền sở hữu công nghiệp và những quyền lợi hợp pháp trong việc chuyển giao công nghệ cũng được bảo vệ. Sau khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành năm 1987, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên nhanh chóng, phần lớn tập trung vào lĩnh vực dịch vụ như khách sạn, văn phòng làm việc ở các thành phố lớn.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư trực tiếp nước ngoài, năm 2007 Quốc hội nước Việt Nam ban hành Luật Đầu tư. Ngoài Luật Đầu tư và các nghị định liên quan, đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam còn bị chi phối bởi các Luật và quy định khác có liên quan. Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài cũng được phép áp dụng các luật nước ngoài để giải quyết những phạm vi, những vần đề mà luật Việt Nam chưa đề cập đến nhưng không đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản trong luật pháp Việt Nam.           

Tài liệu tham khảo:

1. TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh (2006), “Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam”, đề tài nghiên cứu theo dự án SIDA.

2. TS. Lê Xuân Bá (2006), Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài tới tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, NXB Khoa học kỹ thuật;

3. Berthelemy, J. & Démurger, S. (2000) Đầu tư trực tiếp nước ngoài và tăng trưởng kinh tế: Lý thuyết và ứng dụng cho Trung Quốc,  Review of Development Economics;

4. mpi.gov.vn, baodautu.vn.