Thương mại biên giới: Phát huy thế mạnh

Theo Hoàng Tú/congthuong.vn

Với sự phát triển của hoạt động thương mại biên giới, nhiều địa phương khu vực Tây Bắc có thêm cơ hội mở rộng thị trường hàng hóa, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành nên các khu kinh tế vùng biên năng động.

Giao thương nhộn nhịp tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Nguồn: Internet
Giao thương nhộn nhịp tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Nguồn: Internet

Khu vực Tây Bắc hiện có 7 cặp cửa khẩu quốc tế. Trong đó, với biên giới Trung Quốc, tỉnh Lạng Sơn có 2 cặp cửa khẩu: Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, Đồng Đăng - Bằng Tường; Tỉnh Cao Bằng có Tà Lùng - Thủy Khẩu; Tỉnh Hà Giang có Thanh Thủy - Ma Ly Pho; Tỉnh Lào Cai có Lào Cai - Hà Khẩu (đường bộ), Lào Cai - Sơn Yêu (đường sắt). Với biên giới Lào, tỉnh Điện Biên có cặp Cửa khẩu quốc tế Tây Trang - Pang Hốc. Cùng với đó là 10 cửa khẩu chính, gần 40 cửa khẩu phụ, lối mở và 11 khu kinh tế cửa khẩu đang hoạt động.

Đến nay, hàng loạt kho bãi, nhà xưởng phục vụ thương mại biên giới ở khu vực Tây Bắc đã được đầu tư xây dựng; hệ thống giao thông kết nối đã được nâng cấp mở rộng như ở Lũng Pô (Lào Cai), Trà Lĩnh (Cao Bằng), Chi Ma (Lạng Sơn), Hoành Mô (Quảng Ninh); hệ thống giao thông quốc gia cũng được nhà nước quan tâm đầu tư phục vụ phát triển thương mại biên giới, tiêu biểu là tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn và Hà Nội - Lào Cai.

Bên cạnh đó, tại những địa phương có chung biên giới với Trung Quốc và Lào, các chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu đang góp phần tạo việc làm, thúc đẩy hoạt động giao thương của thương nhân và người dân hai bên biên giới.

Đây có thể xem là những điều kiện thuận lợi, đặc trưng, riêng có của khu vực Tây Bắc để các doanh nghiệp trong nước nói chung, doanh nghiệp Tây Bắc nói riêng tiến hành hoạt động xuất nhập khẩu.

Thông qua hoạt động thương mại biên giới tại hệ thống cửa khẩu, lối mở… các tỉnh của Việt Nam, trong đó, có các địa phương ở khu vực Tây Bắc đã xuất khẩu được các mặt hàng nông sản thực phẩm có thế mạnh như: Gạo, sắn lát, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, cao su, đồ gỗ và thủy sản, hàng công nghiệp và hàng tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và chế biến gia công hàng hóa trong nước.

Thực tế, hoạt động thương mại biên giới đã tạo điều kiện để các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai… khai thác, phát huy thế mạnh, tiềm năng của địa phương; Kết hợp nội lực với ngoại lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý hơn; Thực hiện liên doanh, liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước… dần tạo nên những khu kinh tế vùng biên tuy còn nhỏ bé nhưng năng động, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân các dân tộc vùng cao Tây Bắc.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, thương mại biên giới tại các tỉnh Tây Bắc vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: Hệ thống kho bãi tại một số cửa khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt, hệ thống kho lạnh, kho mát chưa được đầu tư. Việc mua bán, trao đổi một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam vẫn theo hình thức đi chợ, không có hợp đồng mua bán. Dịch vụ thanh toán còn nhiều hạn chế, gây nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Thông tin về thương mại biên giới phục vụ công tác quản lý và điều hành còn thiếu… Đây là những vấn đề mà trong thời gian tới, các bộ, ngành chức năng cần quan tâm giải quyết, tháo gỡ nhằm từng bước đưa hoạt động thương mại biên giới khu vực Tây Bắc đạt hiệu quả hơn nữa.

Thương mại biên giới không chỉ có vai trò to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng, mà còn góp phần mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa các nước có chung đường biên giới.