Thương mại điện tử: Mở rộng cánh cửa xuất nhập khẩu

Theo daibieunhandan.vn

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thương mại điện tử đang được xem là một trong những công cụ hiệu quả giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và quảng bá sản phẩm đến các đối tác toàn cầu nhờ sự tiện lợi, chi phí thấp, không còn bị giới hạn địa lý…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Công cụ hiệu quả để giành lợi nhuận cao nhất

Theo khảo sát của Bộ Công thương, doanh nghiệp nước ta đang có những bước tiếp cận tích cực với thương mại điện tử, trong đó nhiều doanh nghiệp chủ động đưa thương mại điện tử làm hoạt động thương mại chính của mình. Tuy nhiên, còn khá nhiều doanh nghiệp chưa có sự quan tâm đúng mức tới thương mại điện tử. Tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam qua thương mại điện tử nhằm đón bắt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do FTA EU - Việt Nam 2015” vừa qua, các đại biểu nhận định, thời gian tới, thương mại điện tử chính là chìa khóa để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu cho doanh nghiệp.

Hiệp định FTA EU - Việt Nam đã kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ được ký kết, áp dụng vào đầu năm 2016, được đánh giá là một cú hích lớn cho Xuất khẩu Việt Nam trong giai đoạn 2016 - 2020. Cũng như đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng vừa kết thúc, mở đường cho Việt Nam bước vào một sân chơi mới với đòn bẩy để phát triển, thay đổi cải cách, tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch qua đó tạo cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu vươn ra thị trường toàn cầu. Thương mại điện tử sẽ trở thành công cụ hữu hiệu và thông minh giúp các doanh nghiệp này tiến gần hơn với thị trường quốc tế.

Theo nhiều chuyên gia, thay vì tốn nhiều chi phí và thời gian để thiết lập kênh phân phối, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị phần ở nước ngoài, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể đầu tư cho website bán hàng của riêng mình hoặc tham gia vào hoạt động thương mại trên sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế.

Giám đốc Alibaba tại Việt Nam Trần Xuân Thủy cho biết, dự báo doanh thu từ internet tới năm 2020 sẽ khoảng hơn 4.000 tỷ USD; có 4 tỷ người (chiếm 50% dân số thế giới) sử dụng internet để kết nối với nhau. Hơn nữa, với các FTA đã ký kết, doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh khi tham gia sân chơi toàn cầu.

Sức mạnh của internet tạo cơ hội mọi người tiếp cận thông tin với chi phí rất rẻ, thậm chí miễn phí học tập kinh nghiệm các nước khác. Do đó, doanh nghiệp xuất nhập khẩu nước ta cần chú trọng đầu tư tiếp cận kênh thương mại điện tử phục vụ hoạt động kinh doanh của mình - chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải nhận định, trong kinh doanh, ai nắm giữ “chìa khóa” thì người đó có lợi nhuận và có khả năng cạnh tranh lớn nhất. Bởi vì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chính là khả năng sống sót, vươn lên và phát triển trước các đối thủ. Khi thế giới phẳng hơn, không có nghĩa là cơ hội trở nên bình đẳng như nhau giữa các quốc gia và doanh nghiệp.

Đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng, để doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang nhiều thị trường đang đặt ra yêu cầu phải tìm hướng đi mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, cũng như khẳng định được thương hiệu trên thương trường.

Cơ hội chỉ mới là tiềm năng

Với con số hiện 70% doanh nghiệp có hướng kinh doanh quốc tế, Phó tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và công nghệ OSB Trần Đình Toản dẫn ví dụ cụ thể cho biết, tham gia sàn thương mại điện tử (B2B), doanh nghiệp có mục đích thu hút, tiếp cận người mua, tạo uy tín trong giao thương, nhất là trong môi trường online có sự khác biệt so với phương thức giao thương truyền thống.

Người mua tìm kiếm sản phẩm online trước hết là tìm tới thành viên của trang thương mại điện tử vì các thành viên đó là đối tác tin cậy và đã qua kiểm duyệt. Nhiều doanh nghiệp lớn trở thành doanh nghiệp bé trên sàn TMĐT. Nhưng doanh nghiệp cũng thể hiện năng lực của mình trên các gian hàng trên internet. Ngay như Alibaba hiện có 40 triệu nhà nhập khẩu, trong đó Mỹ và EU chiếm 30% người mua.

Nhấn mạnh những lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia TMĐT để xuất nhập khẩu, ông Trần Thanh Hải khẳng định: TMĐT là công cụ hữu hiệu cho các doanh nghiệp XNK, đặc biệt với DNNVV của Việt Nam sẽ khắc phục được những điểm yếu trong khoảng cách để thuận lợi trong liên hệ giữa người mua và người bán, nhất là giảm thiểu những rào cản về ngôn ngữ, tập quán địa phương.

Để phát triển thương mại điện tử hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, theo ông Trần Thanh Hải, vai trò của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua TMĐT là ở việc định hướng dẫn dắt và tạo điều kiện về môi trường. Đặc biệt, khi thấy các FTA được ký kết là sự hỗ trợ lớn của Nhà nước, góp phần giúp doanh nghiệp tìm kiếm thêm các thị trường mới. Nhưng cơ hội không đồng nghĩa với lợi ích, cơ hội chỉ mới là tiềm năng. Việc còn lại là doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt và thích ứng thực tế để giành cơ hội, biến cơ hội thành lợi ích.

Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải: “Doanh nghiệp Việt Nam hiện đã quan tâm tới xuất khẩu thông qua TMĐT nhưng cách làm chưa được tốt. Đã có nhiều doanh nghiệp tham gia xây dựng sàn giao dịch TMĐT như mô hình Alibaba đang làm, nhưng cách đó chưa thành công nên sàn đó dần dần tan rã hoặc tự giải thể”.

Phó tổng giám đốc Công ty Thủ công mỹ nghệ Hoa Lư Nguyễn Tú Anh: “Kinh doanh qua thương mại điện tử phải kiên trì giữ liên lạc với khách hàng; có nghệ thuật bán hàng là không đặt lợi ích lên đầu mà tìm hiểu họ như người bạn theo nguyên tắc 3B (bạn - bàn - bán); luôn nắm được xu hướng thị trường mục tiêu hướng tới. Khách hàng cao cấp đến với DN không phải vì giá mà chất lượng luôn là hàng đầu. Đặc biệt, uy tín với khách hàng cũng rất quan trọng. Khi gặp vấn đề đó cần phúc đáp lại ngay chứng tỏ uy tín của mình. Luôn luôn khai thác công cụ tìm kiếm khách hàng trên mạng”.