Thương mại khẳng định vai trò xung kích và gắn kết trong hoạt động kinh tế

Theo baocongthuong.com.vn

Trong 15 năm qua, thương mại Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2 chữ số, tạo sự thay đổi sâu sắc trong giá trị thương mại. Giai đoạn 2016 - 2025, thương mại tiếp tục đóng vai trò xung kích mở đường và gắn kết các hoạt động kinh tế trong nước và thế giới, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Rau quả đang trở thành điểm sáng trong xuất khẩu nông sản khi tiếp tục giữ đà tăng trưởng.
Rau quả đang trở thành điểm sáng trong xuất khẩu nông sản khi tiếp tục giữ đà tăng trưởng.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2016-2025” do Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) và Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư châu Âu (EU-MUTRAP) được tổ chức vừa qua, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết: Giai đoạn 2006-2015, kim ngạch xuất khẩu (XK) tăng trung bình 17,5%/năm, trong đó năm 2011 và năm 2008 có mức tăng trưởng cao nhất, lần lượt là 34,2% và 29,1%.

Trong thời gian này, kim ngạch XK tăng gấp 4 lần tương đương 122 tỷ USD, từ mức 39,8 tỷ USD năm 2006 lên 162 tỷ USD năm 2015. “Nếu nhìn cả quá trình thì hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam đang có sự tăng trưởng rất ổn định, theo mạch mà chúng ta giữ được từ những năm trước đây, dự kiến XK cả năm đạt 178 tỷ USD, nhập khẩu đạt 176 tỷ USD, như vậy mức tăng trưởng hiện nay ở cả hai lĩnh vực vào khoảng 8%. Đây là con số tăng trưởng rất lớn nếu như đặt trong bối cảnh nhu cầu thế giới hiện nay đang suy giảm” - ông Trần Thanh đánh giá.

Theo đó, nhiều mặt hàng XK có kim ngạch trên 1 tỷ USD, giành được thứ hạng cao về sản lượng XK và chinh phục thành công những thị trường khó tính trên thế giới như: hồ tiêu, điều, cà phê, gạo, chè… Đặc biệt, đối với mặt hàng mới như rau quả XK đang tiệm cận con số 2 tỷ USD.

“Trong 11 tháng năm 2016, giá trị XK của ngành Rau quả đã tăng gần 130% so với năm ngoái, tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng nông - lâm -thủy sản XK” - PGS -TS. Phạm Tất Thắng - Viện Nghiên cứu Thương mại - cho hay.

Bên cạnh đó, cơ cấu thị trường XK hàng hóa Việt Nam ngày càng mở rộng và đa dạng hóa. Theo bà Vũ Thị Lộc - Viện Nghiên cứu Thương mại - đến cuối năm 2015, Việt Nam có quan hệ thương mại với trên 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây cũng là năm đầu tiên ghi nhận thành tích trong mở rộng và phát triển thị trường XK hàng hóa của Việt Nam khi có 29 thị trường XK đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - Giám đốc Dự án EU-MUTRAP


Giai đoạn 2016-2025, Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, tham gia ngày càng nhiều vào các quá trình hợp tác khu vực và thế giới, đa phương, đa chiều, đa lĩnh vực. Trong đó, thương mại là một trong những lĩnh vực trọng tâm và DN đóng vai trong chủ chốt.

Cùng với đó, thương mại trong nước cũng chuyển biến mạnh mẽ theo cơ chế thị trường với tốc độ tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội thường xuyên đạt ở mức 2 con số, tỷ trọng bán lẻ hàng hóa qua các loại hình thương mại hiện đại tăng nhanh. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng từ 145.874 tỷ đồng năm 1996 lên 3.242.866 tỷ đồng năm 2015, tương ứng tăng hơn 22 lần. Tính chung giai đoạn 1996 - 2015, tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt bình quân 17,9%/năm.

Ưu tiên xuất khẩu nông sản

Không thể phủ nhận, Việt Nam là một trong những quốc gia có thế mạnh và đứng hàng đầu thế giới về quy mô XK nông sản, trong đó có khá nhiều mặt hàng XK đứng trong top đầu thế giới, như: gạo, điều, cà phê, thủy sản… Với những lợi thế trên, ông Trần Thanh cho rằng, về tổng thể, XK nông sản vẫn là nhóm hàng đem lại lợi ích đặc biệt và cần quan tâm, ưu tiên trong giai đoạn 2016 - 2025.

“Để thúc đẩy XK nông sản, thời gian tới, ngay trong năm 2017, các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) sẽ đặc biệt quan tâm triển khai các biện pháp mang tính chất trung hạn và dài hạn để XK nhóm hàng nông sản, thủy sản” - ông phân tích.

Duy trì thế mạnh về quy mô XK nông sản, PGS –TS. Hà Văn Sự (Trường Đại học Thương mại) - chia sẻ: Giai đoạn 2016-2025, cần chú trọng lựa chọn những sản phẩm nông sản mà Việt Nam có lợi thế trên bản đồ thế giới. Đơn cử như ngành Điều, để tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về XK và nâng cao hơn nữa giá trị của hạt điều Việt Nam, các DN trong ngành sẽ tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu.

Thực tế, trong những năm gần đây, năm nào cũng có loại trái cây mới được XK vào các thị trường khó tính, mở ra cơ hội mới để nâng cao giá trị cho trái cây XK. Nếu như trước đây các DN chỉ XK trái cây đông lạnh hoặc hàng chế biến với giá trị thấp thì hiện tại XK trái cây tươi có giá trị hơn nhiều lần. Bên cạnh đó, các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc có nhu cầu rất cao về các loại trái cây tươi nói riêng và rau quả nhiệt đới nói chung.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện rau quả đang trở thành điểm sáng trong XK nông sản khi tiếp tục giữ đà tăng trưởng nhanh chóng và còn nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới. Do vậy, cần xác định lại chiến lược sản xuất và XK rau quả trong thời gian tới để có những quy hoạch và biện pháp hỗ trợ phát triển ngành hàng này.

PGS-TS. Hà Văn Sự đề xuất, năm 2017 cần chủ động, tăng cường năng lực của các hiệp hội, ngành hàng. Đây là đơn vị tập hợp và tăng cường liên kết các DN kinh doanh nông sản nhằm góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. “Trên cơ sở đó, tăng cường năng lực quản trị chuỗi giá trị đối với một số sản phẩm nông sản có tiềm năng lợi thế toàn diện, đẩy mạnh hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu, khai thác chỉ dẫn địa lý đối với các mặt hàng nông sản XK” - PGS-TS. Hà Văn Sự nhấn mạnh.

Tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

Theo ông Phạm Nguyên Minh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại - bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tăng trưởng XK trong những năm qua chưa thực sự bền vững, hiệu quả XK còn thấp, cơ cấu hàng hóa XK dù đã chuyển dịch mạnh sang hàng chế biến, chế tạo nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Đáng lưu ý là sức cạnh tranh của hàng hóa kém; các ngành sản xuất của Việt Nam còn một số tồn tại cần cải thiện. Các DN quy mô nhỏ, phân tán, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng lực quản lý, kinh doanh còn hạn chế, sức cạnh tranh kém so với các đối thủ quốc tế, chưa tạo dựng giá trị gia tăng cho sản phẩm XK.

Cùng quan điểm trên, PGS-TS. Phạm Tất Thắng chỉ rõ, trong bối cảnh cạnh tranh đang ngày càng gay gắt, một trong những điểm yếu nhất của các DN vừa và nhỏ của Việt Nam hiện nay là chậm đổi mới công nghệ. Thống kê sơ bộ của Bộ Công Thương cho thấy, chỉ có 8% DN có trình độ công nghệ trung bình, 45% DN có công nghệ trung bình thấp và chỉ khoảng 2% DN có trình độ cao.

PGS-TS. Phạm Tất Thắng cũng khuyến nghị, để vượt qua thách thức trong quá trình hội nhập, các DN cần sớm bỏ tư duy manh mún, chụp giật để xây dựng định hướng cho hoạt động kinh doanh trên thị trường khu vực và quốc tế, chấp nhận cạnh tranh quốc tế trên mọi phân khúc thị trường.

Theo đó, DN cần thường xuyên đổi mới công nghệ, trang bị kiến thức, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiểu rõ các rào cản đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ trên từng thị trường mà DN hướng tới. Đồng thời, thiết lập các mối quan hệ đối tác, hợp tác giữa DN với nhau, giữa DN trong nước với cộng đồng người Việt tại nước ngoài và quan tâm hơn nữa tới nguồn nhân lực để nâng cao khả năng xử lý trong hoạt động kinh doanh quốc tế.

Bổ sung thêm giải pháp cho các DN, PGS- TS. Phan Tố Uyên (Đại học Kinh tế quốc dân) - cho rằng, để giúp các DN Việt Nam vươn ra thị trường thế giới, nhà nước cần tạo dựng môi trường kinh doanh, hỗ trợ các DN vay vốn và ứng dụng khoa học kỹ thuật, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng quy mô sản xuất, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.