Thương mại Việt - Mỹ sau 2016: Lạc quan nhưng thực tế hơn

Theo baochinhphu.vn

Bất chấp các quan ngại về sự thay đổi chính sách kinh tế của nền kinh tế lớn nhất thế giới, các dự báo cho mối quan hệ Việt - Mỹ vẫn đầy màu sắc lạc quan, rằng trong 20 năm tới, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Xuất khẩu của Việt Nam vẫn đi lên

Tại Hội thảo “Tương tác thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ sau năm 2016” diễn ra ngày 20/12 tại TP. Hồ Chí Minh, quan điểm của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp tham dự cho biết, chưa bao giờ sự lạc quan vào mối quan hệ thương mại Việt - Mỹ lại trở nên thực tế như lúc này, khi mà những dự đoán về chính sách kinh tế của Tổng thống đắc cử Donald Trump vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, Giám đốc Khu công nghệ cao Sài Gòn (SHTP), lạc quan cho rằng những công ty công nghệ của Mỹ như Intel vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt tại Việt Nam, bất luận có TPP hay không. “Sau các động thái tái cơ cấu của tập đoàn, Intel tại khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh vẫn đang gia tăng các chủng loại cũng như sản lượng sản xuất tại SHTP. Riêng năm 2016, giá trị xuất khẩu của Intel tăng vượt bậc, đạt đến 4 tỉ USD”, ông Quốc nói.

Ông Trần Ngọc Châu, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Mỹ TP. Hồ Chí Minh cũng tin rằng kim ngạch thương mại song phương sẽ tăng lên mức 57 tỷ USD trong 5 năm tới, “trong đó xuất khẩu từ Mỹ đến Việt Nam sẽ tăng gấp đôi hiện nay, cho dù có TPP hay không”.

Chuyên gia tư vấn Phạm Phú Ngọc Trai đến từ Công ty tư vấn Hội nhập toàn cầu cũng khẳng định “một dự báo đầy tham vọng, nhưng có cơ sở, đó là trong 20 năm tới Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của hàng hóa Việt Nam”. Và rằng, thị trường Mỹ trong tương lai gần sẽ đón nhận nhiều sản phẩm đa dạng từ Việt Nam, chứ không chỉ là hàng dệt may và da giày.

Một nhà tư vấn Mỹ khác là luật sư Sesto Vecchi, người đã kinh qua hơn 30 năm làm việc tại Việt Nam, tin tưởng “Việt Nam đang phát triển và hội nhập sâu với thế giới, do vậy dù Tổng thống Mỹ là ai, Việt Nam vẫn phát triển và hội nhập”.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới không dễ dàng từ bỏ TPP

Nhiều suy đoán khác của giới chuyên gia kinh tế cũng cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới không dễ dàng từ bỏ TPP, chỉ là có thể thời gian và nội hàm của TPP sẽ được điều chỉnh thay đổi theo hướng tăng điều kiện hội nhập khu vực so với những gì đã ký kết. Trước mắt, một trong những thế mạnh của Việt Nam là xuất khẩu hàng dệt may sẽ có triển vọng phát triển ra sao trong thời gian tới khi mà thị trường Mỹ đang chiếm tỉ trọng trên 40% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của ngành?

Theo ông Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (1998-2010), hãy còn sớm để có thể nhận định rõ ràng về đối sách ngoại thương của Mỹ trong thời gian tới. Quốc gia này theo ông “sẽ không dễ dàng đánh mất vai trò đầu tàu về nhiều mặt của mình đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Đặc biệt tân Tổng thống Donald Trump là một nhà kinh doanh lão luyện và là một nhà thương thuyết giỏi. Những gì mà ông vừa tuyên bố về TPP có thể là để bắt đầu cho những thương thuyết mới”. Và đây là lúc ngành dệt may Việt Nam cần rà soát lại chiến lược phát triển của mình sao cho phù hợp với những biến động của thị trường trong thời gian tới.

Thật vậy, nếu nhìn vào 1 con số thống kê khác, có thể thấy Việt Nam cũng là thị trường phát triển nhanh nhất cho xuất khẩu của Mỹ trên thế giới. Trong 5 năm qua, xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam đã tăng 24%, đạt mốc 7,1 tỷ USD. Nếu dự báo lạc quan, xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam chắc chắn sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020.

Gợi ý hướng tiếp cận cho Việt Nam

Theo TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, nhiều nước đã gặt hái được thành công để trở nên giàu mạnh trong quan hệ với Mỹ, trong khi nhiều nước khác lại không thể phát triển như kỳ vọng, thậm chí gặp nhiều trục trặc về kinh tế-xã hội. “Do vậy, nhìn về mặt chiến lược dài hạn, Việt Nam nên chọn cách tiếp cận dựa vào lợi ích cốt lõi của mình và cần xác định rõ lợi ích của Mỹ trong từng bối cảnh cụ thể là gì”.

Cũng theo vị chuyên gia này, một điều khác cần phải tính đến là sợi dây gắn kết quan hệ Việt - Mỹ trong một vài thập kỷ tới, đó là thế hệ cựu chiến binh nhiều duyên nợ của hai nước, sẽ không còn kéo dài. “Đội ngũ du học sinh và những người Mỹ gốc Việt là các đối tượng có khả năng tạo ra sự gắn kết này”, ông Du nhấn mạnh.