Tiền ảo bitcoin và một số khuyến nghị chính sách quản lý tiền ảo ở Việt Nam

Võ Hữu Phước, ThS. Vũ Thị Quý - Khoa Kinh tế - Học viện Chính trị khu vực 2

Bitcoin và các đồng tiền ảo (hay tiền số) có những đặc tính chưa hề tồn tại ở những hình thái tiền tệ trước đó. Dù mang trong mình cả ưu điểm và nhược điểm nhưng cùng với xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0, tiền ảo ngày càng phổ biến, lan tỏa và thâm nhập vào các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, vấn đề quản lý tiền ảo là một vấn đề cấp thiết, nhằm bảo vệ tính ổn định của nền kinh tế, cũng như quyền lợi của các bên liên quan.

Sự ra đời của các loại tiền tệ và tiền ảo bitcoin

Vào thời kỳ khởi thủy của hoạt động trao đổi, khi các hình thái giá trị còn giản đơn, người ta đổi trực tiếp một lượng sản phẩm này lấy một lượng sản phẩm khác. Ở giai đoạn này, chưa có sự xuất hiện của vật ngang giá chung cho nên mọi trao đổi đều mang tính ngẫu nhiên và không chính xác, trao đổi vật lấy vật.

Khi lực lượng sản sản xuất và quan hệ sản xuất trở nên phát triển hơn, đã có sự hình thành các mảng riệng biệt, rõ ràng giữa chăn nuôi và trồng trọt, sự trao đổi diễn ra nhiều hơn, các giao dịch cũng trở nên phức tạp hơn, yêu cầu đặt ra là phải có một loại vật chất làm trung gian giá trị trao đổi.

Sản phẩm thường được lựa chọn khi đó là da và răng động vật, vũ khí, lương thực, muối, thuốc lá, xì gà, thậm chí là vỏ ốc. Tuy nhiên, khi nền sản xuất phát triển ở một mức độ cao hơn, hoạt động trao đổi hàng hóa trở nên phức tạp hơn nhiều, các giao dịch đều thực hiện rất khó khăn bởi vì có quá nhiều vật định giá. Khi đó, thực tiễn đòi hỏi một vật ngang giá chung thống nhất và tiền tệ ra đời.

Để có được sự thống nhất đó, tiền tệ là do nhà nước ban hành và quản lý, lưu thông rộng rãi trong toàn bộ một đất nước. Ban đầu, tiền tệ chủ yếu hiển thị dưới dạng kim loại, nhưng sau đó, được cố định ở các kim loại quý như vàng, bạc, kim cương… Tiếp đó, để đảm bảo tính thuận tiện trong giao dịch, các loại tiền định danh ra đời, xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Tiền giấy, tiền xu, tiền polyme… Cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ và hệ thống tài chính ngân hàng, tiền điện tử (tiền trong thẻ ATM, thẻ tín dụng…) ra đời và được sử dụng ngày càng rộng rãi.

Các loại tiền tệ kể trên trải qua lịch sử phát triển lâu dài, khác nhau về hình thái tồn tại nhưng chung nhau đặc tính do một tổ chức trung gian đứng ra phát hành, quản lý và bảo đảm giá trị đồng tiền. Tổ chức trung gian có thể là chính phủ, ngân hàng nhà nước… tùy theo hệ thống quản lý tài chính ở mỗi quốc gia.

Dưới đầu mối trung gian lớn nhất là các đầu mối trung gian ở cấp độ nhỏ hơn, như các tổ chức tài chính, các ngân hàng thương mại, các trung gian thanh toán… Đây cũng chính là nguy cơ rủi ro của hệ thống tiền tệ truyền thống. Đầu mối trung gian lớn nhất hoặc các đầu mối trung gian khác bị tấn công thì toàn bộ hoặc một bộ phận của hệ thống tiền tệ bị tê liệt, gây gián đoạn, đóng băng các giao dịch.

Khắc phục nguy cơ của hệ thống tiền tệ truyền thống, các đồng tiền ảo (hay còn gọi là tiền số, tiền mã hóa) nói chung, bitcoin nói riêng được ra đời dựa trên nền tảng công nghệ blockchain. Đây là nền tảng công nghệ cho phép các bên giao dịch trực tiếp thanh toán cho nhau mà không thông qua bất cứ một bên trung gian nào.

Tất cả các cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch bằng tiền ảo là một mắt xích trong mạng lưới, có vai trò ngang bằng nhau, giám sát lẫn nhau. Khi một mắt xích (nghĩa là một chiếc điện thoại, một máy tính…) bị tấn công thì các mắt xích khác không hề bị tổn hại vì vậy toàn bộ hệ thống vẫn hoạt động bình thường. Đây là lý do người ta cho rằng, tiền ảo vượt trội hơn các loại tiền tệ truyền thống.

Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác chưa công nhận bitcoin và các loại tiền ảo khác là loại tiền tệ hợp pháp mặc dù các giao dịch bằng bitcoin đã và đang tồn tại không ít trên thị trường. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ mã hóa, bitcoin và các tiền ảo khác sẽ ngày càng phổ biến và thịnh hành ở Việt Nam. Vì vậy, Nhà nước cần có quan điểm rõ ràng về loại tiền tệ này, từ đó có chính sách quản lý hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thực tiễn khách quan.

Quá trình phát triển của bitcoin

Bitcoin được thiết kế vào năm 2007 bởi một cá nhân hoặc tổ chức ẩn danh lấy tên là Satoshi Nakamoto, được đưa vào sửa dụng đầu tiên vào năm 2009. Sau 10 năm ra đời và phát triển, bitcoin trải qua nhiều thăng trầm.

Tháng 10/2009, The New Liberty Standard đưa ra giá trị quy đổi 1 bitcoin = 0,00076 USD. Lần đầu tiên, đồng tiền ảo này được sự công nhận có giá trị về mặt thực tế trên thị trường tiền tệ thế giới.

Năm 2012, bitcoin đột ngột tăng giá liên tục và đạt mức khoảng 1 bitcoin = 40 USD, giá trị đồng bitcoin tăng lên hàng chục nghìn lần so với 3 năm trước đó. Cho đến nay, giá trị đồng bitcoin đã tăng đến một mức không tưởng: 1 bitcoin = 6144,99 USD (cập nhật ngày 31/10/2017).

Nhắc đến lịch sử bitcoin cần nhớ đến một số dấu mốc quan trọng như: Năm 2013, một số nhà cung cấp dịch vụ lớn bắt đầu chấp nhận sử dụng bitcoin như: OKCupid, Baidu, Reddit, Humble Bundle, Foodler và Gyft. Thời điểm này, Canada đã có máy ATM bitcoin đầu tiên trên thế giới.

Ngày 28/2/2014, sàn giao dịch Bitcoin Mt.Gox tại Nhật Bản phá sản do để mất 750.000 bitcoin của khách hàng và 100.000 bitcoin của chính sàn Mt.Gox, tương đương 473 triệu USD. Vụ việc đã làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư vào đồng tiền ảo này. Đặc biệt, ngày 1/4/2017, Nhật Bản đã công nhận bitcoin là một phương thức thanh toán chính thức tại quốc gia này.

Ở Việt Nam, bitcoin đã và đang được giao dịch nhưng chưa được Nhà nước công nhận là một loại tiền tệ, chưa được quản lý và kiểm soát. Tháng 3/2014, tại Việt Nam, đại lý mua, bán bitcoin đầu tiên ra đời với tên gọi là Bitcoin Vietnam tại địa chỉ bitcoin.vn, hình thành nên Sàn giao dịch bitcoin VBTC. Ngày 5/6/2016, xuất hiện chiếc máy bitcoin ATM đầu tiên tại Việt Nam.

Tuy nhiên, ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo, trong đó có bitcoin. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã lên tiếng chính thức không thừa nhận đồng bitcoin trong giao dịch.

Ưu điểm và nhược điểm của bitcoin

Để có những đề xuất xây dựng chính sách quản lý và kiểm soát sử dụng đồng bitcoin trên thị trường Việt Nam, trước hết cần cân nhắc các ưu điểm và nhược điểm của đồng tiền ảo này.

Về ưu điểm:

- Tự do thanh toán: Ở những nơi được chấp nhận, Bitcoin được sử dụng và trao đổi một cách tiện lợi, thậm chí tiện lợi hơn tiền mặt. 

- Phí sử dụng thấp: Bitcoin hiện đang giao dịch với chi phí rất thấp, thậm chí bằng 0. Các dịch vụ thanh toán bằng bitcoin rẻ hơn nhiều khi so với dịch vụ thanh toán bằng tiền truyền thống như dịch vụ thanh toán trực tuyến, thanh toán qua thẻ nội địa hoặc thẻ tín dụng quốc tế…

- Giảm rủi ro cho người dùng: Các giao dịch bitcoin được xác minh là an toàn do các thuật toán mã hóa không thể đảo ngược, mỗi giao dịch được giám sát và kiểm chứng bởi hàng triệu người dùng bitcoin và không chứa thông tin bí mật của khách hàng. Vì vậy, giao dịch bitcoin loại bỏ các rủi ro trong khâu thanh toán.

Về nhược điểm:

- Mức độ chấp nhận thấp: Bitcoin mới có lịch sử gần 10 năm hình thành và phát triển trong khi các loại tiền truyền thống đã có hàng chục nghìn năm phát triển, vì thế đồng tiền này chưa được chấp nhận rộng rãi như các loại tiền tệ truyền thống.

- Bitcoin vẫn có thể bị mất: Nếu xảy ra vấn đề về ổ cứng, dữ liệu bị nhiễm virus hay các tập tin bị hỏng thì bitcoin sẽ bị mất và không cách nào khôi phục được. Tương tự như việc trữ tiền mặt ở nhà và không may bị hỏa hoạn, lũ lụt…

- Biến động khó lường: Giá thị trường của bitcoin không chỉ phụ thuộc vào độ hiếm của nó mà còn phụ thuộc vào những biến động thường xuyên, liên tục theo nhu cầu và tâm lý đầu tư trên thị trường. Mặt khác, vì không có cơ quan nhà nước quản lý khung biên độ giá, nên sự biến động của đồng bitcoin vượt xa mức độ biến động của các đồng tiền truyền thống.

- Chưa có cơ chế bảo vệ người mua: Các giao dịch sử dụng bitcoin chỉ có thể đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của người mua mà không đảm bảo nghĩa vụ giao hàng của người bán. Một khi người mua đã chuyển bitcoin thì không có cách nào hủy hoặc đòi lại từ người bán. Trong khi đó, rủi ro người bán gian lận, không giao hàng hoặc giao hàng không đúng thỏa thuận hoàn toàn có thể xảy ra.

- Rủi ro lỗ hổng kỹ thuật: Bitcoin là một hệ thống công nghệ máy tính nên không thể khẳng định hệ thống này không có lỗ hổng kỹ thuật. Thực tế, một số lỗ hổng kỹ thuật của blockchain đã được các hacker tìm thấy và gây ra hàng hoạt vụ tấn công vào các sàn giao dịch hàng đầu thế giới như Mt. Gox (Nhật Bản), Bithumb (Hàn Quốc)… gây ra không ít thiệt hại và hoang mang cho người dùng, mặc dù những lỗ hổng này đã được nhanh chóng khắc phục.

- Số lượng bitcoin là có hạn: Số lượng đồng bitcoin được thiết kế có giới hạn. Tổng số lượng bitcoin được thiết kế là 21 triệu bitcoin và dự kiến tới năm 2040 sẽ được “đào” hết. Tại thời điểm đó, chưa ai chắc chắn được điều gì sẽ xảy ra với thị trường bitcoin nhưng sẽ là một biến động lớn.

Giải pháp quản lý và kiểm soát bitcoin ở Việt Nam

Thực tế hiện nay, hệ thống tài chính – ngân hàng của Việt Nam còn ở giai đoạn đang phát triển, chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro có thể xảy ra đổ vỡ. Thêm vào đó, các yếu tố khác như cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin… còn kém xa so với các nước phát triển. Vì vậy, việc chấp nhận hoàn toàn đồng bitcoin trong giai đoạn này có thể là chưa phù hợp đối với thực tiễn ở Việt Nam. Tuy nhiên, cũng không thể đi ngược lại với yêu cầu thực tiễn, cấm sử dụng đồng tiền này. Vì vậy, có thể chấp nhận và quản lý bitcoin cũng như các đồng tiền ảo khác như một loại “tài sản ảo”. Cụ thể như sau:

Đối với các tổ chức sử dụng bitcoin (doanh nghiệp, tổ chức tài chính, ngân hàng…): Các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực trao đổi, giao dịch bitcoin cần đăng ký hoạt động với các cơ quan chức năng, trong đó cần: Đăng ký xác nhận quyền sở hữu tài khoản bitcoin; Lưu trữ các thông tin về lịch sử  giao dịch; Đối với các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ bằng bitcoin, cần phải có quy chế đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của người bán; Tuân thủ các nguyên tắc về kế toán, kiểm toán đối với tài sản trong các doanh nghiệp có sử dụng bitcoin; Có các quy định về nghĩa vụ thuế liên quan đến sở hữu và sử dụng loại “tài sản ảo” này; Tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền.

Đối với cá nhân sử dụng bitcoin: Đối với các giao dịch giá trị thấp, hoạt động này ít có rủi ro và người dùng không cần có tránh nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, với các giao dịch giá trị cao, người dùng nên tuân thủ các nguyên tắc về mua bán tài sản và có nghĩa vụ đóng thuế.

Đối với các cá nhân, tổ chức “đào” hay khai thác bitcoin: Giá trị lượng bitcoin “đào” được có thể coi như thu nhập (giống như việc khai thác tài nguyên thiên nhiên). Vì vậy, cá nhân và tổ chức “đào” bitcoin phải chịu thuế thu nhập trên khối lượng bitcoin “đào được”.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả quản lý bitcoin và các đồng tiền ảo trong dài hạn, Nhà nước cần có các chính sách nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng và nâng cao năng lực đội ngũ chuyên gia tài chính, chuyên gia mã hóa và bảo mật, nâng cao nhận thức của người dân về bản chất của bitcoin cũng như các loại tiền ảo khác.

Với sự phát triển khoa học công nghệ đặc biệt là công nghệ thông tin truyền thông, sự xâm nhập và lan tỏa nhanh chóng của đồng bitcoin ở Việt Nam là điều tất yếu. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng đưa bitcoin nói riêng, tiền ảo nói chung vào phạm vi quản lý. Vì vậy, xây dựng và hoàn thiện chính sách quản lý tiền ảo là vấn đề vừa yêu cầu tính kịp thời, vừa yêu cầu sự thận trọng.        

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ, 2017, Quyết định số 1255/QĐ-TTg;

2. Phương Anh, 2017, Nhật Bản công nhận tiền ảo là một phương thức thanh toán, thanhnien.vn;

3. Jamie Redman, 2015, Cash2vn Is Bringing Bitcoin’s ‘Core Value’ of Borderless Transactions to Vietnam, https://cointelegraph.com;

4. Nakamoto, Satoshi, 2009, Bitcoin: A Peer-to-Peer Electronic Cash System;

5. Các website: blockchain.info; https://bitcoin.vn...