Tiền điện tử của Facebook sẽ làm đảo lộn thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu?


Hôm 18/6 Facebook cho biết sẽ phát hành đồng tiền điện tử Libra và dự kiến chính thức giao dịch từ đầu năm 2020. Đồng tiền mã hoá của Facebook sẽ được sử dụng trên các mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin Messenger và WhatsApp. Theo tờ The Guardian với hơn 2,4 tỷ người dùng Facebook mỗi tháng, Libra có khả năng thay đổi cục diện thị trường tài chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vén màn bí ẩn tiền điện tử Libra

Sau những đồn đoán, Facebook vừa chính thức công bố đồng tiền điện tử đầu tiên của mình mang tên Libra, dù phải tới năm 2020, đồng tiền mã hoá này mới được giao dịch chính thức.

Khác với những đồng tiền ảo khác cũng dựa trên Blockchain, Libra không được tạo ra bằng cách "đào", mà đồng tiền này được phát hành dựa trên một lượng tài sản đảm bảo thực. Được biết, lượng tài sản đảm bảo của đồng Libra sẽ được để trong ngân hàng hoặc đầu tư vào các tài sản sinh lãi có rủi ro thấp, như trái phiếu chính phủ Mỹ, nhưng phần lợi nhuận không được phân phát cho người sở hữu Libra mà sử dụng cho việc hoạt động của tổ chức quản lý loại tiền tệ này, ví dụ như tài trợ cho hoạt động nghiên cứu hoặc hoạt động xã hội.

Theo phân tích của tờ Fundstrat Global Advisors, Libra được bảo đảm bằng các tiền tệ như đôla Mỹ hay euro nên đây sẽ là một đồng tiền ổn định, bảo đảm bằng một rổ tiền tệ và công cụ nợ (trái phiếu, cổ phiếu ưu đãi). Libra cũng không neo vào một đồng tiền duy nhất, mà vào một rổ tài sản từ trái phiếu chính phủ ngắn hạn đến tiền gửi ngân hàng. Có thể nói, đồng tiền kỹ thuật số này được tạo ra cũng giống như cách các ngân hàng trung ương trên thế giới phát hành tiền giấy. 

Libra được mô tả giúp cho người dùng mạng xã hội có thể dễ dàng giao dịch, trao đổi tài chính với nhau. Ngoài phương thức đơn giản như nhắn tin thông thường, các giao dịch cũng được mã hoá, đảm bảo an toàn cao nhờ vào công nghệ Blockchain. Tuy nhiên, người dùng không cần đến tài khoản ngân hàng như các dịch vụ tài chính thông thường. Libra được đánh giá là đối thủ tiềm năng của Bitcoin - tiền kỹ thuật số phổ biến nhất thế giới hiện tại.

Libra được xây dựng từ đầu để trở thành phương tiện giao dịch nhanh và giá phải chăng. Đây là sự khác biệt rất lớn so với Bitcoin. Phí giao dịch thấp của Libra sẽ khuyến khích người dùng sử dụng token này để chuyển tiền. Ngược lại, giao dịch bằng Bitcoin khá đắt đỏ và chậm. Libra được đánh giá sẽ là một đồng tiền ổn định trong khi Bitcoin thì nổi tiếng là tiền số có biến động giá cực lớn.

Hiện nay, số lượng các tổ chức tài chính hậu thuẫn cho đồng tiền điện tử của Facebook đã rất lớn, trong đó bao gồm nhiền tên tuổi lớn. Cụ thể đã có 27 công ty công nghệ xác nhận là đối tác tham gia cùng với Facebook, gồm một số cái tên lớn như Paypal, Ebay, Spotify, Uber, Lyft, Visa, Mastercard... Sự hậu thuận mạnh mẽ này sẽ giúp Libra nhanh chóng được chấp thuận rộng rãi.

Libra sẽ tạo nên cơn địa chấn trong ngành tài chính – tiền tệ toàn cầu?

Được mô tả là cơ sở hạ tầng tài chính - tiền tệ mang tính toàn cầu, lãnh đạo Facebook khẳng định "không tạo ra với mục đích thay thế các ngân hàng trung ương lớn". Tuy nhiên, đồng tiền này được giới phân tích đánh giá có thể tạo nên cơn địa chấn toàn cầu trong ngành tài chính.

Theo nhận định của Bloomberg, nếu thành công, Libra có thể biến Facebook trở thành “một người chơi lớn” trong ngành tài chính. Trong khi đó, chuyên gia phân tích Mark Mahaney đến từ RBC Capital Markets lại cho rằng, Facebook giới thiệu Libra vào lúc này như “bước ngoặt” cho hoạt động của công ty và cả thị trường tiền số. Rõ ràng, với con số người dùng Facebook trên khắp toàn cầu và con số này tiếp tục có thể tăng lên trong thời gian tới, việc ra đời một đồng tiền điện tử cho người dùng mạng xã hội này sẽ có tác động mạnh đến nhu cầu, xu hướng giao dịch của người dùng, từ đó sẽ có những tác động đến hệ thống tài chính – tiền tệ.

Trong thời gian qua, tiền ảo, tiền điện tử đã “làm mưa, làm gió” với các biến động rất khó lường. Chính phủ nhiều nước cũng đang rất lúng túng trong việc có nên chấp nhận các loại tiền này và cách thức quản lý ra sao trước mối lo đe dọa đến sự ổn định của nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính – tiền tệ nói riêng.

Trước bối cảnh đó, đồng tiền điện tử Libra hiện nay cũng đang gây ra sự lo ngại và phản ứng trái chiều từ phía chính phủ các nước trước nỗi lo nó có thể làm đảo lộn thị trường tài chính tiền tệ toàn cầu trong khi các giải pháp quản lý điều tiết vẫn chưa được đưa ra.

Theo The Guardian, các nhà chức trách Mỹ và Anh đã bày tỏ lo ngại trước kế hoạch lấn sân sang mảng tài chính của Facebook. Ngay sau thông báo của Facebook, nữ nghị sĩ kiêm Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, Maxine Waters, kêu gọi mạng xã hội này dừng dự án Libra cho đến khi Quốc hội và các nhà quản lý xem xét và kêu gọi Giám đốc điều hành Facebook điều trần trước ủy ban.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho rằng không nên coi Libra là sự thay thế cho các loại tiền tệ truyền thống. Đồng thời, người đứng đầu cơ quan tài chính Pháp kêu gọi nhóm 7 thống đốc ngân hàng trung ương chuẩn bị báo cáo về dự án này ngay trong cuộc họp tháng 7.