Tiền lương Việt Nam: Còn chặng đường dài phía trước

Quỳnh Hoa

(Tài chính) Giai đoạn từ 2011-2013, Việt Nam có mức tăng chung của tiền lương trung bình thực tế đạt 13,67%. Như vậy, tuy đã có nhiều chuyển biến song vẫn thấp hơn nhiều so với mức lương ở các nền kinh tế phát triển và thua kém ngay cả nhiều quốc gia láng giềng.

Việt Nam cũng có mức tăng chung của tiền lương trung bình thực tế đạt 13,67% trong giai đoạn từ 2011 đến 2013. Nguồn: internet
Việt Nam cũng có mức tăng chung của tiền lương trung bình thực tế đạt 13,67% trong giai đoạn từ 2011 đến 2013. Nguồn: internet

Tăng trưởng tiền lương toàn cầu chững lại dưới mức tiền khủng hoảng

Báo cáo Tiền lương Toàn cầu 2014-2015 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, tăng trưởng tiền lương trên toàn thế giới vào năm 2013 đã giảm xuống mức 2%, so với mức 2,2% của năm 2012, và tới nay vẫn chưa bắt kịp mức 3% của giai đoạn tiền khủng hoảng.

Tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, nơi công việc tự làm phổ biến hơn, đóng góp của tiền lương đối với thu nhập hộ gia đình thường nhỏ hơn. Tiền lương chiếm khoảng 50% đến 60% thu nhập hộ gia đình ở Mexico, Liên bang Nga, Argentina, Brazil và Chile và khoảng 40% ở Peru, hoặc 30% ở Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng khiêm tốn này chủ yếu có được nhờ các nền kinh tế G20 mới nổi, khu vực có mức tăng lương đạt 6,7% năm 2012 và 5,9% năm 2013. Ngược lại, ở các nền kinh tế phát triển, tốc độ tăng lương trung bình dao động ở mức 1% mỗi năm từ 2006 và rồi giảm dần xuống chỉ còn 0,1% năm 2012 và 0,2% năm 2013. “Tốc độ tăng lương đã giảm xuống mức gần 0 trong nhóm các nước phát triển trong hai năm vừa qua, trong đó một số quốc gia thậm chí còn có tình trạng giảm lương. Điều này ảnh hưởng đến tình hình kinh tế nói chung, dẫn đến việc nhu cầu tiêu dùng hộ gia đình ở hầu hết các nền kinh tế nói trên bị chững lại và làm tăng nguy cơ giảm phát ở khu vực đồng Euro”, bà Sandra Polaski, Phó Tổng Giám đốc phụ trách về chính sách của ILO cho biết.

Chuyên gia kinh tế của ILO, Kristen Sobeck, một trong những tác giả của báo cáo, nhận định: Thập niên vừa qua cho thấy các quốc gia đang phát triển và mới nổi đang từ từ thu hẹp khoảng cách về mức tiền lương trung bình với các quốc gia phát triển, thế nhưng tiền lương ở các nền kinh tế phát triển vẫn duy trì mức trung bình cao gấp ba lần nhóm các nước đang phát triển và mới nổi.

Báo cáo cũng thể hiện sự chênh lệch lớn ở mức tăng lương giữa các nước đang phát triển thuộc các nhóm khu vực khác nhau. Ví dụ, năm 2013, tiền lương tăng 6% ở Châu Á và 5,8% ở Đông Âu và Trung Á, nhưng chỉ tăng 0,8% ở Châu Mỹ Latin và vùng Caribê. Tại Trung Đông, tiền lương tăng 3,9%, nhưng ở Châu Phi, tốc độ tăng chỉ ở mức 0,9%, mặc dù số liệu tại các khu vực này chưa được thống kê đầy đủ.

Khoảng cách hữu hình

Khảo sát của ILO cho thấy, trong khi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục đạt mức tăng lương cao hơn hầu hết các khu vực khác trên toàn cầu, Việt Nam cũng có mức tăng chung của tiền lương trung bình thực tế đạt 13,67% trong giai đoạn từ 2011 đến 2013. Mức tăng này tuy đã chuyển biến song vẫn ở mức thấp hơn rất nhiều so với mức lương ở các nền kinh tế phát triển và thua kém ngay cả nhiều quốc gia láng giềng.

Thực vậy, so với các quốc gia trong Khu vực Đông Nam Á (ASEAN), lương tháng trung bình trong năm 2012 của Việt Nam (ở mức 3,8 triệu đồng, tương đương 181 USD) chỉ cao hơn so với Lào (119 USD), Campuchia (121 USD) và Indonesia (174 USD). Trong khi đó, mức lương này chỉ bằng khoảng một nửa so với Thái Lan (357 USD), chưa bằng một phần ba của Malaysia (609 USD) và chỉ bằng khoảng một phần hai mươi của Singapore (3.547 USD). “Khoảng cách chênh lệch lớn về tiền lương giữa các quốc gia ASEAN phản ánh sự khác biệt lớn trên nhiều phương diện, trong đó có năng suất lao động. Những quốc gia ứng dụng công nghệ mới, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, khuyến khích cải cách cơ cấu và cải thiện kỹ năng nguồn nhân lực, cũng là những quốc gia tạo ra nền tảng cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn – và chuyển dịch sang những hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao hơn”, ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc ILO tại Việt Nam đánh giá.

Theo Điều tra Lao động Việc làm 2013, ngành đạt mức lương cao nhất là “hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm” với mức lương tháng trung bình là 7,23 triệu đồng. Các ngành dẫn đầu khác bao gồm “hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ” (6,53 triệu đồng) và “hoạt động kinh doanh bất động sản” (6,4 triệu đồng). Trong khi đó, “hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình” có mức lương tháng thấp nhất, ở mức 2,35 triệu đồng, tiếp đến là nhóm ngành “nông, lâm, thủy sản” với mức lương trung bình 2,63 triệu đồng. Tỷ lệ chênh lệch lương theo giới ở Việt Nam chỉ ở gần 10% – khá thấp so với thế giới.

Tuy nhiên, khoảng cách này lại rất lớn trong nhóm ngành lương thấp là “nông, lâm, thủy sản”. Trong ngành này, phụ nữ hưởng lương ít hơn nam giới 32% (khoảng cách lớn nhất). Trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo – ngành nghề đang nở rộ ở Việt Nam và tuyển dụng số lượng lao động nữ vượt trội so với nam, nữ giới vẫn chỉ hưởng mức lương tháng trung bình thấp hơn nam giới 17%. Ngược lại, trong hai ngành có mức lương cao nhất (ngành “hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm” và ngành “hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ”), lao động nữ lại được trả lương cao hơn nam giới một chút (tương ứng 3,4% và 1,4%).  

Mặc dù lao động làm công ăn lương hiện nay chỉ chiếm 34,8% trên tổng số lao động có việc làm tại Việt Nam, thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình trên 50% của thế giới, nhưng tỷ lệ này được dự kiến sẽ gia tăng nhanh trong các thập kỷ tới. “Với vai trò ngày càng quan trọng của tiền lương, các thể chế và chính sách xác định tiền lương đủ mạnh – trong đó tiền lương tối thiểu và thương lượng tập thể là hai thành tố bổ sung cho nhau – là điều kiện tiên quyết để tối đa hóa lợi ích từ hội nhập kinh tế khu vực và kinh tế toàn cầu, cũng như đảm bảo rằng những lợi ích này sẽ được chuyển thành mức tiền lương cao hơn cùng điều kiện làm việc tốt hơn,” ông Sziraczki cho biết.