Tiếp nối hoàn hảo quan hệ Việt – Đức

Nguyên Đức (Báo Đầu tư).

Hơn 100 doanh nghiệp Đức và Việt tham gia. Hai biên bản ghi nhớ được ký kết; hàng loạt vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh được thảo luận tại Diễn đàn Đối thoại Việt - Đức, tổ chức ngày hôm qua (18/9) tại Hà Nội, nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ CHLB Đức Philipp Rưsler. Và đây là những nền tảng cơ bản để thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương Việt - Đức.

Từ những cam kết cấp cao

Khẳng định quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại Việt - Đức không ngừng được cải thiện thời gian qua, nhất là sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi tháng 11/2011, hai bên đã ra tuyên bố chung về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, song Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai nước.

“Chúng ta cần thúc đẩy đầu tư song phương, nhất là trong những lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ sạch. Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên thu hút đầu tư trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh phát biểu.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Đức hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu, với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2011 đã lên tới 6 tỷ USD. Không chỉ là đối tác thương mại lớn, Đức còn là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa của Việt Nam sang các nước châu Âu và còn là nhà tài trợ cung cấp một lượng lớn vốn ODA (khoảng 1 tỷ euro) cho Việt Nam.

Có vị thế quan trọng trong hợp tác thương mại, song Đức hiện chỉ đứng thứ 24 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 184 dự án, vốn đăng ký trên 900 triệu USD. Đó là lý do vì sao, cả Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và Bộ trưởng Philipp Rưsler đều thống nhất cho rằng, cả hai bên phải thúc đẩy hơn nữa hợp tác về đầu tư. Thậm chí, Đức còn được phía Việt Nam cho là một địa bàn trọng điểm để xúc tiến đầu tư.

“Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ và đứng bên cạnh sự phát triển của Việt Nam. Chúng tôi sẽ đem những điểm tối ưu nhất của Đức tới Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp lớn, nhỏ ưu tú của Đức, các công nghệ xanh và sẵn sàng hợp tác trong các lĩnh vực, như năng lượng sạch, giáo dục, y tế, cả xây dựng hạ tầng và du lịch”, Bộ trưởng Philipp Rưsler phát biểu và chân tình bày tỏ rằng, ông rất mong các doanh nghiệp Đức và Việt Nam có thể nhìn vào mắt nhau để tạo dựng sự tin tưởng lẫn nhau.

“Việt Nam cần tạo được khung khổ pháp lý bền vững, ổn định để có thể thúc đẩy hơn nữa hợp tác đầu tư, thương mại Việt - Đức. Có được sự đảm bảo về chính sách, chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư Đức đến Việt Nam và điều này là để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế không chỉ của Việt Nam, mà của cả nước Đức”, Bộ trưởng Philipp Rưsler nhấn mạnh.

Cái bắt tay rất chặt của hai ngài Bộ trưởng, mà trong đó, một điều rất thú vị, đó là Bộ trưởng Philipp Rưsler là người Đức có dòng máu Việt Nam, khiến dư luận tin tưởng rằng, cùng với những cam kết cấp cao, hợp tác Việt - Đức sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Đến cái bắt tay của doanh nghiệp Đức - Việt

Hợp đồng sản xuất xe bus mẫu giữa Vinamotor và Siemiens Việt Nam, được ký kết trong khuôn khổ Diễn đàn không phải là sự khởi đầu cho hợp tác Việt - Đức, mà có thể nói, là sự tiếp nối hoàn hảo cho mối quan hệ hợp tác lâu dài và bền vững giữa hai bên, được bắt đầu từ tháng 9/1975, ngay sau khi Việt Nam thống nhất đất nước.

Sự có mặt của các nhà đầu tư hàng đầu của Đức, như Siemens, Schenker, Bayer, Bosch… tại Việt Nam có thể coi là những ví dụ điển hình cho sự hợp tác này. Còn ở chiều ngược lại, có thể coi câu chuyện mà ông Nguyễn Đức Thành, Phó tổng giám đốc VietinBank đã kể, cũng là một hình mẫu lý tưởng cho cái bắt tay rất chặt của doanh nghiệp Việt - Đức.

Chỉ trong vòng hai năm, VietinBank đã mở hai chi nhánh ở Berlin và Franfurt. Và có lẽ, không cần phải bàn nhiều về lý do mà VietinBank chọn Đức, bên cạnh địa bàn chiến lược Đông Nam Á, mà nên nói nhiều hơn về những kỳ vọng mà một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam đặt ở Đức. “Franfurt là trung tâm tài chính lớn của thế giới. Chúng tôi đã là ngân hàng Việt Nam đầu tiên có mặt tại đây và cũng mong muốn trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên được tham gia vào thị trường vốn ở Franfurt”, ông Thành nói và cho biết, VietinBank muốn trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp Đức, Việt, người Việt Nam ở Đức kinh doanh và đầu tư ở Việt Nam, cũng như ở Đức.

“Chúng tôi có những dịch vụ về tài trợ thương mại, thanh toán xuất nhập khẩu ngang ngửa với Ngân hàng Deutsch AG”, ông Thành tự hào nói và không ngần ngại chia sẻ những bí quyết để có thể kinh doanh thành công tại Đức. “Chúng tôi hy vọng thời gian tới, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội để thâm nhập thị trường Đức và châu Âu, không chỉ là thị trường hàng hóa, mà còn là thị trường dịch vụ”, ông Thành nói.

Trong khi đó, với các doanh nghiệp Đức đang kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, cũng còn rất nhiều vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện. Chẳng hạn, cơ sở hạ tầng, khung pháp lý, thủ tục hành chính…

Một cách cụ thể, ông Heinrich Lugwich Schenk, Chủ tịch HĐQT, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần PPI (Bắc Ninh), bày tỏ mong muốn được đối thoại một cách thẳng thắn với các cơ quan chức năng Việt Nam trong các vấn đề mà nhà đầu tư còn vướng mắc.

Đầu tư 2 triệu USD tại Việt Nam, PPI đã có thành công bước đầu tại Việt Nam. Khẳng định cam kết kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, song ông Schenk cũng rất lo lắng trước việc các cơ quan thuế tính thuế chưa thống nhất. Tương tự như vậy, là các chi phí không chính thức vẫn còn tồn tại. Và cả sự hợp tác chưa chặt chẽ của các cơ quan chức năng của địa phương.

Trong khi đó, bà Kim Thu Hương, Giám đốc Van Laack Asia Co.Ltd (Thanh Trì, Hà Nội), lại lo lắng về sự thay đổi của chính sách, đặc biệt là chính sách thuế, ưu đãi đầu tư sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. “Chính sách không ổn định khiến những nhà đầu tư như chúng tôi cảm thấy không an lòng”, bà Hương nói.

Trả lời các câu hỏi thắc mắc của nhà đầu tư, ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định rằng, Việt Nam vẫn đang rất nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng… để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư. “Những cải cách này đã nhận được sự quan tâm, đồng tình của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Chúng tôi mong muốn và hy vọng, các nhà đầu tư của Đức sẽ có vị trí xứng đáng trong đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”, ông Quang nhấn mạnh.

Đưa nền kỹ thuật tiên tiến vào Việt Nam”

Ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam

Việt Nam đương nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn, thử thách hơn trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là trong bối cảnh các nước xung quanh đang vươn dậy. Bởi thế, tất cả nhà đầu tư quốc tế nói chung, các nhà đầu tư Việt kiều Đức nói riêng đều mong muốn Việt Nam có được sự thay đổi tốt đẹp hơn về chính sách pháp lý, chính sách thuế, cải thiện môi trường đầu tư, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực kỹ thuật, công nghệ cao. Quyết tâm của các nhà đầu tư Đức nói chung là muốn đưa nền kỹ thuật tiên tiến của thế giới, của châu Âu, của Đức vào Việt Nam. Việt Nam là một điểm đến rất có triển vọng trong ngành công nghiệp xanh sạch, công nghệ kỹ thuật cao. Các nhà đầu tư Đức rất có lợi thế trong lĩnh vực này. Về đào tạo nguồn nhân lực cũng vậy, Đức có những trường đại học, trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao, có thể hợp tác song phương. Tôi được biết, trong chuyến đi này, đây cũng là lĩnh vực mà ngài Bộ trưởng Philipp Rosler quan tâm. Cả hai nước có thể quan tâm để thúc đẩy hợp tác hơn nữa.

Cải cách hơn nữa thủ tục hành chính”

Ông Juergen Braunbach, Tập đoàn Schenker

Tôi đã kinh doanh tại Việt Nam 18 năm, kể từ năm 1994. 18 năm qua, tôi nhận thấy sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam, cũng như tiềm năng của đất nước này. Việt Nam là một thị trường đầu tư hấp dẫn và có vị trí quan trọng ở khu vực ASEAN, nhất là khi ASEAN trở thành một thể thống nhất vào năm 2015. Hiện nay, các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc đã đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam và xu hướng này sẽ tiếp tục. Việt Nam có những cơ hội tốt để thu hút đầu tư, nhưng một số nhà đầu tư Đức vẫn ngần ngại khi đầu tư vào Việt Nam. Tôi cho rằng, cần cải thiện hơn nữa về việc cùng hợp tác để xây dựng các khuôn khổ pháp lý phù hợp. Chúng tôi cũng rất muốn Chính phủ Việt Nam và các cơ quan chức năng Việt Nam cải cách hơn nữa các thủ tục hành chính.

Đầu tư hơn nữa cho cơ sở hạ tầng”

Bà Christiane Laibach, thành viên HĐQT Ngân hàng Tái thiết Đức (Kfw)

Tôi đã đến Việt Nam vào những năm 90 của thế kỷ nước, khi mà rất nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Nhiều năm sau quay lại, tôi đã thấy rất nhiều cơ hội rộng mở cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có KfW. Việt Nam đã thay đổi rất nhanh, đã đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng, tuy nhiên, đây sẽ tiếp tục là một thách thức lớn trong việc thu hút đầu tư. Trong bối cảnh cạnh tranh đầu tư hiện nay, các nhà đầu tư sẽ lựa chọn những quốc gia có cơ sở hạ tầng tốt, vì thế, Việt Nam phải đầu tư hơn nữa cho cơ sở hạ tầng. Việt Nam cũng cần phải tiếp tục cải cách hơn nữa các vấn đề về đầu tư công, đầu tư tài chính… để có thể thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư Đức vào Việt Nam.