Tiếp tục có các chính sách, giải pháp hiệu quả hỗ trợ tăng trưởng kinh tế (*)

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và của dân cư, kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng thực hiện được các mục tiêu lớn. Xin trích đăng ý kiến của ông Phạm Huy Hùng - Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội.

Tiếp tục có các chính sách, giải pháp hiệu quả hỗ trợ tăng trưởng kinh tế (*)
Kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng thực hiện được các mục tiêu lớn. Nguồn: internet
Tôi nhất trí với Báo cáo của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và 3 năm 2011 - 2013, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi chậm, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu lần này được đánh giá trầm trọng nhất từ đại suy thoái kinh tế thế giới 1929 - 1933.

Kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn nhưng với nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và của dân cư, kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng thực hiện được các mục tiêu lớn. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, đã kiềm chế và kiểm soát được lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội 3 năm 2011 - 2013.

Một số cân đối lớn của nền kinh tế đã đạt được kết quả tích cực như: cân đối tiết kiệm - đầu tư; cung cầu hàng hóa bảo đảm; thực hiện mục tiêu an ninh lương thực, xuất khẩu lương thực hàng năm có tăng; cán cân thương mại có sự cải thiện, xuất khẩu tăng trưởng cao, bình quân 3 năm tăng trưởng 22%.

Thị trường tài chính ổn định hơn, kinh tế có bước phục hồi, thị trường trong nước tiếp tục phát triển, đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hàng tồn kho giảm mạnh, chất lượng tăng trưởng có bước được nâng lên, tỷ giá ổn định, tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn 6,81% năm 2012 và 9 tháng năm 2013 là 4,63%, dự báo cả nước năm 2013 khoảng 7%. Chất lượng đầu tư đã được cải thiện. Vốn đầu tư phát triển bước đầu được phân bổ tập trung, hiệu quả hơn. Năm 2013 thực hiện được 11/15 chỉ tiêu, 2 chỉ tiêu đạt xấp xỉ, ước cả năm GDP đạt 5,4%, bình quân 3 năm là 5,6%.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2013 chỉ tăng 2,9%, các nước phát triển tăng trưởng 4,5%, khu vực ASEAN bình quân 3 năm 2011 - 2013 ước tăng 5,1%. Chúng tôi cho rằng, tăng trưởng kinh tế của chúng ta đạt 5,4% không phải thấp. Sản xuất công nghiệp tăng 5,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 14 - 16%. Đây là kết quả của quá trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế đúng hướng nên đã tạo ra sự cân đối bước đầu giữa các mục tiêu của nền kinh tế.

Chính sách tiền tệ phù hợp với kinh tế vĩ mô và diễn biến của lạm phát. Mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay giảm mạnh, nhưng nguồn huy động tiền gửi của dân cư vẫn tăng với kỳ hạn dài hơn. Tính đến ngày  30/9/2013, tiền gửi VNĐ của dân cư tăng 13,16% so với cuối năm 2012, hiện nay lãi suất huy động vốn giảm còn 7 - 10%, lãi suất cho vay còn 9 - 12% và 9 tháng năm 2013, lãi suất huy động giảm 2 - 3%, lãi suất cho vay giảm 3 - 5%. Tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng được cải thiện, đây là thành công về điều hành chính sách lãi suất trong thời gian vừa qua.

Tín dụng những năm trước tăng trưởng nóng với các điều kiện tín dụng được nới lỏng là một trong những nguyên nhân gây nên nợ xấu và lạm phát tăng cao trong năm 2007 - 2011. Năm 2011 - 2012, tăng trưởng tín dụng được cải thiện về chất lượng gắn với an toàn hệ thống, 2006 - 2010 tín dụng tăng 33%/ năm, giảm còn 14,45% năm 2011 và 8,8% năm 2012. Năm 2013, tín dụng được điều hành linh hoạt, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

9 tháng năm 2013 tăng trưởng tín dụng đạt 6,82%, nhưng cơ cấu tín dụng đã từng bước hợp lý, đã hướng được vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên, các ngành kinh tế trọng điểm, đẩy mạnh xuất khẩu, thu mua, lúa gạo chế biến, thủy sản là những sản phẩm có thế mạnh của đất nước, cho vay nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ở những vùng khó khăn, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và mang lại nguồn ngoại tệ tăng đáng kể cho đất nước. Nhiều ngân hàng thương mại đã hạ thấp lãi suất cho vay, thiết kế nhiều gói lãi suất cho vay ưu đãi để hỗ trợ sản xuất kinh doanh của các đối tượng khách hàng.

Hệ thống các tổ chức tín dụng đang từng bước được tái cơ cấu theo hướng phát triển ổn định và lành mạnh. Năm 2013, Ngân hàng Nhà nước cơ bản sắp xếp xong 9 ngân hàng yếu kém, đã triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, hoạt động của các hệ thống ngân hàng được kiểm soát và bảo đảm an toàn, các ngân hàng yếu kém được cơ cấu lại, hoàn thiện các quy định về an toàn và tăng cường giám sát, thanh tra hoạt động của các tổ chức tín dụng. Chủ động xử lý nợ xấu; các tổ chức tín dụng đang từng bước lành mạnh tài chính, nâng cao năng lực quản trị nội bộ, quản trị rủi ro, chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt, tiết giảm chi phí hoạt động, tiền lương, hạn chế chia cổ tức, lợi nhuận, nâng cao chất lượng nợ, kiểm soát rủi ro tín dụng; cơ cấu lại nợ đối với một số khoản vay của các khách hàng có triển vọng phục hồi và phát triển. Công ty VAMC của Ngân hàng Nhà nước hoạt động từ tháng 7/2013 với nguyên tắc lấy thu bù chi, không vì mục tiêu lợi nhuận, dự kiến trong quý IV sẽ xử lý được khoảng 35 - 40 nghìn tỷ đồng nợ xấu, là những điểm nhấn về xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Nhờ nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước và từng tổ chức tín dụng quyết liệt trong việc xử lý nợ xấu, tốc độ tăng nợ xấu đã giảm, tính đến cuối tháng 8/2013, nợ xấu chiếm 4,64% tổng dư nợ.

Thị trường ngoại tệ, thị trường vàng có nhiều cải thiện, chính sách tỷ giá hối đoái hợp lý. Những biến động bất lợi về tỷ giá, giá vàng trên thị trường đã được khắc phục, các giao dịch ngoại hối thông suốt, cung cầu ngoại tệ trên thị trường được giữ ở trạng thái cân bằng, dự trữ ngoại hối tăng lớn đạt mức khoảng 12 tuần nhập khẩu. Nhập siêu 9 tháng năm 2013 là 124 triệu USD cho thấy các biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã đi đúng hướng, nhất quán kết hợp đồng bộ giữa chính sách tỷ giá, lãi suất, tín dụng và thực hiện kỷ cương trên thị trường ngoại hối.

Thị trường vàng miếng đã dần ổn định không còn xảy ra các cơn sốt giá vàng. Việc chấm dứt huy động, cho vay bằng vàng, sang quan hệ mua bán vàng đã loại bỏ rủi ro cho vay vàng của các tổ chức tín dụng. Khi thị trường vàng ổn định, tình trạng đô la hóa, vàng hóa, đầu cơ vàng giảm đáng kể, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng, giúp loại trừ các tác động tiêu cực tới tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Với kết quả trên trong những tháng còn lại của năm 2013 và năm 2014, 2015, chúng tôi đề nghị các công cụ chính sách tiền tệ cần tiếp tục điều hành một cách chủ động, linh hoạt nhằm ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, đẩy mạnh tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, nâng cao năng lực tài chính cho các ngân hàng thương mại hoạt động tốt, xử lý tích cực nợ xấu để đẩy nhanh dòng vốn trên thị trường.

Tiếp tục có các chính sách, giải pháp hiệu quả hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho, tăng cầu, tăng sức mua, đặc biệt giải phóng tồn kho bất động sản, thanh toán nợ xây dựng cơ bản, hỗ trợ tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước nếu xác định cần tồn tại. Nghiên cứu cải tiến mạnh mẽ cơ chế tiền lương, tiền lương tối thiểu tạo động lực nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế đất nước.

Việc tiếp tục ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng trưởng kinh tế chậm lại như vừa qua cần phải chấp nhận trong ngắn hạn để có một nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc, làm tiền đề cho tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn. Chúng tôi cho rằng, phục hồi tăng trưởng kinh tế không thể vội vàng, nếu không sẽ đánh mất toàn bộ thành quả đạt được trong năm 2013 và 3 năm 2011 - 2013.

(*) Tít bài do FinancePlus.vn đặt.