Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia

PV.

(Tài chính) Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, ngày 27/12/2013, Ngài Samdech Techo Hun Sen - Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Vương quốc Campuchia và Lãnh đạo Chính phủ, Bộ, ngành hai nước Campuchia - Việt Nam đã đến thăm và có buổi làm việc với Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

Phát biểu tại buổi làm việc, bên cạnh việc thông báo về tình hình kinh tế và đầu tư của Campuchia trong những năm qua, Ngài Samdech Techo Hunsen cũng cho biết Campuchia đã mở cửa nền kinh tế cho tất cả các nhà đầu tư không phân biệt nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời mở cửa tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và viễn thông...

“Nhân dịp này, thay mặt cho Chính phủ Hoàng gia và nhân danh cá nhân, tôi xin bày tỏ sự biết ơn chân thành của tôi đến các DN Việt Nam đã đầu tư vào Campuchia mặc dù trên thế giới, ngoại trừ châu Á, đang chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế và tài chính. Tôi cũng đánh giá cao vai trò của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia trong việc kết nối các nhà đầu tư Việt Nam với các định chế/bộ ngành Campuchia đã thúc đẩy đầu tư của Việt Nam tại Campuchia...”, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Vương quốc Campuchia khẳng định. 

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia - Ảnh 1
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV kiêm Chủ tịch AVIC phát biểu tại buổi làm việc. Nguồn: bidv.com.vn

Tại buổi làm việc, trên cương vị Chủ tịch AVIC, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV đã thông báo về những đóng góp của AVIC nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam – Campuchia trong 4 năm qua kể từ khi AVIC được chính thức thành lập vào tháng 12/2009 theo sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ hai nước nhằm nâng tầm quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước đi vào chất lượng và hiệu quả thiết thực.

Theo đó, về hoạt động đầu tư, tính đến hết năm 2013, tổng vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam vào Campuchia đã đạt trên 3 tỷ USD với 126 dự án, gấp gần 6 lần về tổng vốn đầu tư và trên 3 lần về số lượng dự án so với trước năm 2010. Việt Nam được xếp thứ 5 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Campuchia.

Trong khi đó, trên lĩnh vực thương mại, trong 10 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Campuchia đạt 2,94 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu Việt Nam sang Campuchia đạt 2,5 tỷ USD, xuất khẩu Campuchia sang Việt Nam đạt 435 triệu USD - Việt Nam xuất siêu đạt mức 2,1 tỷ USD.

Ước tính cả năm 2013, kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt mức 3,5 tỷ USD (chiếm khoảng 1,3% so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2013 (ước đạt 268 tỷ USD), chiếm khoảng 21,9% so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Campuchia năm 2013 (ước đạt 16 tỷ USD). Quan hệ thương mại Việt Nam – Campuchia tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ, kim ngạch thương mại hai chiều liên tục gia tăng qua các năm, phấn đấu đạt mức 5 tỷ USD vào năm 2015. Việt Nam đang xếp thứ 3 trong các quốc gia có quan hệ hợp tác thương mại với Campuchia.

Về du lịch, trong những năm gần đây, số lượng du khách du lịch từ Việt Nam sang Campuchia và ngược lại liên tục tăng trưởng mạnh, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 33,3%. Theo số liệu của Bộ Du lịch Campuchia, tính đến hết tháng 10/2013, trên 712.000 lượt khách Việt Nam sang du lịch Campuchia, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2012, chiếm 21% tổng số du khách nước ngoài đến Campuchia, ước cả năm đạt khoảng 900.000 lượt khách. Việt Nam hiện vẫn tiếp tục là nước đứng đầu về số lượng du khách đến Campuchia. Theo chiều ngược lại, lượng khách du lịch Campuchia đến Việt Nam trong năm 2013 ước đạt 340.000 lượt khách.

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy hoạt động đầu tư

Tuy nhiên, tại buổi làm việc, Chủ tịch AVIC cũng chỉ ra một số tồn tại và khó khăn trong hoạt động đầu tư Việt Nam sang Campuchia trong năm 2013 như: Một số dự án chưa đảm bảo đúng tiến độ triển khai; Một số dự án thủy điện còn gặp khó khăn trong công tác bồi thường tái định cư; Một số DN Việt Nam do năng lực tài chính, kinh nghiệm còn hạn chế nên khi đầu tư vào Campuchia đã không triển khai theo đúng kế hoạch dự kiến; Sự liên kết hỗ trợ giữa các nhà đầu tư Việt Nam nói chung và trong từng lĩnh vực nói riêng còn rời rạc, thiếu chặt chẽ, còn có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN Việt Nam; Tổng FDI thực hiện mới đạt khoảng 1,2 tỷ USD, bằng 40% tổng vốn đầu tư đăng ký…

Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư sang Campuchia vẫn còn một số khó khăn, như: Chính phủ chưa có chính sách ưu tiên cho các lĩnh vực kêu gọi đầu tư nước ngoài và đưa các hoạt động đầu tư vào chương trình hợp tác kinh tế trọng điểm; Chính phủ hai nước chưa có các chính sách hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư của các DN, nhất là các vùng xâu, vùng xa, cơ chế phối hợp giữa các Bộ/Ngành và địa phương vẫn còn chồng chéo, chưa nhất quán; Hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung còn nhiều hạn chế; giá điện, phí... còn cao. 

Trong bối cảnh đó, đại diện cho các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia, ông Trần Bắc Hà cũng đã kiến nghị một số vấn đề cần tập trung giải quyết trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh, tăng cường và nâng cao hoạt động đầu tư của DN Việt Nam sang Campuchia, cụ thể:

Thứ nhất, để động viên, khuyến khích các DN Việt Nam trong hoạt động kinh doanh đầu tư tại Campuchia trong thời gian tới, AVIC đề nghị các bộ, ngành Campuchia phối hợp với các bộ, ngành Việt Nam rà soát các quy định pháp lý, khẳng định giá trị đầu tư, đất đai, bất động sản, tài sản và hàng hóa, tiền vốn của các DN Việt Nam đầu tư sang Campuchia là tài sản giữa hai quốc gia và cần được bảo vệ theo công ước quốc tế, cần luật hóa để bảo trợ quyền sở hữu hợp pháp của nhà đầu tư nước ngoài tại Campuchia. Ngoài ra, hiện nay đất tô nhượng kinh tế của các dự án trồng cây cao su của nhà đầu tư Việt Nam vẫn chưa được cấp chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp. Do vậy, các bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện quy trình cấp giấy chứng nhận sở hữu đất đai, tài sản đối với các DN Việt Nam đầu tư sang Campuchia, đặc biệt là các DN đầu tư trong lĩnh vực trồng cây cao su, cây công nghiệp.

Thứ hai, Chính phủ hai nước sớm thúc đẩy việc ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần trong năm 2014.

Thứ ba, trên cơ sở Nghị định thư điều chỉnh Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư đã được hai nước ký kết tháng 6/2012 và Thỏa thuận triển khai thực hiện đã được ký kết giữa Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Hội đồng Phát triển Campuchia, đề nghị phía Campuchia thông báo chính thức tới Bộ Ngoại giao Việt Nam về việc thực thi Hiệp định, và chỉ đạo các Bộ sớm có hướng dẫn triển khai tới các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia thông qua AVIC.

Thứ tư, hai nước cần thành lập Tổ công tác hỗn hợp và thiết lập cơ chế làm việc định kỳ để rà soát, trao đổi, đánh giá hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Campuchia, thống nhất thủ tục đầu tư, hồ sơ cấp phép, quản lý dự án đối với các dự án đầu tư của Việt Nam tại Campuchia, có cơ chế hỗ trợ về vốn với các dự án thuộc diện ưu tiên.

Thứ năm, thống nhất thủ tục Hải quan, có cơ chế “tạm nhập, tái xuất” thuận lợi cho thiết bị thi công dự án; Nâng cấp cơ sở hạ tầng cửa khẩu (kho ngoại quan, chợ cửa khẩu, đường giao thông,v.v...,); mở rộng danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước được hưởng ưu đãi thuế quan năm 2013 và những năm tiếp theo; tổ chức hội chợ hàng hóa.

Thứ sáu, hiện nay nhiều sản phẩm phân bón được nhập khẩu vào Campuchia có chất lượng thấp. Để bảo hộ cho sản xuất phân bón trong nước, đề nghị Chính phủ Campuchia có chính sách áp dụng thuế nhập khẩu phân bón như NPK là 7% (tương tự như chính sách Việt Nam đang áp dụng hiện nay).

Thứ bảy, đề xuất đối với một số dự án cụ thể: Tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương có ý kiến để duyệt cấp phép Dự án cảng Fivestar Mekong Port cho Công ty Phân bón Quốc Tế Năm Sao Campuchia trong tháng 01/2014; Giao BIDC là ngân hàng con của BIDV thực hiện việc giải ngân và quản lý khoản vay của Dự án Cầu Long Bình – Chrey Thom (Dự này đã được Chính phủ hai nước thống nhất giao BIDV đảm nhận vai trò là ngân hàng thu xếp nguồn vốn vay cho Chính phủ Campuchia để thực hiện dự án); và đối với Dự án đường dây 500KV Hatxan (Lào) – Pleiku (Việt Nam), đề nghị giao AVIC/BIDV là cầu nối làm việc giữa Chính phủ Lào và Chính phủ Campuchia về việc bán điện và giá bán điện cho Campuchia, giao AVIC tuyển chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện nghiên cứu, khảo sát và đầu tư Dự án theo hình thức BOT...

Ông Trần Bắc Hà cũng khẳng định, AVIC cam kết tiếp tục đầu tư lâu dài tại thị trường Campuchia, thực hiện hoạt động đầu tư sang Campuchia theo hướng bền vững, đảm bảo ổn định lâu dài, hai bên cùng có lợi. Hiệp hội sẽ lựa chọn các DN tiêu biểu có năng lực, kinh nghiệm… chủ trì tham gia đầu tư vào các lĩnh vực chủ chốt, tiềm năng thế mạnh của Campuchia và Việt Nam để tạo sức lan tỏa thu hút các DN khác của Việt Nam vào đầu tư, đặc biệt là các lĩnh vực như nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, thủy hải sản, khai khoáng... và tận dụng tối đa thế mạnh về vị trí địa lý giữa hai nước để thúc đẩy giao thương hàng hóa, biên mậu. Đồng thời, các DN Việt Nam đầu tư tại Campuchia sẽ thực hiện rà soát lại toàn bộ quá trình triển khai đầu tư tại Campuchia để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Campuchia, cũng như các đề xuất kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng Campuchia đề nghị hỗ trợ những nội dung chưa hoàn thành theo quy định.