Tiếp tục dồn sức cho cải cách kinh tế

VICTORIA KWAKWA - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

(Tài chính) Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn không ít khó khăn nhưng nền kinh tế Việt Nam đã vượt qua nhiều thách thức và từng bước phục hồi. Năm 2013, GDP của Việt Nam đạt 5,42%, bình quân 3 năm 2011 - 2013 tăng 5,6%/năm, đưa thu nhập bình quân đầu người khoảng trên 1.700 USD… Đây là những kết quả rất đáng khâm phục.

Tiếp tục dồn sức cho cải cách kinh tế - Ảnh 1
Bà Victoria Kwakwa
Tôi đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam để đạt những kết quả trên. Đặc biệt, những tiến bộ của Chính phủ Việt Nam trong triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam đề ra năm qua với những động lực phát triển rất phù hợp.

Những động thái đó đã tạo ra nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao hơn, bao gồm các thể chế thị trường lành mạnh nhằm khôi phục tăng trưởng, đồng thời dịch chuyển nền kinh tế lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị.

Trong năm 2013, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ Việt Nam đã rất uyển chuyển, linh hoạt để đạt được các mục tiêu cơ bản và lớn lao như: giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, cải thiện trong cán cân đối ngoại, duy trì tăng trưởng, đảm bảo phúc lợi xã hội... Đồng thời, Việt Nam cũng đã đạt những tiến bộ quan trọng qua việc hoàn thiện hành lang pháp lý, điển hình như: Hiến pháp sửa đổi năm 2013, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và hàng loạt chính sách cải cách về thuế đã được thông qua, đã và đang đi vào cuộc sống theo hướng hội nhập. Đây là nỗ lực đáng khen ngợi của Chính phủ nhằm tạo bước tăng tốc cho phát triển trong năm 2014 và các năm tiếp theo..

Năm 2014, khó khăn thách thức vẫn chưa vơi đối với Việt Nam. Để vượt qua được những khó khăn, đạt được các mục tiêu tăng trưởng trung hạn, Việt Nam cần tiếp tục dồn sức cho một số cải cách cơ cấu kinh tế, tập trung vào ngành ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công. Mặt khác, cần tiếp tục phát huy những thành quả trong giảm nghèo nhanh, bền vững, gắn tăng trưởng với bảo vệ môi trường.

Việt Nam đang đứng trước một số lựa chọn chính sách quan trọng, trong khi cố gắng cân bằng hai mục tiêu kép là tăng trưởng nhanh hơn và ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với đó là tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hiện đang diễn ra chậm hơn mong đợi) cần phải cố gắng nhiều hơn nữa mới có thể hoàn thành các mục tiêu. Chính phủ Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn nữa tới sự phức tạp và đặc thù của từng doanh nghiệp và cần tăng cường cơ chế kiểm soát, phối hợp để giám sát hiệu quả hoạt động tài chính của các doanh nghiệp này.

Bên cạnh những vấn đề trên, nợ xấu ngành ngân hàng và cách tính nợ xấu vẫn là vấn đề cần quan tâm trong năm 2014. Một số vấn đề nữa Việt Nam cần chú ý là vấn đề phá sản, mất khả năng thanh toán, quyền của chủ nợ - những vấn đề sẽ tạo điều kiện cho quá trình tái cơ cấu nợ doanh nghiệp.

Về tăng trưởng dài hạn, năng lực cạnh tranh đang là vấn đề Việt Nam phải cải thiện vì các chỉ số báo cáo môi trường kinh doanh cho thấy các chỉ số chính về cạnh tranh chưa cải thiện nhiều.

Với những chuyển biến tích cực đã đạt được, nếu khắc phục kịp thời những tồn tại, Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, có thể đạt tăng trưởng cao hơn vào năm 2015.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 1+2 - 2014