Tìm giải pháp đối phó với tình trạng tăng giá sữa

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trước thực trạng các cơ quan quản lý dường như bất lực trước tình trạng giá sữa tăng vô tội vạ, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, vẫn còn những giải pháp mềm để đối phó với tình trạng tăng giá này, mà ở đó vai trò của các nhà sản xuất trong nước, doanh nghiệp thương mại và người tiêu dùng mang tính quyết định.

Tìm giải pháp đối phó với tình trạng tăng giá sữa
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Đã 4 - 5 năm nay, đến hẹn lại lên, người tiêu dùng lại bất bình với tình trạng tăng giá sữa gần như định kỳ của các thương hiệu sữa ngoại. Các doanh nghiệp đã khéo léo lách qua các kẽ hở trong quy định của luật pháp, cụ thể là quy định của Pháp lệnh giá trước kia, là không được tăng giá quá 15% và không được tăng giá liên tục trong vòng 15 ngày, để điều chỉnh giá sữa mỗi ngày một cao và chưa bao giờ điều chỉnh giảm, bất luận giá nguyên liệu sữa thế giới có lúc tăng lúc giảm. Tuy với tốc độ khác nhau, nhưng kết quả chung vẫn là giá sữa năm sau cao hơn năm trước khoảng 30 - 40%. Còn bây giờ, lại cũng nhân việc chưa thống nhất về tên gọi đối với sản phẩm sữa và chưa đưa những tên gọi mới vào văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giá để doanh nghiệp đổi tên sản phẩm sang thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung nhằm tránh kê khai giá sữa. Và có vẻ như người tiêu dùng chỉ còn cách chấp nhận.

Phải chăng, nếu cơ quan quản lý nhà nước không vào cuộc thì sẽ không còn cách để chống lại hành động tăng giá sữa của các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối sữa ngoại? Theo Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Vinh Phú thì không hẳn như vậy. Những giải pháp quản lý giá sữa mà Việt Nam đang áp dụng hiện nay vẫn hoàn toàn mang tính quản lý hành chính. Và nếu chỉ trông đợi vào các biện pháp quản lý hành chính thì sẽ không quản lý được giá sữa lâu dài, cũng như rất dễ tạo ra kẽ hở pháp lý cho các doanh nghiệp lách, mà những gì chúng ta chứng kiến lâu nay đã cho thấy rõ ràng điều đó. Do vậy, theo ông Vũ Vinh Phú, cần có giải pháp “mềm”, linh hoạt mới mong quản lý được giá sữa. Hiện nay, 200 nhà nhập khẩu sữa hoàn toàn là doanh nghiệp tư nhân, trong khi đây lại là thị trường nóng, đòi hỏi phải có doanh nghiệp nhà nước vào cuộc để cạnh tranh thị trường.

Tuy nhiên đó mới chỉ là giải pháp nhập khẩu. Điều quan trọng là phải chủ động được nguồn hàng hóa trong nước. Do đó, nếu không tìm ra được giải pháp chống chuyển giá hay kiểm soát giá từ gốc thì rất khó làm chủ thị trường. Bởi vậy, các doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước cần nâng cao hơn nữa khả năng cung ứng sản phẩm cho thị trường trong nước.

Nhưng có kiểm soát được giá sữa hay không đều phụ thuộc rất lớn vào chính thói quen tiêu dùng của người dân. Chỉ khi người tiêu dùng trong nước quan tâm sử dụng sữa thương hiệu Việt như Nutifood, Vinamilk… thay thế cho sản phẩm cùng loại nhập khẩu, tạo dựng cho mình thói quen lấy hóa đơn giá trị gia tăng mỗi khi mua hàng – nhất là sữa, hay thông tin và sàng lọc những nhãn hiệu sữa thường xuyên tăng giá… thì khi ấy mới có thể ngăn chặn được tình trạng tăng giá sữa bất hợp lý. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần thực hiện đúng nhiệm vụ của mình trong việc chống mọi hành vi gian lận qua giá sữa, để người dân Việt Nam được sử dụng sản phẩm sữa đúng với thu nhập và khả năng tiêu dùng thực tế của mình.