Tìm hướng đi cho nền kinh tế…

PV.

Qua 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên, gia tăng đầu tư và sử dụng nhân công giá rẻ của Việt Nam đã tới giới hạn…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nền kinh tế Việt Nam những năm qua tiếp tục phục hồi. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 ước tăng 6,68% so với năm 2014. Như vậy, tăng trưởng GDP năm 2015 đã vượt mục tiêu 6,2% đề ra từ đầu năm và đạt cao nhất trong 5 năm qua (năm 2011 tăng 6,25%, năm 2012 tăng 5,25%, năm 2013 tăng 5,42%, năm 2014 tăng 5,98%).

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp hiện nay thì kết quả đó là đáng trân trọng. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém.

Nhận định về vấn đề này, GS., TS. Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: “Nền kinh tế vẫn chủ yếu tăng trưởng theo chiều rộng, còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố vốn, tài nguyên, lao động, chưa dựa nhiều vào tri thức, khoa học - công nghệ. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc. Tốc độ tăng trưởng chậm, tăng trưởng dưới mức tiềm năng và chưa có chuyển biến rõ rệt về chất lượng theo hướng bền vững. Chúng ta chưa tận dụng tốt cơ hội hội nhập quốc tế cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững. Tốc độ tăng trưởng, cơ cấu của các ngành và trong từng ngành, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”

Cùng chung quan điểm với GS., TS. Vương Đình Huệ, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do đất nước chưa xây dựng một mô hình tăng trưởng cụ thể, bài bản. Giữa lượng và chất, chúng ta chạy theo lượng kéo dài nhiều năm trong khi chất không được quan tâm phát triển. Chúng ta không có mô hình phát triển kinh tế và trong mô hình chọn lựa có sự mất cân đối không phù hợp”

Nhiều chuyên gia khác cũng nhận định, tuy cơ cấu kinh tế đang đi theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông, lâm nghiệp nhưng vẫn trên cơ sở một mô hình tăng trưởng lạc hậu và không còn phù hợp, đó là dựa vào vốn, lao động giá rẻ và gia công. Chúng ta chưa tập trung hình thành một mô hình tăng trưởng tiên tiến phù hợp để trên cơ sở đó xây dựng một cơ cấu kinh tế phù hợp. Đây chính là điểm nghẽn của tăng trưởng cao.

Không khó để nhận ra rằng Việt Nam đang tiến đến nấc thang cao nhất của mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư theo chiều rộng, dựa trên khai thác tài nguyên, gia tăng đầu tư và nhân công giá rẻ kể từ sau thời điểm Đổi mới năm 1986 đến nay. Dòng vốn FDI đổ vào thị trường Việt Nam đang đạt mức kỷ lục, trong năm 2015 lên tới 24,1 tỷ USD và xu hướng này còn được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong năm 2016. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc thúc đẩy giới doanh nghiệp trong nước phát triển, quá trình đô thị hóa, chuyển đổi lực lượng lao động từ khu vực nông nghiệp sang các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ, tình trạng thâm dụng lao động theo chiều rộng sẽ đạt đến đỉnh điểm trong vòng vài năm tới.

Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên, gia tăng đầu tư và sử dụng nhân công giá rẻ của Việt Nam đã tới giới hạn. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ở thời điểm mà mô hình tăng trưởng kinh tế đã đạt đến mức giới hạn cao nhất như Việt Nam hiện nay thì điều cần làm ở thời điểm hiện tại để tránh một sự đứt gãy về tăng trưởng trong tương lai là bắt đầu chuyển dần sang một mô hình tăng trưởng mới. Trong bối cảnh hội nhập sâu, Việt Nam không còn lựa chọn nào khác là tăng năng suất lao động thông qua đổi mới sáng tạo.

Trong xu thế mới, việc đổi mới về tư duy là yêu cầu bức thiết. GS., TS. Vương Đình Huệ cho rằng: “Cần tiếp tục đổi mới tư duy và nhận thức về thể chế kinh tế thị trường và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đồng thời tiếp tục nghiên cứu để làm rõ nội dung mô hình kinh tế tổng quát về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế và tiếp tục hoàn thiện đồng bộ 3 bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế, bao gồm: Hệ thống pháp luật, quy tắc, chuẩn mực xã hội điều chỉnh hành vi và giao dịch kinh tế; các thể chế về chủ thể và các yếu tố, các loại thị trường trong nền kinh tế và cơ chế thực thi, kiểm tra, giám sát, điều chỉnh, xử lý vi phạm trong nền kinh tế”.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, phải có những thay đổi về tư duy căn bản để đưa đất nước hội nhập và phát triển thời gian tới. Thay đổi cấu trúc thể chế, thay đổi mô hình tăng trưởng, mô hình tăng trưởng này không chỉ là yếu tố định lượng mà thay đổi mô hình tăng trưởng dựa vào nền tảng cấu trúc lại tái cơ cấu nền kinh tế.