Tìm lối đi cho công nghiệp hỗ trợ

Theo Khanh Đoàn/thoibaonganhang.vn

Hiện nay, Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí triển khai 3 nội dung nhằm phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam...

Tỷ lệ nội địa hóa đã tăng nhưng vẫn vô cùng khiêm tốn. Nguồn: internet
Tỷ lệ nội địa hóa đã tăng nhưng vẫn vô cùng khiêm tốn. Nguồn: internet

200 thương hiệu đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ công nghệ hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Hoa Kỳ, trong khuôn khổ Triển lãm về máy móc và công nghệ cho ngành công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam lần thứ 11 và Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 8 cho thấy các NĐT nước ngoài vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.

Trở ngại vì thiếu chuỗi cung ứng

Theo Ban tổ chức Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản, số liệu thống kê chỉ ra rằng chỉ có 21% DNNVV của Việt Nam tham gia thành công vào chuỗi giá trị toàn cầu, tương đối thấp so với con số 46% của các nước thành viên ASEAN khác. Hiện nay, nhiều DN nước ngoài đã thiết lập sản xuất ở Việt Nam, mang đến rất nhiều cơ hội cho công nghiệp sản xuất và các ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Tuy nhiên, các công ty nội địa vẫn đang gặp khó khăn trong việc gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo khảo sát được công bố bởi Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) hồi đầu tháng 3/2019, gần 70% DN Nhật Bản tại Việt Nam dự kiến mở rộng hoạt động kinh doanh, vượt xa tỷ lệ của nhiều nước cùng khu vực. Tuy nhiên, có tới gần 60% số DN gặp khó khăn trong thu mua nguyên liệu, linh phụ kiện tại nước sở tại, tăng 7,2% so với năm ngoái. Ngoài DN Nhật Bản, không ít DN nước ngoài cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà cung ứng nguyên phụ liệu để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại thị trường Việt Nam. Ở chiều ngược lại, không ít DN nội địa cũng chưa thể tìm được người mua phù hợp.

Ông Hironobu Kitagawa - Trưởng Đại diện văn phòng JETRO Hà Nội cho biết, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam được cải thiện qua từng năm từ 2010 đến nay, là thành quả của sự nỗ lực của các DN Việt Nam. Tỷ lệ này tăng từ 33,2% lên đến 36,3% năm 2018. Đây là mức tăng cao nhất trong số các quốc gia thuộc đối tượng khảo sát, giúp Việt Nam vượt qua Malaysia. Các NĐT Nhật Bản đánh giá Việt Nam là nơi sản xuất hiệu quả và là thị trường đầy hấp dẫn.

Hơn nữa, năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm của các nhà cung cấp Việt Nam cũng ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn thấp hơn so với một số nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia. Do vậy, các DN buộc phải nhập khẩu phần lớn linh kiện chính.

“Tỷ lệ nội địa hóa càng cao sẽ giúp các nhà sản xuất, lắp ráp Nhật Bản giảm nhập khẩu các sản phẩm từ nước ngoài, qua đó cắt giảm được chi phí đầu tư và giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các NĐT”, ông lưu ý.

Chuyển dịch lên nấc thang giá trị cao

Ông Daisuke Okabe - Công sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ, trong số 1.800 DN thành viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có đến một nửa số DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Do vậy, trong bối cảnh này, các DNNVV của Việt Nam, nhất là các nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện trong ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò then chốt, giúp cho DN Nhật Bản yên tâm hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, ông lo ngại rằng, tỷ lệ nội địa hoá của các DN này chưa cao, giao dịch giữa DN Việt Nam và Nhật Bản vẫn còn ở mức hạn chế. Theo kinh nghiệm tại Nhật Bản, nơi các DNNVV chiếm khoảng 99,7% và khoảng 70% lực lượng lao động là trung tâm của ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ hỗ trợ về pháp lý và các quy định liên quan để khuyến khích DNNVV. Đặc biệt các tổ chức như JETRO cũng hỗ trợ DN Nhật Bản khi họ muốn tiến đến các thị trường nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định, công nghiệp hỗ trợ là ngành công nghiệp nền tảng, đóng vai trò rất quan trọng quyết định đến việc chuyển dịch nền kinh tế lên nấc thang giá trị gia tăng cao hơn, nâng cao năng suất lao động và đảm bảo kinh tế đất nước phát triển bền vững dài hạn.

Tuy nhiên, sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn còn không ít hạn chế như năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật còn yếu, khả năng tự cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn nhiều bất cập, kéo theo đó nhập siêu linh kiện, phụ tùng còn rất lớn.

Hiện nay, Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí triển khai 3 nội dung nhằm phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, bao gồm hỗ trợ đầu tư thiết bị đồ gá, khuôn đúc; đào tạo nguồn nhân lực, quản lý kinh doanh; thu hút đầu tư, xúc tiến phát triển thị trường nhằm tăng doanh số và giảm chi phí sản xuất.

Mặc dù là quốc gia định hướng phát triển công nghiệp, với hạt nhân là ngành công nghiệp hỗ trợ, song thực tế là ngành này còn kém phát triển, thể hiện ở năng suất lao động hạn chế.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 20 ngành kinh tế năm 2017, chỉ có 4 ngành có năng suất lao động cao là khai khoáng; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bất động sản. Những ngành kinh tế còn lại đều có năng suất lao động rất thấp.

Theo Bộ Công thương, hệ thống chính sách cho thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ đã khá đầy đủ, góp phần tạo chuyển biến tích cực và hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng. Trong 5 năm kể từ 2012-2017, số lượng các DN công nghiệp hỗ trợ đã đạt 300 DN tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Tỷ lệ nội địa hóa cho ngành linh kiện điện tử, ô tô đã tăng. Tuy nhiên đây cũng chỉ là những con số vô cùng khiêm tốn.

PGS.,TS. Phan Đăng Tuất - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng, để giải được bài toán thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ bứt phá, vai trò của Nhà nước phải chiếm tới 70-80% trong vấn đề này. Tham khảo học hỏi kinh nghiệm của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, ông Tuất chỉ ra rằng, Chính phủ các quốc gia này có những giải pháp thúc đẩy DN công nghiệp hỗ trợ rất sáng tạo và hiệu quả, như Hàn Quốc từng cấm các tập đoàn lớn làm sản phẩm nhỏ. Nước này đưa ra danh mục 1.300 linh kiện để dành cho các DNNVV tham gia sản xuất và cung ứng.