Tín hiệu khả quan của nền kinh tế

Theo giaoducthoidai.vn

(Tài chính) Nền kinh tế Việt Nam đang trôi về những tháng cuối năm 2013 một cách suôn sẻ khi có nhiều tín hiệu khả quan. Có thể nhận thấy rõ nét nhất trên 2 tiêu chí xuất khẩu và giảm lạm phát – những thành quả được ngành chủ quản và tổ chức đánh giá quốc tế nhìn nhận.

Tín hiệu khả quan của nền kinh tế
Nền kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu khả quan. Nguồn: internet

Điện thoại và linh kiện nổi bật trong nhóm hàng xuất khẩu

Xuất khẩu mang về nguồn ngoại tệ lớn cho nền kinh tế và là trụ cột quan trọng trong nền kinh tế. Tính đến hết tháng 10/2013, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 107,97 tỉ USD, tăng 15,2% so với cùng kì năm ngoái. Với đà này, theo Bộ Công thương dự đoán, trong năm nay kim ngạch xuất khẩu của cả nước có thể cán đích 131 tỉ USD, tăng 10% so với kế hoạch đề ra từ đầu năm.

Đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu nói chung, nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 75,9 tỉ USD – nghĩa là chiếm khoảng 2/3 doanh số xuất khẩu.

Điều đáng lưu ý là trong nhóm hàng công nghiệp chế biến thì riêng mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đã mang lại 17,7 tỉ USD – vượt cả mặt hàng dệt may với 14,8 tỉ USD. Sự tăng mạnh doanh số mặt hàng này cho thấy bước tiến mạnh mẽ trong công nghệ cao đáp ứng nhu cầu thị trường nước ngoài.

Mặc dù mặt hàng dệt may xếp sau nhưng đã tăng 18,7% so với cùng kì năm ngoái. Các mặt hàng có mức xuất khẩu cao tiếp theo là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 8,7 tỷ USD, tăng 41,5%; giày dép đạt 6,7 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,4 tỷ USD, tăng 15,4%; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù đạt 1,5 tỷ USD, tăng 25,6%. Xuất khẩu thủy sản mặc dù gặp nhiều trở ngại nhưng cũng đạt 5,4 tỉ USD.  Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 4,2 tỷ USD; rau quả đạt 0,8 tỷ USD...

Tính chung có tới 21 mặt hàng vượt kim ngạch 1 tỷ USD, đặc biệt, có 11 nhóm hàng xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD.

Những rào cản cho xuất khẩu hiện tại và trong thời gian tới là áp lực cạnh tranh từ thị trường quốc tế như giá nhân điều giảm 6,2%; hạt tiêu giảm 2,1%; gạo giảm 3,3%; cao su giảm 16,9%...

Hay như mặt hàng thủy sản trong khi sản phẩm tôm Việt Nam đang tạo dựng uy tín tốt tại thị trường Mỹ thì nguồn nguyên liệu trong nước lại bị đẩy rất mạnh sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.

Điều này tạo mối nguy rất lớn về thương hiệu của ngành tôm trong tương lai khi mà tôm xuất từ Trung Quốc lại có xuất xứ Việt Nam.

Ẩn số cho lạm phát

Lạm phát trong tháng 10 đã chậm lại ở mức 5,9% so với mức 6,3% trong tháng 9 do giá xăng dầu đã giảm. Tuy nhiên giá cả thực phẩm tăng nhanh hay chậm trong thời gian tới sẽ là một ẩn số quyết định lạm phát cuối năm.

Theo đánh giá của ngân hàng HSBC, nhu cầu trong nước yếu và giá dầu thuận lợi sẽ giữ mức lạm phát thấp từ nay đến cuối năm; một trong những nguy cơ đối với lạm phát trong những tháng tới là do giá cả thực phẩm tăng. 

Theo dự báo của HSBC thì giá thực phẩm sẽ tăng từ từ, đặc biệt là từ nay đến cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên áp lực lạm phát dường như sẽ được kiềm chế nhờ vào giá cả hàng hóa toàn cầu thấp và giúp chi phí vận chuyển giảm xuống. HSBC kì vọng giá dầu thô sẽ vẫn giữ nguyên và chỉ tăng vào cuối quý I/2014.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giữ ổn định 

FDI vào Việt Nam vẫn đang đổ vào Việt Nam ổn định giúp Chính phủ có thời gian tập trung vào những chính sách giải quyết những khoản nợ xấu đã tích tụ từ lâu. Nhìn nhận FDI có tầm quan trọng tới nền kinh tế, Chính phủ đã có nhiều chính sách ưu tiên thúc đẩy thu hút FDI, đặc biệt là vào ngành sản xuất. 

Từ tháng Giêng đến nay, dòng vốn FDI đăng ký đã tăng 95,8% so với cùng kỳ năm ngoái đạt mức 13,1 tỷ USD. Dòng vốn FDI vào ngành sản xuất còn tốt hơn, tăng 136,5% đạt 9,3 tỷ USD. Điều này giúp tăng nhu cầu lao động và thúc đẩy đầu tư và xuất khẩu, các yếu tố cần thiết để bù đắp tình trạng nhu cầu nội địa trì trệ.

Nỗ lực thu hút vốn đầu tư FDI được chú trọng bởi các địa phương, trong đó nổi lên những địa phương thành đầu tàu kinh tế mới của khu vực. Điển hình như Thanh Hóa đang dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI..

Tại “Diễn đàn Xúc tiến Đầu tư vào Khu kinh tế Nghi Sơn và vùng phụ cận” mới được tỉnh Thanh Hóa tổ chức, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao về những phát triển vượt bậc của Thanh Hóa trong thời gian gần đây, khu kinh tế Nghi Sơn là một trong những khu kinh tế trọng điểm của đất nước là đầu tầu phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ.

Dự kiến các dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư và ký thỏa thuận hợp tác đầu tư tại diễn đàn có số vốn đăng ký đầu tư khoảng 4,7 tỷ USD. Hay như TP. Hồ Chí Minh, trong lúc vốn đầu tư trong nước giảm thì đầu tư FDI lại tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2012.

Trong gần 10 tháng đầu năm nay, thành phố có 363 dự án FDI được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 847,4 triệu USD (tăng 12,4% về số dự án và tăng 69,6% về vốn so cùng kỳ). Ngoài ra, có 108 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 639,3 triệu USD.

Tính chung tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 1,49 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 53,3%).