Tín hiệu khả quan về 2 năm xuất siêu liên tiếp

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng qua, Việt Nam xuất siêu 760 triệu USD.

Năm 2013 sẽ là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam xuất siêu ra thị trường nước ngoài. Nguồn: internet
Năm 2013 sẽ là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam xuất siêu ra thị trường nước ngoài. Nguồn: internet

 Nếu tháng 12 này, kim ngạch xuất khẩu bằng tháng 11 (12 tỷ USD), mức nhập khẩu cao hơn so với tháng 11 (gần 11 tỷ USD) thì mức suất siêu cả năm sẽ cán mốc khoảng 1 tỷ USD.

Kết quả này đạt được sẽ đánh dấu bước chuyển vị thế quan trọng của Việt Nam trong quan hệ thương mại với nước ngoài cũng như thế mạnh nổi trội của nền kinh tế nước ta trong bối cảnh khó khăn chung.

Sau gần 20 năm nhập siêu (kể từ năm 1993), đặc biệt là có 6 năm nhập siêu lớn (2006-2011) với mức bình quân 12,1 tỷ USD/năm thì lần đầu tiên, nền kinh tế nước ta đã xuất siêu vào năm 2012.

Sang năm 2013, trong 11 tháng đầu năm, có 5 tháng nhập siêu (tháng 2, 3, 4, 5, 9), nhưng có 6 tháng xuất siêu (các tháng 1, 6, 7, 8, 10, 11, trong đó riêng tháng 11 xuất siêu 1 tỷ USD).

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng qua đạt 120,57 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 119,81 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tháng 12 này, mức xuất khẩu đạt bằng tháng 11 (gần 12 tỷ USD); mức nhập khẩu cao hơn so với tháng 11 (gần 11 tỷ USD), thì cả năm 2013, xuất khẩu ước đạt 132,5 tỷ USD, nhập khẩu gần 131,5 tỷ USD, thì mức xuất siêu sẽ cán mốc 1 tỷ USD.

Nếu đạt được như vậy, năm 2013 sẽ là năm thứ 2 liên tiếp xuất siêu.

Mức xuất siêu trong 2 năm nay diễn ra trong điều kiện tỷ giá VND/USD tăng thấp hơn nhiều so với các năm trước đó (năm 2012 tăng 0,18%; 11 tháng 2013 tăng 0,62%, khả năng cả năm 2013 cũng chỉ xoay quanh con số đó; tốc độ tăng bình quân 2 năm này thấp chưa bằng 1/10 tốc độ tăng bình quân của 5 năm trước đó).

Mức xuất siêu trong 2 năm đạt được còn do hai nhóm yếu tố: Xuất khẩu và nhập khẩu.

Nhóm yếu tố xuất khẩu gồm có cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, địa bàn và thị trường. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu đã chuyển dịch theo hướng mặt hàng thô hoặc mới sơ chế tỷ trọng giảm (cà phê giảm 26,2%, gạo giảm 19,9%, sắn và sản phẩm từ sắn giảm 19,7%, than đá giảm 27,2%, dầu thô giảm 13,1%, cao su giảm 13%...); mặt hàng chế biến hoặc đã tinh chế tăng (điện thoại các loại và linh kiện tăng 76,4%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 40,5%, hóa chất tăng 31,9%, túi xách, ví, va li, mũ, ô dù tăng 27,2%, dệt may tăng 18,2%…).

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng khá cao (nếu kể cả dầu thô tăng 3,1%, nếu không kể dầu thô tăng 27,9%), đạt quy mô lớn (nếu không kể dầu thô chiếm 65,1% tổng số, nếu kể cả dầu thô chiếm 67,1%). Về địa bàn, tất cả 63 tỉnh/thành phố đều có mặt hàng xuất khẩu, trong đó có 18 tỉnh/thành phố đạt từ 1 tỷ USD trở lên, đặc biệt lần đầu tiên có 2 địa bàn (TP. Hồ Chí Minh và Bắc Ninh) vượt mốc 25 tỷ USD.

Về thị trường, mới qua 11 tháng đã có 26 thị trường đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, đặc biệt lần đầu tiên Việt Nam có 1 thị trường đạt trên 20 tỷ USD (là Hoa Kỳ). Trong 79 thị trường xuất khẩu chủ yếu được thống kê, có 48 thị trường xuất siêu, trong đó có nhiều thị trường đạt mức xuất siêu từ 1 tỷ USD trở lên (Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Anh, Hong Kong, Campuchia, Hà Lan, Đức, Australia, Áo, Pháp, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga).

Nhóm yếu tố nhập khẩu chủ yếu do tổng cầu. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP giảm mạnh (bình quân thời kỳ 2012-2013 dưới 30%). Tốc độ tăng thương mại bán lẻ 2 năm nay tăng thấp (dưới 6%).