Tín hiệu lạc quan cho ngành gỗ Việt Nam

Theo Lạc Lâm/doanhnhansaigon.vn

Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và thứ hai châu Á về sản xuất đồ gỗ nhưng vẫn thua xa nước láng giềng Trung Quốc. Tuy nhiên, chính sách chuyển hướng sản xuất phục vụ thị trường nội địa của Trung Quốc đang tạo ra sự chuyển dịch nhiều đơn hàng xuất khẩu đến Việt Nam.

9 tháng năm 2017, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đạt trên 5,5 tỷ USD. Nguồn: doanhnhansaigon.vn
9 tháng năm 2017, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đạt trên 5,5 tỷ USD. Nguồn: doanhnhansaigon.vn

Sự khởi sắc của ngành công nghiệp chế biến gỗ trong năm 2017 có động lực từ việc chuyển dịch đơn hàng này. Doanh nghiệp (DN) ngành gỗ Việt Nam đang đứng trước cơ hội đạt mục tiêu doanh thu 8 tỷ USD trong năm 2018. 

Không cần phải đợi đến Hội nghị AFIC mà từ hơn một năm nay, ngành gỗ đã bắt đầu ghi nhận có sự dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam. Ngay cả nhiều DN gỗ Trung Quốc cũng chuyển sang Việt Nam mở nhà máy.

Trở về sau khi tham dự Hội nghị Hội đồng Công nghiệp gỗ Châu Á (AFIC) tổ chức tại Thượng Hải, Trung Quốc trong tháng 8 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cung cấp một thông tin đáng chú ý: "Bài phát biểu của người đại diện những nhà làm chính sách Trung Quốc tại hội nghị này cho biết, nếu như những năm trước, 80% sản lượng ngành gỗ phục vụ xuất khẩu thì trong vài năm tới, con số này sẽ chuyển sang phục vụ thị trường nội địa. Trong khi đó, nhu cầu thị trường thế giới chắc chắn không giảm. Câu hỏi đặt ra là nước nào sẽ tiếp nhận sự dịch chuyển đơn hàng xuất khẩu này. Không nói ra nhưng các nước đều hiểu chính là Việt Nam - nước đứng thứ hai châu Á về xuất khẩu đồ gỗ. Có thể xem đây là một vận hội lớn với ngành gỗ nước ta. Nhận định này được nhiều người đồng tình nhưng liệu DN Việt Nam tận dụng cơ hội như thế nào và có đủ năng lực để nhận "chuyển giao đơn hàng"?

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), trong 9 tháng của năm 2017, xuất khẩu đồ gỗ đạt trên 5,5 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, nên năm 2017 có khả năng đạt kim ngạch 7 tỷ USD và dự báo sẽ đạt 8 tỷ USD trong năm 2018.

Ở vai trò DN, ông Nguyễn Chánh Phương - Giám đốc Công ty Danh Mộc (Carpenter) cho rằng, thực tế không cần phải đợi đến Hội nghị AFIC mà từ hơn một năm nay, ngành gỗ đã bắt đầu ghi nhận có sự dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam. Ngay cả nhiều DN gỗ Trung Quốc cũng chuyển sang Việt Nam mở nhà máy nhằm đón đầu Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFT).

"Việc dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam đã xảy ra, đó là cơ hội cho chúng ta ít nhất là trong 5 năm tới", ông Phương khẳng định. Bên cạnh đó, ngoài thị trường chính là Mỹ và châu Âu, DN gỗ đã đón nhận những đơn hàng khá ổn định từ Trung Đông, Úc vốn trước đây là "bạn hàng truyền thống" của ngành gỗ Trung Quốc.

Ông Phương nhận định: "Tổng nhu cầu tiêu thụ gỗ của thế giới khoảng 450 tỷ USD/năm, trong đó trên dưới 70% sản xuất và cung cấp tại chỗ. Thị trường nội địa cho từng nước rất được coi trọng. Trung Quốc cũng vậy. Kinh tế Trung Quốc đang phát triển, đời sống người dân khá lên, nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ tăng cao thì việc chuyển hướng vào nội địa của DN gỗ của họ là điều dễ hiểu. Nhưng chắc chắn Trung Quốc sẽ tiếp tục xuất khẩu, không dễ gì họ bỏ qua một ngành tốt như vậy, dù họ xác định ưu tiên thị trường trong nước".

Bên cạnh dịch chuyển đơn hàng, nhiều DN ngành gỗ Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển đã chọn Việt Nam để xây dựng nhà máy sản xuất đồ gỗ "made in Vietnam", điều này sẽ ảnh hưởng tốt đến thương hiệu đồ gỗ Việt.

Cũng theo ông Phương, kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ thế giới hơn 150 tỷ USD/năm mà Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được 7 tỷ thì rõ ràng là thị trường vẫn rất lớn. Bên cạnh dịch chuyển đơn hàng, nhiều DN ngành gỗ Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển đã chọn Việt Nam để xây dựng nhà máy sản xuất đồ gỗ "made in Vietnam", điều này sẽ ảnh hưởng tốt đến thương hiệu đồ gỗ Việt.

Theo Forest Trends - một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động với mục tiêu thúc đẩy bảo tồn và quản lý rừng bền vững, với dân số 1,4 tỷ người, Trung Quốc là thị trường khổng lồ cho nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, bao gồm cả gỗ và đồ gỗ của nhiều quốc gia. Không chỉ là thị trường tiêu thụ, Trung Quốc đã trở thành công xưởng chế biến các sản phẩm từ gỗ của thế giới. Với vai trò kép này, những thay đổi tại Trung Quốc về thị trường tiêu thụ, cung cầu nguyên liệu, sản xuất và chế biến gỗ tác động trực tiếp đến các quốc gia có thương mại gỗ với họ, trong đó có Việt Nam.

TS. Tô Xuân Phúc - chuyên gia của Forest Trends cho rằng, theo số liệu thống kê xuất nhập khẩu của Hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của nước này đạt 37 tỷ USD, tương đương khoảng 58 triệu mét khối gỗ quy tròn, thị trường chính là châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên thị trường Bắc Mỹ và châu Âu đang có dấu hiệu sụt giảm.

Các mặt hàng thế mạnh và có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn của Trung Quốc là đồ nội thất (22,8 tỷ USD), gỗ dán (5,4 tỷ USD), ván sợi (1,4 tỷ USD), ván ghép và đồ mộc dùng trong xây dựng (1,35 tỷ USD) và các sản phẩm gỗ khác (2,4 tỷ USD). Với thị trường nội địa, theo Cơ quan Quản lý lâm nghiệp Trung Quốc, tổng lượng tiêu thụ gỗ của Trung Quốc lên đến 539 triệu mét khối quy tròn, mạnh nhất là sản phẩm sử dụng trong các công trình xây dựng, đồ gỗ nội thất.

Sự dịch chuyển đơn hàng đến Việt Nam, ngoài lý do phục vụ thị trường nội địa của Trung Quốc, theo các chuyên gia, còn bởi Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá. Mỗi năm ngành gỗ Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ khoảng 12 tỷ USD (chiếm 37% thị phần đồ gỗ nhập khẩu tại Mỹ), trong khi Việt Nam mới chỉ đạt 2 tỷ USD. Chính việc áp thuế đã khiến các đơn hàng chuyển hướng sang Đông Nam Á mà Việt Nam đang dẫn đầu.

Nếu TPP được thực thi và EVFTA có hiệu lực, chính lượng khách này sẽ được hưởng nhiều ưu đãi từ việc miễn thuế. Những yếu tố trên cho thấy việc Việt Nam được các nước "chọn mặt gửi vàng" để tiếp nhận sự dịch chuyển đơn hàng ngành gỗ là khả thi.

"Khoảng một năm gần đây, đơn hàng lớn ngày càng nhiều. Ngoài thế mạnh về nhân công, Việt Nam là quốc gia có nhiều DN sản xuất đồ gỗ với trang thiết bị hiện đại, khác với Singapore hay Philippines thường chỉ làm dịch vụ, nhận đơn hàng rồi đặt gia công ở các nước khác. Vì vậy khách hàng thay vì qua trung gian, họ đưa thẳng đơn hàng sang Việt Nam. Nửa năm 2017, đơn hàng của chúng tôi tăng 20%", giám đốc một doanh nghiệp gỗ tại Đồng Nai cho biết.