Tín hiệu tích cực cho nền kinh tế

Theo baocongthuong.com.vn

Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam tháng 2/2017 vừa được Khối nghiên cứu của Ngân hàng HSBC công bố đã đưa ra những nhận định khá lạc quan với dự báo GDP quý I/2017 tăng trưởng 6,3%, lạm phát 5%.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 1/2017 vẫn trên 50 điểm. Ảnh minh họa. Nguồn:Internet
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 1/2017 vẫn trên 50 điểm. Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Theo HSBC, Việt Nam tiếp tục giành thị phần toàn cầu ở một số mặt hàng trọng điểm, từ quần áo đến mặt hàng điện tử, phản ánh phần nào sự hội nhập của nền kinh tế trong nước vào chuỗi cung ứng khu vực. Cơ sở để đưa ra dự báo này đã được các chuyên gia của HSBC chỉ ra rằng, năm 2016 kết thúc với các chỉ số kinh tế vĩ mô đều khá lạc quan.

Trong đó, ngành sản xuất vẫn là yếu tố quan trọng đưa Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Bên cạnh đó, đơn đặt hàng mới tăng, bao gồm cả đơn đặt hàng xuất khẩu giúp hoạt động sản xuất tăng theo. Niềm tin trong lĩnh vực sản xuất tiếp tục được củng cố nhờ vào các quyết định tuyển dụng thêm nhân viên và tích lũy hàng tồn kho - cả hàng chuẩn bị sản xuất và thành phẩm của các doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, nền kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực, hoạt động sản xuất tiếp tục phát triển khá ổn định với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1/2017 tiếp tục tăng gần 1% so với cuối năm 2016.

Trước đó, Nikkei – HIS Markit- công ty hàng đầu thế giới về phân tích thị trường cũng đã công bố chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 1/2017 vẫn giữ được ngưỡng trên 50 điểm, cho thấy các điều kiện kinh doanh đã được cải thiện trong suốt 14 tháng qua.

Bên cạnh đó, lượng đơn đặt hàng mới tăng đã hỗ trợ phát triển sản xuất. Chuyên gia Andrew Harker của IHS Markit cho rằng, đây là khởi đầu vững chắc cho năm 2017 của lĩnh vực sản xuất Việt Nam khi sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm vẫn tăng.

Tuy nhiên, để đảm bảo được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017, các chuyên gia kinh tế cho rằng cần chủ động trong điều hành của các bộ, ngành và của chính doanh nghiệp trong sản xuất, tìm kiếm thị trường, bởi năm nay, bối cảnh quốc tế khó khăn hơn rất nhiều, cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước rất gay gắt, đòi hỏi sự thích ứng của doanh nghiệp và chỉ đạo nhanh nhạy của cơ quan quản lý.

TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - nhận định: Khó khăn chỉ có thể rơi vào những tháng cuối năm 2017, khi các quyết sách của tân Tổng thống Mỹ được thực thi. Vì thế, chúng ta cần tranh thủ thời gian đầu năm để làm tốt các vấn đề trọng tâm như cải cách nông nghiệp, thúc đẩy cổ phần hóa, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi…