Tổ chức phi chính phủ và mô hình giảm nghèo tại Việt Nam

Văn Trường

(Tài chính) Ngày 17/6/2013, hai tổ chức phi chính phủ Oxfam và ActionAid tại Việt Nam đã công bố hai báo cáo nghiên cứu về “Mô hình giảm nghèo tại một số cộng đồng dân tộc thiểu số điển hình ở Việt Nam” và “Vai trò của thiết chế thôn bản trong giảm nghèo tại một số cộng đồng dân tộc thiểu số điển hình ở Việt Nam”.

Các em học sinh vùng dân tộc thiểu số có điều kiện học tập rất thiếu thốn. Nguồn: internet
Các em học sinh vùng dân tộc thiểu số có điều kiện học tập rất thiếu thốn. Nguồn: internet

Oxfam và ActionAid với mô hình giảm nghèo

Theo đó, hai báo báo trên được thực hiện nhằm tìm hiểu các yếu tố xã hội và kinh tế cấp cộng đồng đã tạo ra các “điểm sáng” về việc giảm nghèo trong các hộ gia đình và cộng đồng dân tộc thiểu số tại các địa phương của Việt Nam, như: Hà Giang, Nghệ An, Đắc Nông, Điện Biên, Quảng Trị, Đăk Lăk và Trà Vinh.

Oxfam là một liên minh quốc tế gồm 17 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại 94 quốc gia trên thế giới, nhằm xây dựng một tương lai không có đói nghèo và bất công. Tại Việt Nam, Oxfam là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế hàng đầu, đặc biệt trong trong các lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ nhân đạo và giảm thiểu rủi ro thảm họa, phát triển xã hội dân sự và cộng đồng dân tộc thiểu số, và nâng cao vị thế phụ nữ.

Trong khuôn khổ dự án “Theo dõi nghèo theo phương pháp tham gia” do Bộ Phát triển Quốc tế Anh (DFID) tài trợ, các báo cáo cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của cải cách quản trị ở cấp cơ sở (mà nền tảng là các thiết chế thôn bản) đối với giảm nghèo, từ đó nâng cao hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án và cung ứng dịch vụ công hướng đến giảm nghèo trong các cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) tại Việt Nam.

Qua báo cáo nghiên cứu và khảo sát tại các địa phương nói trên vào năm 2012,  Oxfam và ActionAid đã áp dụng cách tiếp cận “điểm sáng” trong phân tích các “mô hình giảm nghèo”, nhằm tìm hiểu những yếu tố dẫn đến những hộ gia đình và cộng đồng DTTS điển hình có kết quả giảm nghèo, cải thiện đời sống tốt hơn các hộ gia đình và cộng đồng khác trong cùng địa phương. Những yếu tố tạo nên “điểm sáng” giảm nghèo sau đó được tổng hợp thành một “Khung mô hình giảm nghèo”. 

Bà Lê Kim Dung, Đại diện Oxfam cho biết: “Một khung mô hình giảm nghèo được đề xuất, gồm các yếu tố xã hội ở cấp cộng đồng và chiến lược sinh kế hộ gia đình có liên quan mật thiết với nhau, tạo nên các “điểm sáng” về giảm nghèo. Khung “mô hình giảm nghèo” có thể hữu ích trong việc phân tích bối cảnh, thiết kế, thực hiện, theo dõi và đánh giá các chính sách, chương trình – dự án nhằm xây dựng và nhân rộng các “điểm sáng” giảm nghèo tại các cộng đồng DTTS ở Việt Nam”.

Tổ chức phi chính phủ và mô hình giảm nghèo tại Việt Nam - Ảnh 1
Hướng tới giảm nghèo bền vững tại cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam. Nguồn: Internet

Các thiết chế thôn bản giúp phát huy nội lực cộng đồng và tăng hiệu quả các hỗ trợ từ bên ngoài, từ đó giúp cải thiện đời sống người dân và giảm nghèo”, bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng Đại diện ActionAid nhấn mạnh.

Các thiết chế thôn bản mạnh tại các cộng đồng DTTS có những vai trò chủ yếu trong: thúc đẩy tiên phong và lan tỏa; thúc đẩy liên kết và hợp tác; thúc đẩy tiếng nói và trách nhiệm giải trình; thúc đẩy tham gia và trao quyền; gìn giữ và phát huy bản sắc, văn hóa dân tộc; thúc đẩy an sinh dựa vào cộng đồng. Với tất cả các vai trò nêu trên, các thiết chế thôn bản giúp phát huy nội lực cộng đồng và tăng hiệu quả các hỗ trợ từ bên ngoài, từ đó giúp cải thiện đời sống người dân và giảm nghèo.

Những khuyến nghị chính sách giảm nghèo bền vững

Bên cạnh việc tìm ra mô hình giảm nghèo và phương pháp tiếp cận nói trên, hai báo cáo của Oxfam và ActionAid còn đưa ra một số khuyến nghị về định hướng giảm nghèo sau: Thứ nhất, xây dựng các chương trình giảm nghèo ở các địa bàn DTTS với nguồn lực lớn hơn, lấy thôn bản làm trung tâm; Thứ hai, thiết kế một chương trình đồng bộ về cải thiện quản trị địa phương tại các cộng đồng DTTS dựa trên tăng quyền năng và tiếng nói của người dân và các thiết chế thôn bản; Thứ ba, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng và thúc đẩy vai trò của cộng đồng dân cư trong việc quản lý, sử dụng các nguồn lực tự nhiên theo tập quán truyền thống; Thứ tư, tìm kiếm các nhân tố tiên phong trong giảm nghèo, xác định kênh lan tỏa để có những giải pháp chính sách cụ thể nhằm nhân rộng các “điểm sáng” giảm nghèo; Thứ năm, nâng cao vai trò của các cơ quan chuyên môn (Ủy ban Dân tộc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn…) trong thực hiện dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo”.

ActionAid đã hoạt động tại Việt Nam hơn 20 năm với các chương trình phát triển dài hạn tại các khu vực (vùng núi) Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực nghèo đô thị. Áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người, ActionAid thực hiện các cam kết của mình thông qua 5 ưu tiên về chương trình: (1) Thúc đẩy các giải pháp sinh kế thay thế và nông nghiệp bền vững; (2) Nâng cao trách nhiệm giải trình và tình đoàn kết nhân dân nhằm thay đổi xã hội, tăng cường lãnh đạo trẻ và tín nhiệm xã hội dân sự; (3) Thúc đẩy bình đẳng trong tiếp cận giáo dục chất lượng cho trẻ em; (4) Ứng phó với tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu bằng các phương pháp lấy con người làm trung tâm; và (5) Xây dựng các giải pháp xã hội và chính trị cho phụ nữ và trẻ em gái.

Đồng thời, hai báo cáo cũng đưa ra một số khuyến nghị phục vụ cho thảo luận chính sách nhằm giảm nghèo bền vững như: (1) Phát triển các thiết chế thôn bản cần đồng bộ với những cải cách về thể chế ở cấp xã trở lên, nhằm thực sự nâng cao tiếng nói của người dân và nâng cao trách nhiệm giải trình với cộng đồng của các cấp chính quyền và các cơ quan dịch vụ công;

(2) Rà soát lại và tinh giản các thiết chế chính thức hoạt động kém hiệu quả. Kết hợp linh hoạt giữa luật pháp và phong tục, tập quán trong việc xây dựng hương ước, quy ước thôn bản nhằm phối hợp tốt hơn vai trò của các thiết chế chính thức và phi chính thức để cải thiện đời sống và giảm nghèo;

(3) Tăng nguồn lực và đổi mới cơ cấu đầu tư trong khuyến nông tại các cộng đồng DTTS. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến nông đủ năng lực và bám sát cơ sở, triển khai rộng rãi các phương pháp khuyến nông “lớp học hiện trường” và “từ nông dân đến nông dân”. Phân bổ kinh phí đủ lớn cho giai đoạn “sau mô hình” trong thời gian ít nhất 2-3 năm khi thực hiện các “mô hình khuyến nông” và “mô hình sinh kế” tại các cộng đồng DTTS, nhằm hỗ trợ việc duy trì và lan tỏa các thực hành tiến bộ, các tri thức bản địa hiệu quả từ những người tiên phong đến người nghèo thông qua các thiết chế thôn bản;

(4) Xây dựng chính sách khuyến khích và nhân rộng các mô hình an sinh xã hội dựa vào cộng đồng hiện có ở các thôn bản DTTS, chú trọng đến vai trò của các thiết chế phi chính thức (quỹ thôn bản, các liên kết gia đình mở rộng, dòng họ, các tổ nhóm có chức năng cộng đồng, kinh tế, văn hóa và tâm linh…) trong việc tự an sinh và phòng chống rủi ro.