Tồn kho nhiều mặt hàng về mức bình thường

Theo Chinhphu.vn

Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 29/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất của Chính phủ và các bộ, ngành đã có hiệu quả, đưa mức tồn kho nhiều mặt hàng về mức bình thường.

Tồn kho nhiều mặt hàng về mức bình thường
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại họp báo
Năm 2012, tình trạng tồn kho lớn diễn ra trong nhiều lĩnh vực, nhất là ngành công nghiệp chế biến, hàng tiêu dùng, sắt thép, vật liệu xây dựng, bánh kẹo, bia và nước giải khát…

Từ quý II, tác động của sự suy giảm thị trường nội địa và nước ngoài tạo thêm áp lực lên hàng tồn kho.

Nguyên nhân lớn nhất của tình hình hàng tồn kho tăng cao là giá cả đầu vào biến động mạnh, lãi suất tín dụng cao khiến năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam giảm mạnh trên thị trường nội địa và nước ngoài. Việc cắt giảm đầu tư công cũng khiến cho một số ngành, đặc biệt là vật liệu xây dựng gặp khó khăn tiêu thụ sản phẩm.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trước tình hình đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, nhất là đối với Bộ Công Thương tập trung giải quyết tình trạng ứ đọng sản phẩm.

Trong đó, các giải pháp tập trung vào khuyến khích doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất để phù hợp với thực tế, chủ động khai thác thị trường. Bộ Công Thương đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường nước ngoài bằng Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia định hướng xuất khẩu, tận dụng triệt để lợi thế của các thỏa thuận thương mại tự do (FTA), các mối quan hệ song phương và đa phương…

Tại thị trường nội địa, Bộ Công Thương có một số giải pháp mở thị trường cho doanh nghiệp thông qua chương trình hỗ trợ đưa hàng Việt về nông thôn và miền núi, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhau, thúc đẩy liên kết giữa sản xuất với phân phối…

Cùng với kết quả triển khai chính sách hỗ trợ về thuế và tháo gỡ khó khăn về vốn và lãi suất của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, đến nay, hàng tồn kho đã giảm mạnh. Ngoài ra, chương trình mở rộng đầu tư công của Chính phủ cũng tạo điều kiện cho nhiều mặt hàng giảm mạnh lượng tồn kho trong thời gian tới.

Những giải pháp tích cực trên đã tác động rõ rệt đối với mức tồn kho. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, tồn kho công nghiệp gần như đã trở về mức như những năm trước, một số mặt hàng tiêu dùng hiện có mức tồn kho cao là để chuẩn bị cho dịp cuối năm, nhất là Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, để tiếp tục xử lý hàng tồn kho, Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ tiếp tục các giải pháp tổng thể, chú trọng cải thiện điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường, làm tốt công tác quản lý thị trường đối với hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái.