TP. Hồ Chí Minh thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài

Theo Hồng Nga/doanhnhansaigon.vn

Với đóng góp trung bình hằng năm khoảng 22% tổng sản phẩm quốc nội, 1/3 tổng sản lượng công nghiệp, 1/3 tổng thu ngân sách và 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, TP. Hồ Chí Minh đang phát triển mạnh khi liên tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước hiến kế, muốn xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành thành phố hùng mạnh của châu Á.

TP. Hồ Chí Minh đang phát triển mạnh khi liên tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn: internet
TP. Hồ Chí Minh đang phát triển mạnh khi liên tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn: internet

Thu hút đầu tư từ nước ngoài

Tính đến cuối năm 2018, đã có 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh với 8.112 dự án, tổng vốn đầu tư kể cả tăng vốn là 44,94 tỷ USD. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Riêng trong năm 2018, TP. Hồ Chí Minh thu hút 7,07 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2017.

Đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp nước ngoài mong muốn mở rộng đầu tư hơn nữa vào TP. Hồ Chí Minh. Như Công ty TNHH Build Your Dream (BYD) - đối tác của Tập đoàn Alpha King tại Việt Nam đã đầu tư 800 triệu USD và huy động hơn 1.000 kỹ sư trong dự án R&D kéo dài 5 năm để tạo ra BYD Sky Rail. Đây là hệ thống đường ray dầm ngang thích ứng tốt địa hình, có thể giải quyết các vấn đề ách tắc giao thông với chi phí xây dựng thấp hơn, thời gian xây dựng ngắn hơn so với đường sắt trên cao và tàu điện ngầm. Chia sẻ tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh năm 2019 hồi giữa tuần trước, ông Harold Chen - Phó chủ tịch Tập đoàn Alpha King bày tỏ mong muốn hợp tác với TP. Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng đường trên cao tuyến số 1 và số 2 với công nghệ mới.

Trong khi đó, Tập đoàn BRG với khả năng phát triển các công trình tầm cỡ quốc tế về du lịch, khách sạn muốn tăng đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh. Bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG cho rằng, du lịch, khách sạn và vui chơi giải trí là các lĩnh vực mà TP. Hồ Chí Minh có tiềm năng phát triển mạnh và cần được khai thác đa dạng hơn nữa. Bên cạnh các lĩnh vực này, BRG cũng rất quan tâm đến các cong trình có ý nghĩa cộng đồng, như quy hoạch các khu đô thị sáng tạo (tại quận 2, quận 9, quận Thủ Đức).

Bà Nguyễn Thị Nga đánh giá cao việc TP. Hồ Chí Minh áp dụng công nghệ để chia sẻ thông tin với các nhà đầu tư. Đó là những ứng dụng tìm kiếm thông tin quy hoạch, tra cứu dự án mời gọi đầu tư. Đây là bước đi tích cực trong công cuộc cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa thông tin của TP. Hồ Chí Minh. "Rất mong TP. Hồ Chí Minh tiếp tục có những chính sách cởi mở và những cam kết mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư nhằm đẩy mạnh hơn nữa tốc độ phát triển. Tôi tin Thành phố sẽ có nhiều nhà đầu tư có năng lực để giao phát triển những dự án trọng điểm, cùng hợp tác xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành thành phố hùng mạnh của châu Á" - bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ.

Cải thiện môi trường đầu tư

Giữa những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, nền kinh tế Việt Nam có thể bị ảnh hưởng, nhưng ông Linson Lim - Chủ tịch Tập đoàn Keppel Land tin tưởng vào triển vọng dài hạn của Việt Nam và cam kết tăng cường hơn nữa sự hiện diện của Keppel Land tại Việt Nam, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh - địa phương được cho là sẽ tiếp tục là đầu tàu kinh tế của cả nước. "Hiện chính quyền TP. Hồ Chí Minh rất ủng hộ các nhà đầu tư, đã tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi. Hy vọng các cấp chính quyền sẽ tiếp tục hỗ trợ DN nước ngoài giảm thiểu rủi ro đầu tư và hoạt động thông qua các chính sách rõ ràng và minh bạch hóa các quy trình phê duyệt dự án" - ông Linson Lim nói.

Bên cạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, TP. Hồ Chí Minh cần giải quyết các vấn đề về hạ tầng cơ sở. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HOREA) cho rằng, 10 năm qua, quy mô thị trường bất động sản đã tăng trưởng gấp đôi nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Bất cập chủ yếu là tình trạng quá tải hệ thống hạ tầng đô thị, ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường sống. Trong danh mục 210 dự án Thành phố đang kêu gọi đầu tư, các DN bất động sản muốn được tham gia vào các dự án về hạ tầng giao thông, đô thị.

Để TP. Hồ Chí Minh thu hút hơn nữa vốn ngoại, HOREA đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo bổ sung thêm các dự án mời gọi đầu tư như dự án đô thị sáng tạo phía Đông, dự án Bình Qưới - Thanh Đa, dự án Nam Kênh Đôi, dự án Rạch Xuyên Tâm, các dự án cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ... HOREA cũng đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành sớm hoàn thành quy hoạch chi tiết phân khu tỷ lệ 1/2000 đối với quỹ đất thuộc hành lang sông, rạch, trong đó đề xuất bổ sung quy hoạch đường ven sông Sài Gòn để xây dựng các dự án mời gọi đầu tư trong thời gian tới.

Theo ông Lê Hoàng Châu, với các dự án hạ tầng giao thông, đô thị, gian nan nhất là việc giải phóng mặt bằng. HOREA đồng tình khi được biết UBND Thành phố đã kiến nghị Chính phủ cơ chế và giải pháp để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng còn hơn 100 ngày, để sớm giao quỹ đất cho nhà đầu tư. Về hành lang pháp lý, HOREA kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về dùng tài sản công, trong đó có quỹ đất, để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).

Với những góp ý của DN, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định lãnh đạo Thành phố cam kết làm hết sức mình để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động ổn định, lâu dài và hiệu quả tại TP. Hồ Chí Minh.