TPP - cơ hội để Việt Nam cải cách

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Theo các nhà đàm phán, Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thế nhưng, một số chuyên gia kinh tế Việt Nam lại tỏ ý không đồng tình với quan điểm này mà cho rằng cái được lớn nhất mà Việt Nam có được là cải cách thể chế.

 TPP - cơ hội để Việt Nam cải cách
Theo các nhà đàm phán, Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Nguồn: internet

Không dễ "xơi"

TPP được coi là hiệp định của thế kỷ 21 bởi phạm vi và mức độ cam kết sâu rộng. Tham gia TPP, Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng cơ hội xuất khẩu thông qua tiếp cận thị trường các nước thành viên Hiệp định TPP với hơn 700 triệu người, đóng góp khoảng 40% GDP và 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu, thuế suất của các nước gần như sẽ được cắt giảm toàn bộ.

TPP cũng mang lại cơ hội cắt giảm thuế, gia tăng thu hút đầu tư cho các lĩnh vực chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản…

Tuy nhiên, không lạc quan với những con số trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, TPP cũng là nhân tố tích cực nhưng đừng tin ở những con số chứng minh Việt Nam được lợi nhiều nhất.

“Nền kinh tế của Việt Nam quy mô nhỏ, tốc độ tăng có thể cao nhưng so với nền kinh tế mấy chục nghìn tỷ USD của Mỹ thì chỉ cần họ tăng 1% bằng cả nước mình làm trong 1 năm”, bà Lan nói.

Dấu hiệu tích cực nhất bà Lan đánh giá từ TPP là thúc đẩy cải cách bởi 70% nội hàm của TPP là cải cách bên trong. Điều mà vị chuyên gia này trông đợi nhất ở TPP là TPP đi cùng nhịp, đúng lúc Việt Nam cần cải cách hơn bao giờ hết, có thể cộng hưởng tạo thêm động lực, sức ép cho Việt Nam cải cách. Thế nhưng, điều này còn phụ thuộc vào Việt Nam. “Việt Nam có cải cách hay không nếu không cải cách thì đừng trông chờ TPP như “sung rụng” để hưởng”, bà Lan khẳng định.

Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho hay, chúng ta đang đề cập đến lợi ích của TPP bằng những tính toán của người Mỹ trong khi họ đang muốn thúc đẩy hiệp định này. Như vậy, khi chúng ta chưa tự nghiên cứu, tính toán số liệu và đưa ra nhận định của chính mình thay vì những nhận định mang tính lobby hay vận động chính sách của giới học thuật Mỹ thì những con số này là vô ích.

Ông Thành khuyến cáo: “Việt Nam không nên quan tâm nhiều đến những lợi ích theo kiểu lợi ích của ngành dệt may, da giày… đem lại vài chục tỷ mỗi năm, mà cái cốt lõi để chúng ta nương theo TPP là cải cách thể chế, cách thức kinh doanh, cách doanh nghiệp nhà nước vận hành, môi trường kinh doanh, cách ứng xử về lao động”.

Mặt trái FDI, đến lúc phải lo

Theo bà Lan, năm 2013 một số con số công bố được coi là thành tích tuy nhiên lại không phải là dấu hiệu tích cực. Ví dụ như xuất khẩu thời gian qua, khối doanh nghiệp FDI đóng góp không nhỏ vào thành tích xuất khẩu của cả nước. Thế nhưng những con số này đều phụ thuộc vào điện tử - chủ yếu là gia công lắp ráp, dệt may cũng phần lớn là làm gia công...

“Mặt trái của FDI đến lúc phải lo”, bà Lan nói. Hiện tượng chuyển giá nói nhiều nhưng chưa có công cụ hữu hiệu để ngăn chặn, hoặc khối doanh nghiệp FDI lấn sân doanh nghiệp Việt Nam trong xuất khẩu; công nghiệp, dịch vụ cũng có thành tích tăng trưởng nhưng doanh nghiệp FDI đóng góp bao nhiêu phần trăm.

“Số doanh nghiệp của Việt Nam chết nhiều, doanh nghiệp Nhà nước không tăng trưởng thì rõ ràng phần tăng trưởng thuộc về doanh nghiệp FDI. Liệu có dựa vào FDI được không?”, bà Lan đặt câu hỏi.

Số liệu thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, số doanh nghiệp đăng ký mới tăng lên, doanh nghiệp “chết” giảm dần. Tuy nhiên, theo bà Lan, những doanh nghiệp yếu, nhỏ nhất đã chết rồi giờ tiếp tục lây sang những doanh nghiệp khỏe hơn. Niềm tin của doanh nghiệp đang đi xuống.

Bởi thế, bà Lan cho hay: “Đã đến lúc không thể trì hoãn, các cơ chế chính sách phải thay đổi cách tiếp cận ngắn hạn để tập trung cho trung hạn và dài hạn”.