TPP - Cơ hội và thách thức với FDI

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Trong những lĩnh vực đàm phán của Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) bao gồm cả những cam kết liên quan đến đầu tư. Xin trích đăng ý kiến của luật sư Phạm Mạnh Dũng, thuộc LTC Lawyers.

 TPP - Cơ hội và thách thức với FDI
Thương hiệu McDonald's của Hoa Kỳ - quốc gia trong TPP - đã có mặt tại Việt Nam. Nguồn: internet

Nguồn vốn trong và ngoài TPP

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đến từ các nước tham gia hiệp định TPP chiếm một tỷ trọng lớn cả về vốn đăng ký đầu tư và vốn thực hiện. Đầu tư từ các quốc gia này có công nghệ hiện đại. Nhiều tập đoàn, thương hiệu nổi tiếng từ các quốc gia TPP đã có mặt tại Việt Nam như Burger King, Starbuck, Subway… đã tạo môi trường hấp dẫn đầu tư cho Việt Nam.

Hiệp định TPP với nguyên tắc tự do trong hoạt động đầu tư, tạo cơ hội thu hút vốn đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế tạo, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao.

Đối với lĩnh vực viễn thông, tài chính, ngân hàng, vận tải… với nguyên tắc mở rộng hơn trong việc tiếp cận thị trường, TPP tạo cơ hội cho gia tăng đầu tư trong các lĩnh vực này, đặc biệt thu hút vốn đầu tư từ các dự án tái đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Nguyên tắc xuất xứ nội khối tạo ra những cơ hội, nhưng cũng là thách thức với các doanh nghiệp FDI xuất khẩu sang các quốc gia thành viên TPP. Nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan là những quốc gia có tỷ trọng đầu tư lớn tại Việt Nam mà nguồn đầu vào không có đủ làm lượng xuất xứ từ TPP không được hưởng ưu đãi từ hiệp định này sẽ tạo sự cạnh tranh gay gắt với sản phẩm từ các nước thuộc nội khối TPP.

Dịch vụ là mảng hoạt động đầu tư mà mức độ mở của thị trường của Việt Nam là hạn chế và dè dặt nhất. Với TPP, sự tham gia mạnh mẽ và tự do hơn của các nhà cung cấp có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm lâu năm, có ưu thế về dịch vụ trên thế giới (đặc biệt là các nhà cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ) có thể khiến các đơn vị cung cấp dịch vụ tại Việt Nam và các nhà đầu tư đến từ ngoài khối TPP gặp khó khăn trong cạnh tranh do có giới hạn phạm vi hoạt động dịch vụ.

Các nhà đầu tư đến từ các nước ngoài khối TPP đầu tư tại Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước tham gia hiệp định TPP sẽ phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn so với các cam kết trong các hiệp định thương mại WTO và các hiệp định đầu tư từ trước tới nay như các quy định về yêu cầu tiêu chuẩn môi trường và lao động công đoàn hay các thủ tục ràng buộc về ban hành và thực thi các quy định về TBT, SPS, phòng vệ thương mại… là những rào cản hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam lâu nay phải đối mặt ở các thị trường xuất khẩu.

Cơ chế giải quyết tranh chấp

Một trong những nguyên tắc quan trọng trong TPP là cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước tiếp nhận đầu tư trong việc đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Nguyên tắc này tạo điều kiện cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ các nước nội khối TPP, nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam cần hoàn thiện một cách nhanh chóng, đồng bộ các thể chế về giải quyết, công nhận và thực thi các phán quyết của trọng tài quốc tế, cải cách thủ tục hành chính, áp dụng một cách thống nhất, đồng bộ, chuyên nghiệp trong việc thực thi các quy định có liên quan tới đầu tư.

Những cơ hội và thách thức bắt nguồn từ nội dung cam kết liên quan đến đầu tư và cơ chế xử lý tranh chấp. Theo thông tin chúng tôi có được, cam kết này bao gồm các nguyên tắc: Nội dung tranh chấp bao gồm phạm vi hoạt động đầu tư rộng hơn so với các cam kết trong WTO và các hiệp định bảo hộ đầu tư song phương. Nội dung liên quan đến đầu tư đòi hỏi phải minh bạch hơn các thông tin liên quan đến đầu tư.

Bất cứ hoạt động nào không đầy đủ thông tin, minh bạch để nhà đầu tư được tự do, bình đẳng trong tiếp cận đầu tư đều được coi là vi phạm quy định của hiệp định. Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp nhà nước nếu một khi doanh nghiệp nhà nước đó được giao hoặc thực hiện chức năng của nhà nước thì cũng có nguy cơ thuộc phạm vi tranh chấp của hiệp định.

Trên cơ sở những nội dung của cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến đầu tư trong TPP, dưới góc độ luật sư chúng tôi cho rằng Việt Nam cần phải sớm hoàn thiện cơ chế khiếu kiện giải quyết các tranh chấp để tránh những tranh chấp xảy ra, bảo đảm môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng, công khai, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và Nhà nước.

Cần sớm xây dựng, hoàn thiện và kiểm soát các hoạt động liên quan đến đầu tư một đầu mối thống nhất trong toàn quốc. Có cơ chế kết nối các thông tin để áp dụng thống nhất. Cần rà soát để sớm sửa đổi ban hành các văn bản pháp luật có liên quan đến đầu tư như Luật Đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật Đấu thầu… Để đảm bảo môi trường đầu tư và quyền lợi nhà đầu tư, Việt Nam cần sớm xem xét tham gia Công ước Washington về giải quyết tranh chấp liên quan đến đầu tư.