TPP - cú hích cho nền kinh tế

Theo nhandan.org.vn

(Tài chính) Hội nghị các Bộ trưởng Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa diễn ra ở Singapore từ ngày 6 - 11/12 đã không đi đến được việc hoàn tất đàm phán như dự kiến. Việt Nam cùng với 11 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều chưa đi đến được bản thỏa thuận chung trong hầu hết các nhóm vấn đề.

 TPP - cú hích cho nền kinh tế
Việt Nam cùng với 11 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều chưa đi đến được bản thỏa thuận chung trong đàm phán TPP. Nguồn: internet

Về nguyên tắc, tự do hóa là có lợi cho thương mại, cho dòng đầu tư và cho tăng trưởng kinh tế. Cơ hội hay thách thức từ các hiệp định thương mại đem lại phụ thuộc không nhỏ vào các kết quả đàm phán và phụ thuộc vào việc sau khi gia nhập, có bảo đảm được các điều kiện để hiện thực hóa các lợi ích kỳ vọng hay không.

Theo kế hoạch, đàm phán TPP đáng ra đã kết thúc sau vòng 19 tại Brunei vào tháng 8 nhưng do còn nhiều bất đồng nên các bên đã quyết định bổ sung phiên đàm phán tại Utah, Mỹ vào cuối tháng 11 vừa qua với mục tiêu thu hẹp tối đa các bất đồng còn lại. Tuy nhiên, đến cuộc gặp cấp bộ trưởng tại Singapore vào tháng 12 này thì việc hoàn tất đã không thành công theo đúng dự báo.

Khởi động đàm phán từ tháng 10/2010, đến nay, Việt Nam đã qua 19 vòng đàm phán TPP. Cái đích cuối cùng đang ngày càng gần hơn nhưng cũng như những hiệp định thương mại khác, Việt Nam sẽ phải đau đầu giải bài toán được - mất khi chính thức quyết định tham gia đàm phán, nhất là khi TPP không có cơ chế đặc biệt cho các nền kinh tế ở trình độ phát triển khác nhau.

Cơ hội và thách thức

Theo Bộ Công thương, mục tiêu lớn nhất khi tham gia TPP của Việt Nam là tăng cường lợi thế xuất khẩu sang các nước thành viên TPP thông qua việc các nước này miễn hoặc giảm thuế cho hàng hóa Việt Nam.

Vì TPP đặt ra yêu cầu rất cao là xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực, trừ nhóm các mặt hàng có lộ trình 3-5 năm hoặc 10 năm. Trong khi đó, châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực thị trường thương mại chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu và 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Nhiều thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đã là thành viên của TPP như Mỹ hoặc sắp tới là Nhật Bản.

Chẳng hạn năm 2012, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng chủ lực của Việt Nam là dệt may đạt hơn 15 tỷ USD, trong đó 50% là xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Hiện nay, thuế xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ là 7% nhưng khi tham gia TPP, hàng dệt may của Việt Nam được hưởng thuế suất 0%, đem lại lợi ích rất lớn.

TPP là một Hiệp định Thương mại Tự do Khu vực toàn diện. Vì vậy, tham gia vào TPP, Việt Nam có cơ hội thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Quan hệ hợp tác song phương, đa phương giữa Việt Nam với các thành viên TPP có thể cải thiện nhanh chóng, sâu rộng, tạo thêm nguồn lực để Việt Nam phát triển trong giai đoạn mới. Quy mô rộng lớn của TPP sẽ mang đến những lợi ích to lớn cho Việt Nam bao gồm cả thương mại, đầu tư, công nghệ, nâng cao trình độ trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, tạo điều kiện cũng như là động lực cho Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, khi tham gia vào TPP, hàng rào kỹ thuật thương mại sẽ giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy quá trình cải cách bên trong mỗi doanh nghiệp để cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.

Trong 11 nước thành viên còn lại tham gia vào TPP, Việt Nam đã ký FTA hoặc FTA với khối nước Việt Nam tham gia gồm: Brunei, Malaysia, Singapore, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Chile và đang đàm phán với Peru. Vì vậy, khi TPP được ký kết hiện trạng thương mại giữa Việt Nam và các nước này sẽ không thay đổi đáng kể. Nhưng Việt Nam có thuận lợi trong tiếp cận thị trường 3 thành viên còn lại: Canada, Mexico, Hoa Kỳ do được giảm/miễn thuế các sản phẩm xuất khẩu chủ chốt ở tất cả các nước TPP.

Thêm một bước tiến trong nền kinh tế thị trường

Có ý kiến cho rằng không thể khẳng định tham gia TPP là chúng ta có ngay liều thuốc để giải quyết tận gốc các điểm yếu kém trong điều hành vĩ mô. TPP chỉ góp thêm một cơ hội và sức ép để Việt Nam giải quyết những vấn đề nội tại. Vấn đề của Việt Nam phải tự người Việt Nam giải quyết, không thể trông chờ áp lực từ bên ngoài.

Sau sáu năm gia nhập WTO, mặc dù đã có những đổi thay về thể chế đáng kể, nhưng chất lượng thể chế vẫn là một rào cản cho phát triển: tính minh bạch kém, ưu ái đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước một cách bất bình đẳng, đầu tư công kém hiệu quả, hiệu lực quản lý của chính quyền chưa cao. Quyền sở hữu còn dang dở, bởi sự bảo hộ khách quan và hiệu quả của Nhà nước đối với các sở hữu và khế ước dường như thiếu vắng...

Nội dung TPP chưa được đàm phán xong, các cam kết chưa được công bố, song thông tin về nội dung đàm phán tiết lộ những sức ép rất lớn đang đặt ra cho Việt Nam: xóa bỏ hầu hết thuế quan, mở cửa thị trường, thắt chặt những chuẩn mực bảo hộ sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn lao động, các tiêu chuẩn kỹ thuật, và cam kết xây dựng chính quyền minh bạch...

Trong đó, yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ được nâng cao, với những chế tài khắc nghiệt hơn khi các thành viên vi phạm thương mại tự do. Rồi những thể lệ để kiểm soát đầu tư công, đòi hỏi công khai toàn bộ ngân sách quốc gia, mua sắm của chính quyền; quyền tự do lao động, bảo vệ giới thợ... Các thể chế đáp ứng chuẩn mực và thông lệ quốc tế, mang tính phổ cập toàn cầu chính là lợi điểm tạo sức ép cải cách thể chế từ bên ngoài giúp phá vỡ sức ỳ chống trả dai dẳng từ những thói quen cũ.

Theo nhận định của các chuyên gia, điều chắc chắn và đã rõ: Việt Nam sẽ là nước khó khăn trong cuộc đàm phán TPP này vì chúng ta có nền kinh tế kém nhất và hệ thống pháp luật chưa tương thích trong số các nước đang đàm phán. Không thể có chuyện như có người nói rằng TPP sẽ là một bữa “đại tiệc”của Việt Nam.

Về lợi ích kinh tế nhiều hay ít còn phụ thuộc vào khả năng khai thác cơ hội. Trong nền kinh tế toàn cầu hóa, thế giới đang đua tranh, điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể tận dụng được các cơ hội từ TPP là phải cải cách. Nếu mở cửa mà không cạnh tranh được thì nền sản xuất trong nước sẽ bị đè bẹp.

Cái được lớn nhất lúc này có thể là với TPP Việt Nam tiến thêm một bước theo hướng tăng tốc mở cửa với thế giới, thiết lập một nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa, tạo dựng một nền kinh tế có sức cạnh tranh, để phát triển cùng thời đại. Cuộc đàm phán chưa kết thúc, nhưng chắc chắn những pháp lý TPP sẽ là khuôn mẫu cho việc vận hành kinh tế thế kỷ XXI, nghĩa là nó sẽ bao gồm những quy phạm, những quy định cao hơn, toàn diện hơn.

Trong nền kinh tế toàn cầu hóa, thế giới đang đua tranh, điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể tận dụng được các cơ hội từ TPP là phải cải cách.

TPP là hiệp định thương mại tự do khu vực, giúp việc luân chuyển hàng hóa giữa các nước dễ dàng hơn nhờ hàng rào thuế quan, hạn ngạch nhập khẩu và các biện pháp ưu đãi hàng nội địa được dỡ bỏ.

TPP còn bao gồm các nguyên tắc thống nhất giữa các đối tác về một số vấn đề mới như quyền của người lao động, bảo vệ môi trường, chi tiêu của chính phủ, tính minh bạch, doanh nghiệp nhà nước và liên kết chuỗi cung ứng.

11 quốc gia tham gia đàm phán TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Nhật Bản cũng đã bày tỏ ý định tham gia đàm phán TPP.

Nếu đàm phán thành công, TPP sẽ bao trùm một khu vực kinh tế với 40% dân số thế giới và hơn 50% GDP toàn cầu.