TPP - "Cuộc chơi" đầy thách thức

Theo nhandan.org.vn

(Tài chính) Đến giờ có thể chắc chắn rằng, Việt Nam sẽ không bỏ lỡ cơ hội đặt chân lên "con tàu TPP". Thế nhưng, các doanh nghiệp Việt Nam dường như vẫn chưa có tâm thế cho một cuộc chơi mới, đầy cơ hội nhưng vô cùng khắc nghiệt và chưa từng có tiền lệ.

 TPP - "Cuộc chơi" đầy thách thức
Nếu không điều chỉnh kịp thời, các doanh nghiệp dệt may khó có thể tận dụng những cơ hội giảm thuế từ TPP. Nguồn: internet

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn Đàm phán TPP Việt Nam tiên lượng, vòng đàm phán cuối cùng trong năm 2013 về Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa bộ trưởng 12 nước thành viên tại Singapore ngày 7/12 này, sẽ chỉ kịp đưa ra được những thỏa thuận cơ bản. Cách Singapore hai giờ bay, ở trong nước, dường như các doanh nghiệp Việt vẫn chưa sửa soạn tâm thế nhận diện rõ những thách thức TPP.

TPP không phải "đại tiệc"!

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khi trích dẫn một nhận định được đưa ra từ Mỹ cho rằng, Việt Nam được hưởng lợi lớn nhất trong số 12 nước đặt bút ký TPP, đã bày tỏ sự âu lo nhiều hơn vui mừng. Ông liên hệ lại với thời điểm Việt Nam vào WTO, khi ấy điều kiện tham gia dễ hơn, sức lực của nền kinh tế tốt hơn, vậy mà sau năm năm nhìn lại, phải chấp nhận thực tế, nền kinh tế chịu những tác động lớn, có phần lao đao.

Giờ đây, Việt Nam tham gia TPP, một sân chơi chưa từng có tiền lệ, với thể trạng của nền kinh tế đang còn "nghẽn mạch tăng trưởng", tái lập được ổn định vĩ mô nhưng trên nền tảng còn yếu, hẳn nhiên sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều. Đúng là cơ hội mở ra chưa từng thấy từ một thị trường rất lớn, đẳng cấp cao, tự do hóa mạnh nhất, nhưng rủi ro cũng chưa từng thấy, ông Thiên khẳng định.

Câu chuyện chưa dừng ở đó, điều ông Thiên lo ngại chính là chia sẻ của nguyên Bộ trưởng Thương mại Việt Nam (nay là Bộ Công thương), Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế - ông Trương Đình Tuyển về việc, thay vì tương hỗ với nhau, lại có sự đứt gãy giữa đàm phán bên ngoài và quá trình chuẩn bị trong nước. Cứ thế thì có thể thấy trước nguy cơ thất bại khi triển khai TPP, chuyên gia đàm phán lão luyện cảnh báo.

Một trong ba vấn đề được coi là khó khăn nhất trong đàm phán của Việt Nam chính là tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước với áp lực gay gắt hơn từ bên ngoài. Trong khi đó, dù Chính phủ đã rất mạnh mẽ trong yêu cầu, nhưng các bước đi cụ thể của tiến trình này gần như vẫn chỉ ở trên giấy.

Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong cả năm 2013 dừng ở con số 25 doanh nghiệp. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, ông Võ Trí Thành nhìn nhận, vấn đề hội nhập trong TPP hay các hiệp định mà Việt Nam đang tham gia đàm phán, là cơ hội mở cửa rất lớn cho chương trình tái cấu trúc kinh tế và doanh nghiệp nhà nước. Tiếc rằng, sự sẵn sàng của doanh nghiệp nhà nước vào tiến trình này, vẫn theo ông Thành, là quá thận trọng.

Nếu nhìn vào tác động của TPP với một ngành cụ thể, có thể dẫn ra dệt may với kỳ vọng TPP sẽ mang về kim ngạch xuất khẩu 30 tỷ USD vào năm 2020 và cán mức 55 tỷ USD vào năm 2030 (nguồn Hiệp hội Dệt may Việt Nam - phóng viên). Tuy nhiên, với thực trạng 90% nguyên liệu của ngành này nhập khẩu từ Trung Quốc, một nước ngoại khối, thì mối lo không thể tận dụng cơ hội giảm thuế từ TPP là có cơ sở.

Vậy mà, các doanh nghiệp hình như chưa suy tính đến chuyện tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu thay thế từ chính các nước trong khối TPP để tận dụng ưu đãi thuế, đó là điều ông Trương Đình Tuyển thấy lo. Tinh thần TPP chưa được phổ biến đến số đông doanh nghiệp hay thậm chí là xuống đến bà con nông dân, những người chịu rủi ro lớn nhất từ TPP bởi ngành nông nghiệp có nguy cơ năm ăn năm thua, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh thêm.

Sự đối ứng yếu ớt

Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) lấy làm buồn khi kể lại câu chuyện, để phục vụ công tác đàm phán TPP, VCCI đã gửi 1.000 phiếu tham khảo đến các hiệp hội doanh nghiệp để lấy dữ liệu và kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp. Chúng tôi chỉ nhận được duy nhất phản hồi của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, còn lại là im lặng, một sự thờ ơ, hay một thái độ không biết phải ứng xử thế nào? - bà Trang đặt vấn đề.

Sân chơi TPP khác biệt vì chính mỗi nước thành viên sẽ tham gia vào kiến thiết luật chơi cho mình. Vậy nên, nếu chúng ta không biết cách và đứng ngoài quá trình đàm phán thì đến lúc thực thi TPP, thành công hay thất bại đều có phần trách nhiệm của mỗi chúng ta ngày hôm nay, luật gia Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc gia nhận định.

Điều bà Trang thấy quan ngại nhất chính là một khi tham gia TPP, các doanh nghiệp phải lường đến những khó khăn xuất hiện từ chính hàng rào kỹ thuật mà các nước lớn muốn dựng lên để ngăn cản hàng xuất khẩu từ Việt Nam. TPP không có quy định nào về việc hạn chế các nước đưa ra các rào cản kiểm định, điều này đồng nghĩa với việc, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải vượt qua hàng rào ngặt nghèo về xuất xứ, về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm...

Về điều này, xuất khẩu cá tra, và gỗ của Việt Nam đã có kinh nghiệm xương máu. Ngược lại, với thị trường nội địa, để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, về nguyên tắc chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra các rào cản kỹ thuật như chính cách mà các nước đã làm với hàng Việt Nam. Các hiệp hội phải có trách nhiệm đưa ra những kiến nghị chính sách ngay từ bây giờ, thay vì kêu gọi bảo hộ suông, bà Trang lưu ý.

Chưa cần đợi TPP kết thúc, doanh nghiệp các nước đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh, vậy cớ sao các doanh nghiệp Việt không làm điều ngược lại, cũng chủ động mở mang kinh doanh ra ngoài biên giới theo cách ấy - câu hỏi của bà Trang đặt ra không khỏi khiến các doanh nghiệp phải suy nghĩ về cách thức đối diện với cơ hội cũng như thách thức từ TPP.

Dĩ nhiên, điều chỉnh sản xuất để tận dụng ưu đãi thuế quan, đáp ứng các yêu cầu của rào cản kỹ thuật là chuyện lâu dài, nhưng nếu không bắt đầu ngay, doanh nghiệp Việt khó lòng có thể còn trụ vững trước làn sóng đổ bộ của doanh nghiệp nước ngoài. Vậy nên, ông Trần Hữu Huỳnh kêu gọi, các doanh nghiệp hãy khẩn trương nhận diện rõ thách thức nhưng cũng mạnh mẽ chấp nhận cuộc chơi. Cần chuẩn bị tinh thần của chiến binh trước một trận đánh lớn - TPP.

Ông Nguyễn Quý Sơn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dược: Tham gia TPP, những quy định về quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ khiến cho các doanh nghiệp dược trong nước không có điều kiện sản xuất thuốc giá rẻ. Người dân phải trả chi phí thuốc cao hơn.

Ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi: TPP có thể mang lại cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam nhưng cũng khiến ngành chăn nuôi khó khăn, thậm chí có thể bị xóa sổ. Cần kiến nghị điều khoản áp dụng độ trễ 5 năm đối với ngành này.