TPP nâng cánh xuất khẩu phần mềm

Theo Baodautu.vn

Cơ hội đang mở ra cho ngành công nghệ thông tin và thương mại điện tử khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tham gia TPP, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội, thông qua các thỏa thuận về mở rộng mạng lưới viễn thông, Internet, các hoạt động thương mại điện tử... và đặc biệt là xuất khẩu và gia công phần mềm.

Xuất khẩu phần mềm tăng trưởng nhờ TPP

Ở thời điểm hiện tại, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam là quốc gia có ngành gia công phần mềm được đánh giá cao. Chính vì vậy, khi TPP thực thi sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển lĩnh vực gia công phần mềm để đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành xuất khẩu, nhập khẩu, logistic, vận tải, thủ tục hải quan, các ngành thuế, thanh toán điện tử…

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, khi TPP được thực thi sẽ tạo ra nhiều cơ hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bởi TPP sẽ mở ra thị trường rộng lớn hơn cho công nghiệp phần mềm. Do đó, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam cần nhanh chóng chứng tỏ năng lực để tạo ra những giá trị gia tăng hơn nữa, chứ không thể hài lòng với hiện tại.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung cũng cho rằng, công nghệ thông tin là lĩnh vực có nhiều cơ hội phát triển khi Việt Nam gia nhập TPP. Đặc biệt, khi Trung Quốc, Ấn Độ là những quốc gia Việt Nam đang cạnh tranh trực tiếp trong lĩnh vực này đã không tham gia TPP, vì thế Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu, gia công phần mềm cho 11 thành viên trong TPP.

Thương mại điện tử sẽ bay cao

Thương mại điện tử là một lĩnh vực tiềm năng, mang lại doanh số khoảng 4 tỷ USD năm 2015 cho Việt Nam. Dự báo đến năm 2020, thị trường thương mại điện tử sẽ tăng 25%/năm, đạt 10 tỷ USD; giá trị mua sắm online đạt 400 USD/người; có 60% doanh nghiệp online, 80% doanh nghiệp thực hiện đặt hoặc nhận đơn hàng online; thương mại điện tử trên di động (m-Commerce) phát triển mạnh; hạ tầng logistics, thanh toán online tại Việt Nam sẽ được hoàn thiện.

Độ mở của thị trường thương mại điện tử sẽ còn được cộng hưởng khi số lượng người dùng Internet ở Việt Nam đạt khoảng 40 triệu người dùng và dự báo đến năm 2020 sẽ có thêm 20 triệu người dùng Internet.

Chính vì vậy, Hiệp định TPP sẽ có tác động rất lớn đến thị trường thương mại điện tử của Việt Nam. Hiệp định TPP dành hẳn chương 14 về thương mại điện tử với nhiều cam kết, cũng như yêu cầu tuân thủ khá khắt khe. Theo đó, 12 thành viên TPP đồng ý hợp tác để giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng lợi thế của thương mại điện tử, khuyến khích hợp tác chính sách liên quan tới việc bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ người tiêu dùng trực tuyến, sự đe dọa của tội phạm máy tính.

Hiệp định cũng khuyến khích các nước TPP thúc đẩy thương mại không giấy tờ giữa các doanh nghiệp và Chính phủ, chẳng hạn như các mẫu khai thuế được đưa ra dưới dạng điện tử, cũng như cung cấp chứng minh xác thực và chữ ký điện tử cho các giao dịch thương mại.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là động lực chính cho sự tăng trưởng và giải quyết nhiều việc làm. Nhưng ở nhiều nước, kể cả Mỹ, chỉ có một tỷ lệ nhỏ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện xuất khẩu. Nguyên nhân chính là các rào cản thương mại như thuế cao, những quy định phức tạp và tình trạng quan liêu thường tạo ra những thách thức lớn cho các doanh nghiệp nhỏ với kinh nghiệm và nguồn lực còn hạn chế.

Là một quốc gia có số lượng lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ, môi trường kinh doanh đang được cải thiện tích cực, các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam có thể hưởng lợi đáng kể từ TPP. Bên cạnh đó, thương mại điện tử là một công cụ hiệu quả cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các điều khoản TPP về thúc đẩy thương mại số có thể hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu xuất khẩu trực tiếp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 25% tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam.