TPP từ khía cạnh thị trường

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Với 12 nước tham gia và khoảng 790 triệu dân, chiếm tới 1/3 thương mại toàn cầu, có thể thấy thị trường khu vực các nước tham gia đàm phán Hiệp định TPP là rất lớn.

Nếu Hiệp định TPP được ký kết vào cuối năm nay, sẽ có 4 thị trường thực sự tác động lớn tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Nguồn: internet
Nếu Hiệp định TPP được ký kết vào cuối năm nay, sẽ có 4 thị trường thực sự tác động lớn tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Nguồn: internet

Theo các chuyên gia, nếu Hiệp định TPP được ký kết vào cuối năm nay, sẽ có 4 thị trường thực sự tác động lớn tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, đó là Mỹ, Mexico, Canada và Peru. Trong số này,  Mỹ sẽ là thị trường được mong đợi nhất do có sức tiêu thụ khổng lồ với kim ngạch nhập khẩu hằng năm ở mức 2.000 tỷ USD.

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Mỹ (Bộ Công Thương) Nguyễn Duy Khiên, Mỹ là thị trường hấp dẫn đối với tất cả các quốc gia xuất khẩu, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là thị trường mà mặt hàng nào cũng có nhu cầu. Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực để cạnh tranh với các sản phẩm các nước khác hay không?

Hiện nay xuất khẩu của Việt Nam vào riêng thị trường Mỹ mới chỉ dừng ở con số rất khiêm tốn, chiếm 1% .

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 4 năm trở lại đây, Mỹ liên tiếp giữ vai trò là  thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu tăng dần theo các năm.

Nếu như  năm 1994, năm đầu tiên Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này chỉ đạt 220 triệu USD, thì đến năm 2001, năm Hiệp định Thương mại song phương Việt-Mỹ (BTA) có hiệu lực, kim ngạch đã đạt 1,4 tỷ USD. Kể từ đó đến nay, kim ngạch xuất khẩu vẫn theo chiều hướng tăng dần: Năm 2010 đạt 14,238 tỷ USD; năm 2011 là 16,928 tỷ USD; năm 2012 đạt 19,668 tỷ USD; 8 tháng 2013 đã vượt 11 tỷ USD.

Thị trường Mỹ  hiện đang chiếm khoảng 17-18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nếu tính riêng về xuất khẩu hàng hoá, hiện nay Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 38 vào thị trường Mỹ

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mỹ  gồm dệt may, giày dép, đồ gỗ, thuỷ hải sản, nông-lâm sản và thực phẩm, kể cả thực phẩm chế biến, trong đó chủ yếu cà phê, hạt điều, tiêu, mật ong tự nhiên, cao su thiên nhiên...

Trong số các mặt hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong năm 2012 có tới 4 mặt hàng/nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là dệt may (7,458 tỷ USD), giày dép các loại (2,243 tỷ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (1,786 tỷ USD), thủy sản (1,167 tỷ USD).

Riêng với mặt hàng thủy sản, Việt Nam đứng thứ 5/130 quốc gia xuất khẩu mặt hàng này vào Mỹ và Mỹ là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Các mặt hàng thủy sản chủ lực của nước ta vào thị trường này bao gồm: Cá ngừ, tôm, cá tra và mỗi mặt hàng đều chiếm tỷ trọng lớn (cá ngừ chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ vào tất cả các thị trường; tôm chiếm 20,32%; cá tra chiếm 20,57%).

Nhìn chung, trong năm 2012, các mặt hàng/nhóm mặt hàng chính xuất khẩu sang thị trường Mỹ đều có sự tăng trưởng về kim ngạch.

Theo ông Khiên, nhập khẩu nông-thuỷ sản và thực phẩm chế biến của Mỹ có xu hướng tăng cao trong thời gian tới do thị trường có nhu cầu đối với các loại sản phẩm có giá trị tăng cao, đồng thời một phần do năng lực vận tải phát triển cho phép tiết kiệm thời gian và chi phí vận tải hàng hoá, thêm nữa là do Mỹ giảm bớt các rào cản nhập khẩu nông sản.

Đối với hàng dệt may, Mỹ là thị trường tiêu dùng nhập khẩu lớn nhất thế giới nên các sản phẩm xuất khẩu dệt may vào thị trường Mỹ rất đa dạng về chủng loại, mức giá nhằm đáp ứng nhiều nhu cầu tiêu thụ khác nhau.

Các nước xuất khẩu dệt may chính vào Mỹ gồm Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Mexico, Indonesia, Honduras, Campuchia, trong đó Trung Quốc dẫn đầu với trên 38% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may của Mỹ.

Xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Mỹ đứng vị trí thứ 2 nhưng được đánh giá là có khả năng cạnh tranh lớn và đủ sức trụ vững  tại thị trường này.

Năm 2012 kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Mỹ đạt 7,7 tỷ USD. Việt Nam chiếm khoảng 82% tổng xuất khẩu may mặc từ các nước TPP vào Mỹ, vượt xa Peru (khoảng 9%) và Malaysia (6%). Sức cạnh tranh của Việt Nam là nhân công giá rẻ, lành nghề, năng lực quy mô sản xuất của các doanh nghiệp cũng ngày càng được cải thiện nên có uy tín với các nhà nhập khẩu Mỹ. Dự kiến khi TPP được ký kết, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này sẽ tăng gấp đôi.

Tuy nhiên theo ông Khiên, một trong những khó khăn lớn nhất trong đàm phán TPP giữa Việt Nam và Mỹ liên quan đến dệt may.

Liên quan đề vấn đề này, Hội đồng Quốc gia các tổ chức ngành dệt may Mỹ  (NCTO), từ chỗ cực lực phản đối đòi loại ngành dệt may Việt Nam ra khỏi TPP, đã chuyển sang quan điểm mới là muốn thông qua TPP để hạn chế xuất khẩu của Việt Nam.

“Rào cản” mà phía Mỹ áp dụng có thể sẽ là một số biện pháp đặc biệt, trong đó có yếu tố họ cho rằng ngành may mặc Việt Nam do Nhà nước sở hữu, cùng với đó là áp quy tắc xuất xứ ngặt nghèo cũng như biện pháp thực thi hải quan mạnh mẽ.

Trong khi đó, mặt hàng giày dép có thể sẽ thuận lợi hơn do một số nhà nhập khẩu Mỹ có kế hoạch mở rộng đặt hàng từ Việt Nam, nhất là các loại hàng có yêu cầu sản xuất phức tạp và chất lượng từ trung bình khá trở lên để tận dụng thế mạnh lao động khéo tay của Việt Nam. Điều này cũng cho thấy khả năng tăng xuất khẩu giày dép Việt Nam vào thị trường Mỹ là khả quan.

Như vậy, dù không phủ nhận TPP là cơ hội rất lớn cho các sản phẩm của Việt Nam bứt phá ở thị trường đầy sức hấp dẫn như Mỹ khi mà thuế suất sẽ về 0%, nhưng đúng như ông Nguyễn Duy Khiên nhấn mạnh, vấn đề là chúng ta có tận dụng được điều đó hay không. Do vậy ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn các điều kiện để có thể  tận dụng ngay cơ hội khi Hiệp định TPP có hiệu lực.