Trái cây Việt rộng đường xuất khẩu

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Tiêu chuẩn kỹ thuật và VSATTP của hai quốc gia (Mỹ và Nhật) hiện đang được nhiều thị trường khác áp dụng. Trái cây Việt Nam đạt yêu cầu của hai quốc gia này, ví như cầm chắc tấm vé thông hành ra thị trường thế giới.

Trái cây Việt rộng đường xuất khẩu
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu rau quả, trái cây đạt trên 1,4 tỷ USD. Đây là mức cao kỷ lục trong 10 năm trở lại đây, khẳng định vị trí của trái cây Việt Nam đã thay đổi trên thị trường xuất khẩu, xứng tầm với quốc gia có thế mạnh về trồng cây ăn trái.

Ngoài những thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông… hiện trái cây Việt Nam đã có mặt ở nhiều thị trường khó tính và có sức tiêu thụ lớn nhất thế giới như Mỹ, Nhật Bản... Chặng đường để bước vào thị trường khó tính cho trái cây Việt Nam là một câu chuyện dài, kỳ công.

10 năm “lăn lộn” với nhiệm vụ được giao là mở cửa thị trường xuất khẩu bền vững cho trái cây Việt Nam, theo đúng các cam kết với WTO về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và dịch hại trên cây trồng, TS. Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Đầu tiên là xác định thị trường khó tính dựa vào đặc điểm sinh học.

Cụ thể như các quốc gia cùng tuyến khí hậu với Việt Nam (Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippines...) trái cây hay nông sản khi xuất khẩu sang, họ không quá lo ngại về tình hình dịch hại lạ.

Nhưng các quốc gia khác như Mỹ, Nhật Bản... có sự khác biệt về khí hậu, thổ nhưỡng và dịch hại trên cây trồng, nền nông nghiệp của họ rất phát triển, VSATTP và dịch hại trên cây trồng được kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu khắt khe với nông sản nhập khẩu. Muốn xuất khẩu trái cây tươi vào những thị trường khó tính này, nước xuất khẩu đương nhiên phải tuân thủ mọi quy định về kỹ thuật trồng trọt, chất lượng sản phẩm và chịu sự kiểm duyệt tuyệt đối, ông Đạt cho biết thêm.

Thị trường khó tính nên quá trình mở cửa thị trường đòi hỏi nước xuất khẩu phải tuân thủ đúng mọi quy trình kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc trồng, quản lý thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng sản phẩm không đạt yêu cầu bị loại ngay tại Việt Nam.

Việc trái thanh long vào thị trường Mỹ, đầu tiên là xây dựng mã số vùng trồng theo yêu cầu của Mỹ, trên cơ sở lấy các hợp tác xã có quy mô trên 10 ha đất trồng thanh long trong một vùng không gian liền kề để cấp mã số. Tiếp đến là khai báo địa dư, danh sách hộ nông dân trong một mã số đó.

Tổ sản xuất và hợp tác xã phải áp dụng trồng cây theo VietGAP, bắt buộc phải bọc trái, sử dụng nhóm thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định. Trái cây sau khi thu hoạch, có thể sơ chế theo yêu cầu của đối tác, sau đó vận chuyển bằng xe lạnh đạt chuẩn lạnh, xử lý, đóng gói và chiếu xạ tại TP. Hồ Chí Minh, tại những cơ sở đóng gói, nhà máy chiếu xạ được phía Mỹ chỉ định (hiện nay chỉ có 14 cơ sở đóng gói và hai nhà máy chiếu xạ ở phía Nam được Mỹ công nhận).

Thời gian đầu, chỉ cần 10 mã số cho mỗi loại quả (100 ha) là đủ điều kiện về số lượng để triển khai xuất khẩu. Khi đã hoàn tất quy trình, trái thanh long thành phẩm sẽ được phía Việt Nam và Mỹ kiểm tra trước khi đóng thùng xuất đi. Việc kiểm tra này chỉ một lần tại Việt Nam và không kiểm tra lại tại Mỹ.

Nhưng nói thì không dễ dàng như thực hiện, quy trình bắt buộc đầy đủ như thế phải mất đến 4 năm. Từ năm 2004, Trung tâm đã thực hiện thủ tục, đàm phán với Mỹ, đến năm 2008 mới có đủ điều kiện để trái thanh long vào thị trường Mỹ.

Vượt qua bước đầu khó khăn, TS. Nguyễn Hữu Đạt và đội ngũ cán bộ Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 đã tích lũy kinh nghiệm, bắt đầu đàm phán mở cửa thị trường cho nhiều loại trái cây khác với thời gian ngắn hơn.

Nếu trái thanh long phải mất đến 4 năm, sau đó chỉ 3 năm đã mở cửa được cho thêm hai loại trái vào Mỹ là chôm chôm và vải, rồi 2 năm sau (2014) đến nhãn và hiện nay, mọi thủ tục đang tiến hành để năm nay (2015) xoài và vú sữa sẽ xuất ngoại.

Hai yếu tố kỹ thuật mà trái cây Việt Nam áp dụng để xuất khẩu là chiếu xạ (xuất khẩu vào Mỹ) và dùng hơi nước nóng để vào Nhật. Tiêu chuẩn kỹ thuật và VSATTP của hai quốc gia này hiện đang được nhiều thị trường khác áp dụng. Trái cây Việt Nam đạt yêu cầu của hai quốc gia này, ví như cầm chắc tấm vé thông hành ra thị trường thế giới.

Thực tế ở nhóm chiếu xạ, thanh long vào thị trường Mỹ năm 2008 thì sang Chile năm 2011. Ở nhóm xử lý bằng hơi nước nóng, năm 2009 thanh long vào Nhật Bản, năm 2010 vào Hàn Quốc, năm 2014 vào New Zealand...

Bên cạnh đó việc giữ ổn định thị trường lại càng khó, vì vậy việc chọn quy trình xử lý, bảo quản trái cây sao chất lượng trái ngon nhất luôn được đặt lên hàng đầu. Thực tế cho thấy sau khi vào thị trường Mỹ hai năm, thanh long Việt Nam đã đánh bật thanh long Thái Lan.

Trái chôm chôm Việt Nam chiếm ưu thế lớn tại Mỹ, bởi sử dụng kỹ thuật chiếu xạ hiện đại nhất, có thể kéo dài màu đỏ tươi ngon đến 4 ngày (khi chôm chôm Thái Lan chỉ giữ màu được một ngày). Giá trị gia tăng của trái cây Việt Nam tại những thị trường khó tính hiện đã góp phần quan trọng trong việc nâng giá trị xuất khẩu của trái cây Việt Nam.

Bởi thị trường thế giới đánh giá cao và chọn lựa nhập khẩu những mặt hàng xuất khẩu của quốc gia đáp ứng được tiêu chuẩn ở thị trường khó tính.

Về phía DN xuất nhập khẩu tận dụng rất tốt cơ hội từ những thị trường khó tính đã mở cửa. Hầu hết DN xuất khẩu trái thanh long, chôm chôm, nhãn, vải… đều chủ động chọn vùng chuyên canh cây ăn trái, tập trung hộ nông dân trồng cây, xây dựng, đăng ký mã số với trung tâm và đầu tư bao tiêu sản phẩm.

Phát triển 12 loại trái cây chủ lực

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt quy hoạch vùng cây ăn quả chủ lực trồng tập trung ở Nam bộ đến năm 2020. Theo đó, Bộ đã chọn 12 loại cây ăn quả chủ lực gồm thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu và quýt.

Tổng diện tích cây ăn quả chủ lực trồng tập trung đến năm 2020 là 257.000 ha, chiếm 52% tổng diện tích quy hoạch cây ăn quả ở Nam bộ.