Tránh thảm họa môi trường FDI

Theo Saigondautu.vn

Đã có một làn sóng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào lĩnh vực dệt may, da giày trong thời gian qua nhằm đón đầu thuế suất ưu đãi xuất khẩu khi Việt Nam tham gia TPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Cần tăng cường liên kết giữa các DN may mặc với DN dệt, nhuộm vải để hình thành nên chuỗi giá trị dệt may tại Việt Nam. Nguồn: internet
Cần tăng cường liên kết giữa các DN may mặc với DN dệt, nhuộm vải để hình thành nên chuỗi giá trị dệt may tại Việt Nam. Nguồn: internet

Quy mô dự án từ hàng chục đến hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo cần khắt khe với dòng vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực này để tránh thảm họa ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng và tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt với DN nội địa.

Hàng tỷ USD vào dệt may, da giày

Cuối tháng 3, Tae Kwang Industrial Co,. Ltd (Hàn Quốc) đã chính thức công bố dự án đầu tư vào lĩnh vực da giày tại TP Cần Thơ với tổng vốn đầu tư 171,4 triệu USD. Theo đó, nhà đầu tư này sẽ xây dựng nhà máy sản xuất bán thành phẩm giày thể thao quy mô 52ha đất tại Khu công nghiệp (KCN) Hưng Phú 2B.

Trước đó, Tập đoàn Huntsman (trụ sở tại Hoa Kỳ) đã đầu tư nhà máy chuyên cung cấp thuốc nhuộm và hóa chất trong ngành dệt may tại KCN Long Bình (Đồng Nai) để phát triển sản phẩm phụ trợ cho ngành dệt may…

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt - May Việt Nam (VITAS), tính đến hết năm 2015, vốn FDI vào ngành dệt may của Việt Nam đã chạm ngưỡng 2 tỷ USD. Đây là số vốn cao kỷ lục từ trước tới nay. Đáng chú ý là các dự án mở rộng đầu tư của Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai có tổng vốn 660 triệu USD, với mục tiêu sản xuất và gia công các loại sợi; dự án Công ty TNHH Worldon tổng vốn đầu tư 300 triệu USD do British Virgin Islands đầu tư tại TPHCM để sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp; dự án của Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam với tổng vốn 274,2 triệu USD do Bermuda rót vốn tại Bình Dương để sản xuất xơ tổng hợp polyester; dự án nhà máy sản xuất sợi có quy mô vốn đầu tư 300 triệu USD của Tập đoàn Texhong…

Theo một chuyên gia kinh tế, Việt Nam còn 2 năm nữa để chuẩn bị thực hiện các cam kết TPP, cần có chính sách khuyến khích các DN dệt may, da giày trong nước phát triển mạnh mẽ hơn thông qua các chính sách ưu đãi về lãi suất vay vốn, thuế và chi phí tiếp cận đất đai.

Đồng thời cần tăng cường liên kết giữa các DN may mặc với DN dệt, nhuộm vải để hình thành nên chuỗi giá trị dệt may tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong một động thái mới đây, Bộ KH-ĐT đã không đồng ý cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án đầu tư vào lĩnh vực dệt may và da giày của DN FDI có quy mô hàng trăm triệu USD tại 2 tỉnh phía Bắc.

Lý do được đưa ra là không đảm bảo tiêu chuẩn về công nghệ, bảo vệ môi trường. Điều này cũng phát đi một tín hiệu trong thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực dệt may và da giày trong thời gian tới.

Cần lựa chọn dự án khắt khe

Bàn về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của các DN FDI, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN FDI, cho biết khi thuế suất trong TPP bằng 0%, các nhà xuất khẩu dệt may, da giày tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nhờ giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm và giá trị xuất khẩu được nhiều hơn trong nội khối.

Tham gia TPP dù phải chấp nhận thua thiệt ở một số lĩnh vực, nhưng xét về tổng thể kết quả đàm phán diễn ra theo hướng có lợi nhất, cái gì bất lợi chúng ta không chấp nhận. Dệt may và da giày được coi là 2 ngành xuất khẩu được hưởng lợi nhiều nhất khi Việt Nam tham gia TPP. Đây là 2 ngành nghề không quá đòi hỏi về công nghệ phức tạp.

Hiện Việt Nam đã làm chủ công nghệ và xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Australia… Vì vậy, trong thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực này thời gian tới cần có sự chọn lựa khắt khe để không gây ra sự cạnh tranh quá khốc liệt với các DN trong nước.

GS. Nguyễn Mại cũng lưu ý ngành dệt may và da giày là ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao. Vì thế trong thời gian tới cần phải lựa chọn những dự án phù hợp để tránh làn sóng FDI đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực nhuộm, dệt may, da giày gây thảm họa về môi trường.

Đồng thời cần có chính sách thu hút FDI trong các lĩnh vực này để tránh sự dịch chuyển các dự án dệt may, da giày công nghệ thấp từ các quốc gia khác sang Việt Nam nhằm tận dụng ưu đãi thuế. Vấn đề tiếp theo trong thu hút FDI là tiêu hao năng lượng.

Nếu thu hút FDI công nghệ thấp vào sẽ tạo áp lực lớn cho ngành điện trong việc đáp ứng nhu cầu điện sản xuất. Đầu tư phát triển nguồn điện rất tốn kém. Nhiều năm qua, do nhu cầu điện quá lớn nên ngành điện buộc phải tăng giá để tái đầu tư gây ảnh hưởng tới người dân khi giá điện hàng năm tăng 14-15%. Chúng ta không thể bắt người dân chịu chung áp lực tăng giá điện vì sự gia tăng nhu cầu năng lượng của các nhà máy sản xuất được.

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), ngày càng có nhiều dấu hiệu DN FDI trong lĩnh vực gây nhiều ô nhiễm đầu tư vào Việt Nam. Chỉ có 5% DN FDI có công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại 14% là sử dụng công nghệ thấp.

Tỷ lệ DN FDI đầu tư vào ngành dệt, da giày, hóa chất chiếm tỷ lệ lớn. Có 67% DN FDI hoạt động ở Việt Nam thuộc ngành sản xuất có giá trị gia tăng thấp, công nghệ thấp, tiêu thụ nhiều năng lượng và khả năng phát thải cao.

Chuyên gia kinh tế Phạm Minh Đức của WB nhận định: “Đầu tư vào các ngành thượng nguồn và phụ trợ, nhất là trong ngành dệt, phải đi kèm với kiểm soát chặt chẽ vấn đề môi trường. Đầu tư vào ngành dệt may, nhất là công đoạn nhuộm và hoàn thiện vải có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới môi trường.

Bởi vì các ngành này không chỉ sử dụng rất nhiều nước mà còn gây ô nhiễm nghiêm trọng, thải ra một khối lượng lớn nước thải và chất gây ô nhiễm. Do vậy Việt Nam có nguy cơ sử dụng tăng vọt các hóa chất gây ô nhiễm. Để giảm nhẹ các tác động này Việt Nam cần có các chính sách khuyến khích sử dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường".