Triển vọng đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8%

Theo taichinhdientu.vn

(Tài chính) Kinh tế đã thoát đáy trong quý III/2013 và đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng mặc dù mức tăng còn chậm. Dự báo những quý tiếp theo, tăng trưởng kinh tế sẽ khá hơn nhờ hiệu ứng các giải pháp hỗ trợ tổng cầu bằng các biện pháp tăng đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ, giảm lãi suất… Do vậy, triển vọng đạt mục tiêu 5,8% của năm 2014 trở nên sáng sủa hơn.

 Triển vọng đạt mục tiêu tăng trưởng 5,8%
Triển vọng đạt mục tiêu 5,8% của năm 2014 trở nên sáng sủa hơn. Nguồn: internet

Đó là nhận định của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) tại Báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam quý I và dự báo cả năm 2014.

Nền tảng kinh tế ổn định hơn

Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I/2014 (4,96%) cao hơn cùng kỳ hai năm trước (lần lượt ở mức 4,76% và 4,75%), nhờ sự phục hồi của khu vực nông, lâm, thủy sản và công nghiệp & xây dựng. So với quý I/2013, mức đóng góp của nông nghiệp đối với tăng trưởng đã tăng từ 0,31 lên 0,67 điểm % và ở mức cao hơn cùng kỳ các năm 2010-2013, một phần do sản xuất lúa gạo được mùa. Bóc tách yếu tố mùa vụ trong tăng trưởng GDP hàng quý cho thấy tăng trưởng đã liên tục tăng kể từ quý 2/2013 sau khi đã giảm liên tục từ quý I/2011 và xu hướng này dự báo sẽ được duy trì trong 03 quý cuối năm 2014.

Xuất khẩu tiếp tục là động lực cho tăng trưởng. Trong quý I/2014, Việt Nam xuất siêu hơn 1 tỷ USD tăng 44,5% so với cùng kỳ năm trước và là mức xuất siêu lớn nhất kể từ năm 2010. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 14,1% và 12,4% (so với mức 23% và 17,9% tương ứng của cùng kỳ năm 2013). Xuất khẩu của Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng đột phá so với các nước trong khu vực ASEAN.

Tình hình các doanh nghiệp cải thiện hơn với các chỉ số về khả năng trả nợ của khu vực doanh nghiệp đạt mức tốt nhất kể từ đầu năm 2012. Tỷ số thanh toán hiện thời và thanh toán nhanh và lãi vay đều được cải thiện đáng kể, tương ứng đạt 1,42 lần, 0,87 lần và 2,85 lần. Bên cạnh đó, đòn bẩy tài chính (tỷ lệ nợ/tổng vốn) giảm về mức thấp nhất kể từ năm 2008 (59,79%); Hiệu quả sản xuất kinh doanh cải thiện với ROA và ROE tăng tương ứng 5,1 và 2,3 điểm % so với năm 2012.

Môi trường kinh tế vĩ mô cũng tiếp tục ổn định, lạm phát  kiểm  soát  ở  mức  thấp. CPI  cuối  quý I/2014 chỉ tăng 0,8% so với cuối năm 2013 và 4,83% so cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2005 trở lại đây. Lạm phát loại trừ giá hàng lương thực thực phẩm đã giảm từ mức 9,6% vào cuối quý I/2013 xuống còn 5,2% vào cuối quý I/2014. Lạm phát loại trừ yếu tố thời vụ trong quý I/2014 ở mức 3,43%, tăng so với mức 2,6% của quý I/2013, cho thấy tổng cầu có chiều hướng tăng.

Lạm phát giảm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất. Tính đến 23/3/2014, lãi suất huy động đã giảm 0,5-0,8 điểm % so với đầu năm đối với các kỳ hạn ngắn và giảm 0,2-0,5 điểm % đối với các kỳ hạn dài. Tình hình trên tạo cơ sở để giảm lãi suất cho vay, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp. Mặc dù chênh lệch lãi suất nội tệ và ngoại tệ thu hẹp tỷ giá vẫn tiếp
tục ổn định, cho thấy niềm tin vào VND đang được củng cố. Hệ thống ngân hàng có nhiều chuyển biến khá với chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng được cải thiện, nợ xấu cơ bản đã được kiểm soát; thanh khoản của hệ thống khá tốt; lãi suất huy động, cho vay tiếp tục xu hướng giảm và huy động tiền gửi
dân cư tiếp tục tăng khá.

Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước có triển vọng khá, thu nội địa tăng cao so với cùng kỳ nhờ khu vực doanh nghiệp được cải thiện. Lũy kế quý I/2014, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 195,07 nghìn tỷ đồng, bằng 24,9% kế hoạch năm, cao hơn so với cùng kỳ 2 năm trước. Trong đó, thu nội địa đã tăng 16,5% so với cùng kỳ, cao hơn số cùng kỳ các năm 2013 và 2012 lần lượt ở mức (-0,2%) và (-2,4%). Các khoản thu trong thu nội địa đều có mức tăng cao: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (17,5%), thu từ khu vực ngoài
quốc doanh (16,9%).

Tăng trưởng vẫn thấp so tiềm năng

Mặc dù kinh tế có chuyển biến tích cực song tổng cầu cải thiện chậm. Tiêu dùng chậm cải thiện với doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) trong quý I/2014 tăng 5,1%, không cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ các năm 2013 (+4,5%) và 2012 (+5%). Trong khi đó, đầu tư tư nhân chưa cải thiện nhiều nếu căn cứ vào mức tăng tín dụng âm trong quý I. Không sáng sủa hơn, chi đầu tư phát triển quý I/2014 giảm 4,9% so cùng kỳ năm trước. Chính vì thế, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn ở giai đoạn thấp so với tiềm năng của nền kinh tế.

Thêm nữa, hiện động lực tăng trưởng vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Kim ngạch xuất khẩu (không kể dầu thô) của khu vực này đã tăng 18,9% so cùng kì 2013, so với mức 2,8% của khu vực kinh tế trong nước.

Thế mạnh khác của Việt Nam là khu vực nông nghiệp cũng gặp khó khăn về đầu ra và giá, đặc biệt là mặt hàng gạo. Mặc dù sản xuất lúa gạo được mùa nhưng đầu ra cho cây lúa vẫn là thách thức, nhất là khi giá gạo xuất khẩu có thể chịu sức ép từ việc Thái Lan chấm dứt chương trình trợ giá lúa gạo và Trung Quốc có chủ trương tự túc lương thực.

Do đó, theo UBGSTCQG, song song với việc thực hiện các giải pháp tái cơ cấu kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng dài hạn, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế, khai thông thị trường tiêu thụ hàng hóa cho sản xuất; hỗ trợ cho nông dân về giá nông sản; giảm lãi suất và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư ngân sách và trái phiếu Chính Phủ. Trên cơ sở lạm phát mục tiêu cả năm, cần chủ động điều tiết giá hàng hóa cơ bản, dịch vụ và tỷ giá cũng như điều tiết tổng cầu của nền kinh tế thông qua phối hợp chính sách tiền tệ - tài khóa một cách thích hợp để hướng tới mục tiêu lạm phát đã định.