Triển vọng kinh tế ASEAN+3: Tăng trưởng bền vững trong một thế giới đang biến chuyển

PV.

Chiều ngày 25/5/2018, Bộ Tài chính Việt Nam và Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô các nước ASEAN+3 (AMRO) tổ chức Hội thảo “Triển vọng Kinh tế Khu vực ASEAN+3: Tăng trưởng bền vững trong một thế giới đang biến chuyển" tại Hà Nội.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Tăng trưởng kinh tế khu vực được củng cố

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoe Ee Khor, Chuyên gia Kinh tế trưởng của AMRO cho rằng, tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN+3 gồm 10 nước thành viên ASEAN và Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông), Nhật Bản, Hàn Quốc được củng cố với sự hỗ trợ của cầu nội địa và tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh lạm phát ổn định.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của AMRO cho biết, phần lớn các nền kinh tế trong khu vực đang trong chu kỳ kinh tế mở rộng, cầu bên ngoài cải thiện giúp tăng trưởng kinh tế khu vực dự kiến sẽ duy trì ở mức trên 5%. AMRO dự báo, kinh tế khu vực ASEAN+3 sẽ tăng trưởng 5,4% trong năm 2018 và 5,2% trong năm 2019.

Đối với Việt Nam, ông Hoe Ee Khor nhận định, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2017 và triển vọng tăng trưởng ngắn hạn ở mức tích cực với tăng trưởng GDP tăng mạnh ở mức 7,4% vào quý I/2018.

Thời gian qua, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực ASEAN+3 đã theo đuổi chiến lược “sản xuất nhằm xuất khẩu”. Chiến lược này giúp các nền kinh tế hưởng lợi từ hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hướng đến xuất khẩu để phát triển năng lực sản xuất. Cùng với Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác ở ASEAN, Việt Nam đã thành công trong việc thu hút vốn FDI để xây dựng khu vực sản xuất cạnh tranh, giúp tạo công ăn việc làm và thúc đẩy xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của AMRO, ASEAN+3 hiện đang đối mặt với hai rủi ro ngắn hạn: Một là, điều kiện tài chính toàn cầu có thể bị thắt chặt nhanh hơn dự báo do chính sách tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed); Hai là, leo thang căng thẳng thương mại toàn cầu. Tác động bất lợi của các rủi ro này lên các nền kinh tế trong khu vực có thể là việc các luồng vốn bị rút khỏi khu vực, chi phí vay vốn tăng lên và hoạt động đầu tư và thương mại trong khu vực suy giảm.

Thêm vào đó, chiến lược “sản xuất nhằm xuất khẩu” của các nước ASEAN+3 được AMRO nhận định là đang đối mặt với những thách thức mới bởi những thay đổi hệ thống trong các chuỗi giá trị toàn cầu cho phép các nước sản xuất nguyên liệu đầu vào ngay tại thị trường sở tại, thay vì phải nhập khảu các nguyên liệu này.

Thích ứng với một thế giới đang biến chuyển

Để ứng phó với các thách thức nói trên, các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, các nền kinh tế khu vực ASEAN+3 cần tăng cường kết nối và hội nhập khu vực. Qua đó, hưởng lợi từ tăng trưởng cầu nội khối đối với hàng hóa, dịch vụ và củng cố tăng trưởng bền vững chống lại các cú sốc bên ngoài.

Ông Hoe Ee Khor cho rằng, nguồn lực dồi dào và kinh tế đa dạng là sức mạnh phát triển kinh tế của các nước ASEAN+3, trong đó có Việt Nam. Theo đó, ASEAN+3 cần cải thiện kết nối khu vực thông qua tăng cường đầu tư vào cơ sử hạ tầng cùng với các chính sách thúc đẩy thương mại. Các nước cũng cần chú trọng đến chính sách phát triển ngành nghề dịch vụ và nguồn nhân lực, bao gồm tự do hóa khu vực dịch vụ và tăng cường nhân lực trong khu vực ASEAN+3 thông qua các biện pháp phát triển lực lượng lao động và nhập cư phù hợp.

Đồng thời, để tạo ra cơ hội mới đối với chiến lược “sản xuất nhằm xuất khẩu”, Việt Nam cũng như ASEAN+3 cần đầu tư hơn vào công nghệ để thúc đẩy sự “trỗi dậy” của khu vực dịch vụ với vai trò là cỗ máy tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng và việc làm trong tương lai.

Các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cũng cần tiếp tục củng cố không gian chính sách, đặc biệt trong chính sách tiền tệ, trong bối cảnh điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt trong thời gian tới. Các chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách an toàn vĩ mô sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như: tình hình của nền kinh tế, chu kỳ kinh doanh và chu kỳ tín dụng... của mỗi nền kinh tế.

Hội thảo trên có sự tham dự của ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính); Ông Hoe Ee Khor, Chuyên gia Kinh tế trưởng của AMRO; Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Ông Ngô Văn Đức, Phó Trưởng phòng Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR); Ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng xanh của EuroCham cùng nhiều đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương, tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu và doanh nghiệp.