Triển vọng lớn cho nông sản Việt

Theo Ts. Trần Thanh Nam/thoibaokinhdoanh.vn

Năm 2017, công tác phát triển thị trường nông sản đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất, sự cạnh tranh gay gắt và rào cản thương mại của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, thách thức, thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục được mở rộng, xuất khẩu (XK) tăng cao. Bước sang năm 2018, cơ hội dự báo có nhiều, nhưng thách thức cũng không ít. Vấn đề là làm sao biến thách thức thành cơ hội. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam có bài viết chia sẻ về vấn đề này dành riêng cho độc giả Thời báo Kinh Doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tổng kim ngạch XK năm 2017 ước đạt 36,37 tỷ USD, tăng 4,19 tỷ USD (tương đương 13%) so với năm 2016; thặng dư thương mại ước đạt 8,55 tỷ USD, tăng khoảng 1,1 tỷ USD so với năm 2016, trong đó nổi bật là XK thủy sản ước đạt 8,32 tỷ USD, tăng 18%; đồ gỗ và lâm sản ước đạt 8 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2016; rau quả đạt 3,45 tỷ USD, tăng 40,5% (vượt kim ngạch XK dầu thô)… Qua đó có thể khẳng định năng lực cạnh tranh và vị thế của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Nhiều điểm sáng trong năm 2017

Thị trường trong nước cơ bản ổn định và thông suốt, hầu hết các loại nông sản được tiêu thụ kịp thời, giá ổn định ở mức có lợi cho nông dân.
Đạt được những kết quả trên, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã phối hợp cùng các bộ, ngành và các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp (DN) tập trung tổ chức các đoàn công tác ra nước ngoài kịp thời đàm phán, giải quyết các vấn đề vương mắc trong XK tại một số thị trường trọng tâm, truyền thống; tìm hiểu thị trường và kết nối tiêu thụ trực tiếp cho các DN Việt Nam tại các thị trường mới tiềm năng. 

Đồng thời, tập trung hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường nội địa cho một số ngành hàng tiềm năng như cá tra, trái cây đặc sản vùng miền, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ… Tổ chức các diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản và lễ công bố XK các mặt hàng nông sản sau khi đàm phán mở cửa thị trường, tạo điều kiện cho DN và các hợp tác xã (HTX), hộ nông dân thúc đẩy sản xuất, XK. 

Trong các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và XK, vai trò tiên phong, năng động, sáng tạo của các DN ngành hàng nông sản cũng đã được khẳng định trong tiếp cận và đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm theo thông lệ quốc tế, tạo sự uy tín và niềm tin với các đối tác thương mại các nước.

Bước sang năm 2018, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng. Theo đánh giá của các chuyên gia và các tổ chức quốc tế, thị trường nông sản thế giới năm 2018 có nhiều triển vọng thuận lợi với Việt Nam, nhất là các mặt hàng thủy sản, gạo, các sản phẩm rau quả nhiệt đới; sự cam kết thực hiện các hiệp định thương mại theo lộ trình được các nước cam kết tuân thủ. Đây là những cơ hội tốt để tiếp tục đẩy mạnh XK hàng nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới, củng cố niềm tin đối với thị trường trong nước. 

Tuy nhiên, đứng trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp sẽ gây nên các hiện tượng thời tiết cực đoan, khó lường; xu hướng bảo hộ, tự sản xuất gia tăng thông qua áp dụng các hàng rào kỹ thuật và phòng vệ thương mại; nguồn cung trong nước thiếu ổn định; sản xuất không tuân thủ quy trình kỹ thuật canh tác còn diễn ra ở một số địa phương… đang là những khó khăn, thách thức cho sản xuất và tiêu thụ nông sản Việt Nam trong năm 2018.

Biến thách thức thành cơ hội

Trước tình hình trên, cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy phát triển thị trường nông sản Việt Nam. 

Năm 2018, định hướng phát triển thị trường nông sản Việt Nam cần tập trung xác định rõ thế mạnh của từng thị trường truyền thống, tiềm năng, thị trường ngách, những thị trường đang có triển vọng tốt, còn dư địa mở rộng các sản phẩm nông sản chủ lực như thủy sản, rau quả, gạo chất lượng cao… để có giải pháp phù hợp trong chỉ đạo điều hành sản xuất, phối hợp xử lý tháo gỡ rào cản thương mại và xúc tiến thương mại từng thị trường.

Đối với thị trường trong nước: Cần tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường tiêu thụ trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giúp người tiêu dùng trong nước nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của DN Việt Nam, chất lượng nông sản Việt Nam; phát triển thị trường tiêu thụ trong nước cho các nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh, đặc sản vùng miền và sản phẩm của các xã, phường (OCOP). 

Thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa cùng với nâng cao vai trò tham gia của các HTX vào chuỗi liên kết; tập trung đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, đảm bảo quy trình kỹ thuật sản xuất đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và XK. 

Thúc đẩy các diễn đàn xúc tiến thương mại trong nước để lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền. Nghiên cứu thiết lập và mở rộng hệ thống phân phối hàng nông sản Việt Nam, hình thành các trung tâm đầu mối cung ứng hiện đại cùng với thiết lập hệ thống các điểm bán hàng nông sản Việt Nam, xúc tiến đưa nông sản Việt Nam vào các hệ thống phân phối tập trung, quy mô lớn.

Đối với thị trường quốc tế: Tập trung rà soát hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng tâm gắn với các hoạt động hội chợ và diễn đàn lớn về nông sản trên thế giới để tranh thủ vừa quảng bá, xúc tiến vừa trao đổi tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các DN. 

Tập trung tháo gỡ rào cản ở các thị trường truyền thống, đưa các mặt hàng nông sản mới thâm nhập thị trường. Thường xuyên kết nối chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng để chủ động nắm bắt thông tin ngành hàng, phân tích, dự báo, đề xuất các chính sách thương mại, giải pháp kịp thời hỗ trợ các DN sản xuất, XK. 

Tăng cường tuyên truyền, thông tin về nông sản Việt Nam tới người dân trong nước và quốc tế, phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng các tài liệu, ấn phẩm, chương trình quảng bá cho ngành nông nghiệp, phổ biến các quy định, chính sách về thương mại, hội nhập tới đông đảo người dân và cộng đồng DN nông nghiệp. Phối hợp đấu tranh với những hình thức bôi nhọ hình ảnh nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.