Triển vọng trung hạn của kinh tế Việt Nam là tích cực

Minh Đức

Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng về cơ bản, triển vọng trung hạn của kinh tế Việt Nam là tích cực.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đối phó tốt trước các biến động từ bên ngoài

Theo WB, tăng trưởng toàn cầu vẫn yếu trong nửa đầu năm do các nền kinh tế mới nổi tiếp tục chậm lại và các nước phát triển phục hồi kém hơn dự báo. Tăng trưởng tại các nước phát triển vào năm 2016 dự báo sẽ tăng nhẹ, trong đó khu vực đồng Euro và Nhật Bản có mạnh hơn đôi chút. Trong khi đó các nước đang phát triển vẫn tiếp tục phải đối mặt với một số thách thức do các nước xuất khẩu nguyên liệu sẽ tiếp tục gặp khó khăn, dòng vốn dự kiến sẽ bị thắt chặt và tăng trưởng thương mại chưa có nhiều cải thiện.

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam đã đối phó khá tốt trước những biến động môi trường kinh tế bên ngoài nhờ tăng cầu nội địa và ngành công nghiệp chế tạo định hướng xuất khẩu đạt kết quả tốt. Sau thời kì sụt giảm tăng trưởng 2012-2013, tăng trưởng đạt mức 6% năm 2014 và ước tăng 6,5% so với cùng kì năm ngoái trong 3 quí đầu năm 2015.

Triển vọng trung hạn của kinh tế Việt Nam là tích cực - Ảnh 1

Trong lĩnh vực sản xuất, tăng trưởng nhiều nhất diễn ra trong các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc ngành công nghiệp chế tạo và trong ngành xây dựng do thị trường bất động sản đã bắt đầu hồi phục và được đầu tư nhiều hơn. Ngành dịch vụ cũng tăng trưởng tốt vởi tỉ lệ 6,2% nhờ tăng doanh số bán lẻ (tăng 9,1% so với cùng kì năm trước), nhưng bị ảnh hưởng phần nào do du lịch tăng trưởng chậm (xuống mức 3,8% so với cùng kì năm trước). Ngược lại, lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp vẫn tăng trưởng yếu (2,1% so với cùng kỳ), do tác động của giá thực phẩm giảm và diễn biến thời tiết không thuận lợi.

Theo WB, chỉ số giá tiêu dùng tại Việt Nam đã giảm xuống mức thấp do giá nhiên liệu và lương thực phẩm thấp, và lạm phát lõi ổn định. Tỉ lệ lạm phát trung bình 10 tháng đầu năm 2015 là 0,7% trong khi cùng kì năm ngoái là 4,6%. Chỉ số giá nhiên liệu, năng lượng giảm do giá dầu quốc tế giảm dẫn đến làm giảm giá nhiên liệu và cước vận tải. Chỉ số giá lương, thực phẩm trong năm nay cũng ở mức thấp, chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm

Trong bối cảnh lạm phát giảm và cầu nội địa kém Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cắt lãi suất chính sách tổng cộng là 850 điểm cơ sở kể từ năm 2012, trong đó có 50 điểm cắt giảm trong giai đoạn từ sau tháng 10/2014. Hiện nay lãi suất chiết khấu của Ngân hàng Nhà nước là 4,5% và lãi suất tái cấp vốn là 6,5%

Tuy không có thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ nhưng tín dụng đã phục hồi với mức tăng khoảng 12% tính từ đầu năm đến tháng hết 9/2015 – đây là mức tăng trưởng tín dụng cùng kỳ cao nhất kể từ 2011. Tăng trưởng tín dụng trở lại đã hỗ trợ nhu cầu đầu tư và các hoạt động kinh tế khác nhưng cũng phần nào gây quan ngại về chất lượng các khoản vay nhất là khi các khoản nợ xấu tồn đọng trong các ngân hàng thương mại từ các năm trước chưa được xử lý triệt để.

Mặc dù tăng trưởng thương mại toàn cầu vẫn còn yếu kém, nhưng tình hình xuất khẩu của Việt Nam vẫn đáng ghi nhận. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2015 ước đạt 120 tỉ USD, tăng 9,2% so với cùng kì năm ngoái. Giá trị xuất khẩu hàng hóa cơ bản giảm mạnh do giá xuất khẩu giảm. Xuất khẩu dầu thô giảm gần một nửa về giá trị và xuất khẩu hàng nông nghiệp giảm gần 10%. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng chế biến, chế tạo tăng mạnh, nhất là các mặt hàng công nghệ như điện thoại di dộng, điện tử và máy tính.

Triển vọng tích cực

GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 6,5% trong năm 2015 nhờ cầu trong nước tiếp tục phục hồi do tiêu dùng cá nhân và đầu tư gia tăng. WB dự báo tăng trưởng sẽ tiếp tục duy trì trong trung hạn. Lạm phát sẽ giữ ở mức thấp do giá năng lượng và thực phẩm thế giới thấp, nhưng dự kiến sẽ tăng trở lại trong trung hạn. Cán cân thương mại dự kiến sẽ thu hẹp đáng kể trong năm nay do xuất khẩu tăng chậm hơn nhập khẩu nhằm đáp ứng các nhu cầu của hoạt động kinh tế và đầu tư gia tăng trong nước. Tuy nhiên, lượng kiều hối ổn định sẽ giúp tài khoản vãng lai tiếp tục thặng dư tuy ở mức thấp hơn nhiều so với các năm trước.

Triển vọng trung hạn của kinh tế Việt Nam là tích cực - Ảnh 2
Dòng vốn từ bên ngoài sẽ bổ sung thêm vào cán cân thanh toán nhờ FDI tiếp tục gia tăng nhờ triển vọng tích cực về kinh tế Việt Nam. Thâm hụt tài khoá dự kiến vẫn cao trong năm nay, nhưng sẽ được điều chỉnh từ năm tới khi thực hiện các biện pháp thắt chặt nhằm ngăn ngừa tình trạng gia tăng nợ công.