Trình 4 phương án đầu tư nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất

Theo Minh Anh/saigondautu.vn

Bộ Giao thông Vận tải (GT-VT) vừa trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Nhà ga hành khách Sân bay Tân Sơn Nhất
Nhà ga hành khách Sân bay Tân Sơn Nhất

Theo đó, Bộ GT-VT đề xuất 4 hình thức đầu tư nhà ga này gồm: Giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị khai thác cảng làm chủ đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp; Sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Thành lập tổ chức kinh tế để đầu tư; Đầu tư xây dựng theo hình thức PPP.

Với phương án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, Bộ GT-VT cho rằng không có tính khả thi do theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Đầu tư công, Bộ GTVT sẽ tổ chức triển khai thực hiện đầu tư khi được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư. Tuy nhiên, trong kế hoạch trung hạn đã được giao cho Bộ GT-VT chưa cân đối được nguồn vốn cho dự án này. Thời gian thực hiện dự án cũng vì thế mà có thể bị kéo dài hơn do phải cân đối nguồn vốn.

Với phương án thành lập tổ chức kinh tế để đầu tư, Bộ GT-VT cho rằng hiện còn có cách nhìn nhận khác nhau về phương án này và đang được tiếp tục làm rõ liên quan đến cơ sở pháp lý, hình thức đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, việc giao/cho thuê đất cũng như lợi ích của nhà nước, của nhà đầu tư…

Đối với phương án đầu tư xây dựng theo hình thức PPP, thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Bộ GT-VT cho rằng sẽ đảm bảo công bằng, minh bạch, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia qua đó giúp giảm chi phí đầu tư,. Tuy nhiên, trường hợp có nhà đầu tư mới, quá trình vận hành, khai thác phức tạp hơn. Hơn nữa, nếu làm theo đúng quy trình đấu thầu quốc tế, thời gian để hoàn thành dự án cần khoảng 57 tháng.

Sau khi phân tích,  Bộ GT-VT đề xuất chọn phương án giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), do đây là doanh nghiệp nhà nước chiếm 95,4% vốn chủ sở hữu, đồng thời là doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận là người khai thác cảng. Để đảm bảo công bằng, minh bạch, ACV tiến hành thủ tục đấu thầu lựa chọn tư vấn thiết kế, nhà thầu xây lắp qua đó giúp giảm chi phí đầu tư. Việc tuân thủ các quy định về đầu tư xây dựng đã được các cơ quan có chức năng tiến hành thanh tra, kiểm toán hàng năm.

Cùng đó, hiện ACV đã cân đối đủ vốn để triển khai thực hiện xây dựng nhà ga hành khách T3, sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư, ACV sẽ triển khai ngay dự án với thời gian dự kiến hoàn thành đưa dự án vào khai thác sau 37 tháng kể từ khi chủ trương đầu tư được duyệt.

Cũng theo Bộ GT-VT, ACV là đơn vị được Nhà nước giao quản lý, khai thác, đầu tư tại 21 CHK trên cả nước, trong đó hiện chỉ có một số ít cảng có lãi (Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc, Cam Ranh), còn lại đang được ACV bù lỗ, như Rạch Giá, Cà Mau, Điện Biên, Đồng Hới, Tuy Hòa.... Vì vậy, việc giao ACV làm chủ đầu tư CHK quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ bù đắp một phần vốn đầu tư và duy trì khai thác liên tục tại các CHK không mang lại hiệu quả mà ACV đang quản lý để thực hiện nhiêm vụ chính trị, phát triển kinh tế vùng miền.

Theo quy định, với quy mô hơn 11.000 tỷ đồng vốn đầu tư,  dự án này sẽ phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thẩm định hồ sơ dự án đầu tư và lập báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, do tính chất cấp bách cần triển khai dự án, Bộ GT-VT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho Bộ GT-VT trình chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3.