Trung du và miền núi phía Bắc: Điểm đến đầu tư

Theo ven.vn

(Tài chính) Với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên phong phú và tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định… Trung du và miền núi phía Bắc (TD&MNP) đang là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn của Việt Nam.

Trung du và miền núi phía Bắc: Điểm đến đầu tư
Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Nguồn: internet
Sức hút từ vị trí, tài nguyên

TD&MNPB là vùng có vị trí địa lý thuận lợi, phía Bắc giáp với 3 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây giáp Lào, phía Nam giáp đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ. Vùng có các cửa khẩu quốc tế lớn như Hữu Nghị, Móng Cái, Lào Cai,… vị trí này giúp TD&MNPB có nhiều cơ hội để giao lưu kinh tế với các địa phương trong và ngoài nước.

TD&MNPB cũng là vùng giàu tài nguyên nhất của Việt Nam, trong đó thủy điện chiếm 56%, các loại khoáng sản như apatit 100%, đồng 70%, đất hiếm gần 100% của cả nước… Đây là thế mạnh rất lớn để vùng phát triển công nghiệp khai khoáng, chế biến khoáng sản, góp phần vào khởi động và triển khai công nghiệp hóa, hiện đại hóa của vùng và cả nước.

Đặc biệt, với khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới giúp phát triển ngành nông nghiệp với nhiều loại cây trồng, vật nuôi, trong đó có những loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao như chè, hồi, quế, sơn, mận hậu, mơ, và nhiều loại dược liệu quý,… đây là cơ hội cho ngành công nghiệp chế biến nông sản phát triển.

Đây cũng là vùng có nhiều di tích lịch sử đã được xếp hạng, các địa danh nổi tiếng là tiềm năng để phát triển du lịch như Điện Biên phủ, Nhà tù Sơn La, hang Pắc Pó, cây đa Tân Trào,…hồ Núi Cốc, Ba Bể, Cẩm Sơn, Thác Bà, Sa Pa, Tam Đảo,…

Bên cạnh những lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, tăng trưởng kinh tế của TD&MNPB những năm gần đây khá tốt, giai đoạn 2006 - 2010 tăng trưởng GDP của vùng đạt 10,5%; giai đoạn 2011 - 2015 dự kiến đạt 7,5%. Năm 2012, trong khi tăng trưởng GDP của cả nước chỉ đạt trên 5% thì của vùng TD&MNPB vẫn đạt 9,64%. Thu nhập bình quân theo đầu người đã vượt 18 triệu đồng/ người… Đây là những lợi thế rất lớn để TD&MNPB thu hút đầu tư.

Chính phủ quan tâm đầu tư

Những năm gần đây TD&MNPB nhận được nhiều ưu đãi lớn. Chính phủ đã chủ trương dành một khối lượng vốn lớn tập trung đầu tư vào TD&MNPB, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 135, các dự án quốc gia, các dự án sử dụng trái phiếu Chính phủ, công trái giáo dục, và các hỗ trợ có mục tiêu khác. Theo đó, nhiều nhà máy thủy điện lớn của quốc gia sẽ được xây dựng trong vùng như Sơn La, Na Hang, Lai Châu,…

Đặc biệt, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng Trung du và Miền núi phía Bắc đến năm 2020. Theo đó, về kinh tế, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 7,5% và giai đoạn 2016 - 2020 là trên 8%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.000 USD. Về xã hội, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3 - 4%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 65% vào năm 2020. Củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập trung học cơ sở, phấn đấu phủ sóng truyền hình mặt đất cho 100% dân cư vào năm 2015,…

Để đạt được các chỉ tiêu này, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Theo đó, một loạt các dự án giao thông lớn như đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai và Hà Nội - Lạng Sơn, được khởi công và dự kiến sẽ sẽ đi vào hoạt động giai đoạn 2016 - 2020. Những công trình, dự án này không chỉ góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế giữa TD&MNPB với đồng bằng sông Hồng và các vùng của Việt Nam mà còn tạo cơ hội để TD&MNPB phát triển kinh tế- xã hội, thu hút đầu tư.

Vùng trung du và miền núi phía Bắc bao gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình.

Toàn vùng có diện tích tự nhiên là 95.339km2, dân số 11,17 triệu người, chiếm 28,8% về diện tích tự nhiên và 12,9% về dân số cả nước.