Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ khảo sát doanh nghiệp nông nghiệp tại Lâm Đồng

PV.

(Tài chính) Ngày 22/08/2013, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ và Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương đã làm việc với Tỉnh ủy Lâm Đồng; khảo sát hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp nông nghiệp tại địa phương.

Ông Vương Đình Huệ thăm Công ty cổ phần công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt. Nguồn: FinancePlus.vn
Ông Vương Đình Huệ thăm Công ty cổ phần công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt. Nguồn: FinancePlus.vn

Sáng 22/08/2013, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương đã làm việc tại HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào và Công ty cổ phần công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt.

HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào là điểm sáng trong hoạt động kinh tế tập thể của Lâm Đồng. Đây là đơn vị được lựa chọn để xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp và là một trong những HTX đi đầu trong việc cung ứng rau sạch cho TP. Hồ Chí Minh, Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Hoạt động của HTX này trải dài theo chuỗi cung ứng rau, từ khâu trồng, thu mua, vận chuyển cung cấp hàng đảm bảo chất lượng cho các siêu thị và các cửa hàng kinh doanh rau.  

Công ty cổ phần công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt (Đà Lạt FBIO) được xem là doanh nghiệp  nông nghiệp hoạt động thành công trong phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Đà Lạt FBIO có tới 90% sản lượng được xuất khẩu, doanh thu bình quân mỗi năm đạt 1,4 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 25% - 30% / năm. Hiện nay, Công ty đã và đang khai thác có hiệu quả bằng cách ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật, sản xuất và quản lý sản xuất theo mô hình công nghiệp, chủ động tiếp cận ký hợp đồng cung cấp giống cây cảnh từ nuôi cấy mô tế bào thực vật cho thị trường nước ngoài như: Bỉ, Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ... Đây là thành công ban đầu và mở ra một bước phát triển mới cho Đà Lạt FBIO.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ khảo sát doanh nghiệp nông nghiệp tại Lâm Đồng - Ảnh 1

Trưởng  ban Kinh tế Trung ương khảo sát trang trại của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào

Phát biểu tại các đơn vị đến thăm, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng: Những năm gần đây, nhất là từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hoạt động của các doanh nghiệp nông nghiệp và HTX nông nghiệp đang tiếp tục đổi mới, thể hiện được vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá và hiệu quả kinh tế, góp phần tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn...

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Để sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, thu nhập của nông dân không ngừng được nâng cao, Tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo ngành nông nghiệp và các ngành hữu quan của địa phương tích cực đầu tư công nghiệp và dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, tiến hành đổi mới và phát triển các mô hình liên kết và hợp tác trong sản xuất nông nghiệp để làm dịch vụ đầu vào cho sản xuất, tiêu thụ nông sản, chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật nông nghiệp…

Chiều ngày 22/08/2013, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương đã làm việc với Tỉnh ủy Lâm Đồng. Tiếp đoàn, về phía Tỉnh uỷ Lâm Đồng có ông Nguyễn Xuân Tiến, UVTW Đảng, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Hoàng Sĩ Sơn, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy và một số lãnh đạo UBND Tỉnh, lãnh đạo một số sở ban, ngành của Tỉnh.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ khảo sát doanh nghiệp nông nghiệp tại Lâm Đồng - Ảnh 2

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Lâm Đồng, sau 5 năm thực hiện chương trình nông nghiệp - nông dân - nông thôn, Lâm Đồng đã xây dựng một nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ nông thôn.  Sau 5 năm thực hiện chương trình, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh Lâm Đồng tính đến năm 2012 đã đạt trên 14 ngàn tỷ đồng. Hệ thống hạ tầng nông thôn được đầu tư phát triển. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm với tổng nguồn vốn huy động trên 5 nghìn tỷ đồng, đến nay có 2 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí. Tỉnh đã triển khai thành công trên 28 ngàn ha canh tác ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, có nhiều cơ chế khuyến khích để phát triển kinh tế nông thôn các hình thức phát triển sản xuất với các mô hình tổ hợp tác được hình thành và phát huy hiệu quả. Đời sống nhân dân vùng nông thôn từng bước được nâng cao với tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn trên 6%.

Tuy nhiên, cũng trong 5 năm thực hiện, chương trình vẫn còn những hạn chế như: chăn nuôi phát triển chậm, sản xuất lâm nghiệp đóng góp vào nền kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng; chế biến nông-lâm sản phát triển chậm...

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng: Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW (khóa X), với sự tập trung chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh và sự quyết tâm tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, chương trình nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Lâm Đồng đã có những chuyển biến mạnh mẽ với nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng đã trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, bộ mặt vùng nông thôn đã có nhiều thay đổi.

Về phương hướng sắp tới, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Lâm Đồng cần tiếp tục chú trọng tới nhóm các giải pháp để chương trình tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới như: Tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Nghị quyết 26 của Trung ương, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp trong lĩnh vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn; Tiếp tục thực hiện bổ sung, rà soát lại quy hoạch ngành, xây dựng các chương trình, đề án để thực hiện; Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật; Tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, bám sát các chủ trương, đường lối của Trung ương, tổng kết kinh nghiệm thực tế, trên cơ sở đó đề ra cách làm phù hợp, huy động nguồn lực cộng đồng, tăng cường liên kết vùng để phát triển./.