Tự hào trí lực người Việt

Theo Báo Đầu tư

Để thúc đẩy quá trình triển khai Dự án Thuỷ điện Sơn La (TĐSL) Ban chỉ đạo Nhà nước (BCĐNN) công trình TĐSL được thành lập từ tháng 1/2004, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (khi đó là Phó thủ tướng thường trực) là Trưởng ban.


Tự hào trí lực người Việt - Ảnh 1
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải

Vào cuộc quyết liệt, tích cực giải quyết nhanh các khó khăn vướng mắc trong triển khai dự án của Chính phủ và BCĐNN là một nhân tố quan trọng góp phần đưa TĐSL về đích sớm 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội.

Nhân dịp khánh thành Nhà máy TĐSL, phóng viên đã phỏng vấn Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban BCĐNN công trình TĐSL hiện nay.


Thưa Phó thủ tướng, BCĐNN đánh giá thế nào về những đóng góp của công trình TĐSL với kinh tế - xã hội đất nước?

Nguồn nước sông Đà cung cấp khoảng 50% tổng lưu lượng dòng chảy của sông Hồng, nhưng cũng đồng thời gây ra nhiều trận lũ lụt lớn, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế -  xã hội của người dân vùng hạ lưu, trong đó có Thủ đô Hà Nội.

Khi phê duyệt Quy hoạch bậc thang sông Đà, Chính phủ đã xác định, nhiệm vụ chính của các công trình thuỷ điện Hòa Bình, Sơn La là chống lũ về mùa mưa và cung cấp nước về mùa kiệt cho Đồng bằng Bắc Bộ, tiếp đến mới là cấp điện, giao thông - vận tải.

Tại Nghị quyết số 44/2001/QH10 ngày 29/6/2001, Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án TĐSL, có đưa 3 nhiệm vụ chủ yếu là cung cấp điện năng để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; góp phần chống lũ về mùa mưa và cung cấp nước về mùa kiệt cho Đồng bằng Bắc Bộ; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc và đặt ra 5 yêu cầu: bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình, cho hạ du và Thủ đô Hà  Nội; đạt hiệu quả kinh tế tổng hợp; bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; giảm tác động xấu đối với môi trường - sinh thái, đa dạng sinh học; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc.

Với hồ chứa có dung tích lớn, trong đó một phần dành cho chống lũ vùng hạ du, Nhà máy TĐSL cùng các dự án thủy điện Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang giúp bảo đảm an toàn cho Đồng bằng Bắc Bộ, giữ mực nước sông Hồng tại Hà Nội không vượt quá cao trình 13,1 m với lũ tần suất 300 năm. 

Khi đưa vào vận hành hồ chứa TĐSL, đã có thể bãi bỏ các khu phân lũ, làm chậm lũ trên hệ thống sông Hồng, tạo điều kiện ổn định cuộc sống và sản xuất của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trong khu vực.

Với dung tích hữu ích gần 6 tỷ m3, công trình TĐSL cũng điều tiết, tăng lưu lượng dòng chảy bình quân hạ lưu đập vào các tháng mùa khô khoảng 300 – 400 m3/s, góp phần chủ động bảo đảm cung cấp nước cho dân sinh hoạt và sản xuất cho các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

Với tổng công suất lắp máy 2.400 MW, sản lượng điện bình quân hàng năm của Nhà máy TĐSL, nếu tính cả phần tăng thêm cho Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, là trên 10 tỷ kWh, chiếm gần 9% sản lượng điện của Việt Nam năm 2012, góp phần bảo đảm cung cấp điện cho đất nước.

Việc phát điện Nhà máy TĐSL còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Cụ thể, để có sản lượng điện tương đương của Nhà máy TĐSL, các nhà máy nhiệt điện than phát thải gần 10 triệu tấn CO2, nhiệt điện khí phát thải gần 6 triệu tấn CO2.

Công trình TĐSL còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc khi nhiều tuyến đường giao thông được xây dựng mới, mở rộng và nâng cấp; thực hiện di dân, tái định cư kết hợp bố trí sắp xếp lại dân cư trên địa bàn, chuyển đổi tập quán canh tác tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, trồng cây công nghiệp…; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu lập đề án xây dựng mô hình sản xuất bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, bền vững, bảo đảm đời sống của đồng bào các dân tộc. 

Theo Phó thủ tướng, đâu là những nhân tố dẫn tới thành công này, nhất là đối với một dự án trọng điểm cấp nhà nước như TĐSL?

Nghị quyết số 13/2002/QH 11 của Quốc hội phê duyệt tiến độ phát điện tổ máy số 1 vào năm 2012, hoàn thành công trình vào năm 2015. Dự án được hoàn thành năm 2012, sớm hơn 3 năm so với phê duyệt của Quốc hội. Thành công này là nhờ có sự đồng thuận, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Bộ Chính trị họp và có kết luận về thực hiện Dự án TĐSL; Quốc hội có hai Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án TĐSL và phương án xây dựng công trình TĐSL, hàng năm giám sát việc thực hiện Dự án. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và ban hành kịp thời Dự án, cơ chế quản lý và thực hiện Dự án, quy định về bồi thường, di dân, tái định cư Dự án TĐSL, quyết định thành BCĐNN, với thành viên là lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương liên quan để chỉ đạo việc thực hiện và giải quyết nhanh các vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án.

Để dành đất cho xây dựng Nhà máy TĐSL, trên 20.000 hộ phải di chuyển đến nơi tái định cư mới. Đồng bào các dân tộc một lòng ủng hộ dự án trọng điểm của Nhà nước, nên đều tự giác nhường đất, chuyển nhà cho xây dựng công trình.

Chương trình di dân, tái định cư được các địa phương thực hiện nhanh, gọn do thực hiện tốt nguyên tắc phải tạo được các điều kiện để đồng bào sớm ổn định chỗ ở và đời sống, từng bước thay đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cuộc sống vật chất, tinh thần ngày càng tốt hơn nơi ở cũ; các cấp chính quyền vùng dự án đã tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, cùng với chính sách hỗ trợ hợp lý, kịp thời của Nhà nước.

Dự án TĐSL cũng là điểm nhấn về phát huy nguồn lực trong nước khi hoàn toàn do kỹ sư và công nhân Việt Nam thiết kế và thi công. Chuyên gia nước ngoài chỉ đóng vai trò hỗ trợ, giám sát. Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, thực hiện vai trò quản lý dự án; có trên 10 nhà thầu thành viên do Tổng công ty Sông Đà làm tổng thầu tham gia thi công dự án; các thiết bị cơ khí thủy công do các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chế tạo.

Việc mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ mới, quyết định chuyển thiết kế đập từ bê tông trọng lực thông thường sang thiết kế đập trọng lực với kết cấu bê tông đầm lăn (RCC) cũng là yếu tố quan trọng giúp về đích sớm. Công nghệ RCC cho phép giải quyết được khó khăn nhất khi sử dụng bê tông thông thường là xử lý ứng suất nhiệt, nguyên nhân gây ra nứt nẻ bê tông. Việc sử dụng tro bay, loại vật liệu thải ở nhà máy nhiệt điện, trong bê tông đầm lăn đã giảm khối lượng xi măng dùng cho một mét khối bê tông giảm từ khoảng 200 kg xuống còn 60 kg cũng mang hiệu quả lớn cho công trình.

Công trình TĐSL còn là hình mẫu trong quản lý chất lượng ở tất cả các khâu từ thiết kế, thi công và nghiệm thu. Hồ sơ thiết kế được liên danh tư vấn có kinh nghiệm nước ngoài thẩm tra; trong quá trình thi công, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã thường xuyên kiểm tra.

Công tác chuẩn bị quản lý vận hành được thực hiện chu đáo. Từ khi tổ máy 1 đưa vào vận hành (tháng 12/2010) đến khi đưa vào toàn bộ 6 tổ máy (tháng 9/2012), có gần 2 năm trên công trình vừa thực hiện xây dựng, vừa vận hành phát điện. Các quy trình vận hành đã được ban hành kịp thời, cán bộ quản lý vận hành được đào tạo bài bản; sau 2 năm, công trình đã bảo đảm vận hành an toàn, cung cấp sản lượng điện lớn cho đất nước.

Tại công trình này, việc hợp tác với nhiều công ty tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm trong các quá trình thiết kế, thẩm định thiết kế, giám sát thi công được coi trọng. Điều này giúp có được sự đảm bảo về mặt kỹ thuật trong việc đưa ra những quyết định quan trọng.

Có thể thấy rằng, kinh nghiệm từ việc thực hiện công trình TĐSL là những bài học quý báu và có giá trị thực tiễn sâu sắc, hiện đang được áp dụng cho Thủy điện Lai Châu và các dự án quốc gia quan trọng khác.

Sau khi hoàn thành dự án thủy điện có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, trí tuệ, trình độ kỹ năng của người lao động Việt Nam đã trưởng thành như thế nào, thưa Phó thủ tướng?

Ngoại trừ thiết bị cơ điện, hệ thống phân phối 500 kV và một phần thiết bị thủy công phải nhập khẩu (chiếm 19% vốn đầu tư công trình), còn lại các khâu tư vấn, thiết kế, cung cấp thiết bị cơ khí thủy công, xây lắp, hoàn thiện công trình đều do phía Việt Nam thực hiện.

Công ty Tư vấn xây dựng điện 1 đã có các đề xuất quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến độ công trình,  sử dụng  tro bay trong bê tông đầm lăn; đề xuất điều chỉnh tuyến đập từ vị trí là Tạ Pú, Pa Vinh sang tuyến đập Pa Vinh 2 giúp không phải di dời khoảng 10.000 cư dân huyện Mường La.

Dù thi công công nghệ bê tông đầm lăn ở quy mô lớn lần đầu tiên, nhưng Tổng công ty Sông Đà đã hoàn thành mục tiêu trước hạn, tạo điều kiện cho công trình về đích trước 3 năm. Tổng công ty Lắp máy Việt Nam đã lắp đặt chính xác, an toàn trên 72.000 tấn thiết bị các loại. Ngoài ra còn nhiều doanh nghiệp khác có các đóng góp lớn cho quá trình xây dựng công trình TĐSL, như: Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Viện Nghiên cứu cơ khí, Tổng công ty Máy và thiết bị công nghiệp, Tổng công ty Cơ điện xây dựng nông nghiệp và thủy lợi, Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung... đều đã góp phần thực hiện vượt tiến độ của Dự án.

Tích lũy được kinh nghiệm, trưởng thành về kỹ năng tại Sơn La và các công trình điện được xây dựng thời gian qua liệu đã đủ để các doanh nghiệp Việt Nam tự tin tham gia xây dựng những dự án thủy điện có quy mô tương tự trên thế giới chưa, thưa Phó thủ tướng?

Đến nay, hầu hết các dự án thủy điện lớn của Việt Nam đã và đang được xây dựng, do đó các doanh nghiệp cần có định hướng để có thể duy trì được việc làm của hàng vạn cán bộ và người thợ có kinh nghiệm. Một trong những hướng là tham gia xây dựng những dự án thủy điện trên thế giới, trước hết là tại các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Myanmar... hiện còn có  nhiều tiềm năng trong phát triển thủy điện. Để có thể đấu thầu thành công, các doanh nghiệp cần liên kết với nhau thành một tổ hợp nhà thầu mạnh, xây dựng một đội ngũ tư vấn có kinh nghiệm, nắm rõ thông lệ, quy trình...

Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012 – 2025 để tăng cường năng lực thiết kế, chế tạo của các doanh nghiệp cơ khí; chuyển từ chế tạo thiết bị cơ khí thủy công trong các nhà máy thủy điện sang chế tạo thiết bị phụ trong các nhà máy nhiệt điện.

Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải nâng cao năng lực, đào tạo nguồn nhân lực để có thể tham gia xây dựng, lắp đặt, thiết kế và chế tạo thiết bị cho các dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận và các nhà máy tiếp theo ở Việt Nam.