Từ ngày 22/12, giá điện bình quân là 1.437 đồng/kWh, tăng 5%

Theo Báo Đầu tư

Giá điện bình quân đã chính thức tăng từ 1.369 đồng/kWh lên 1.437 đồng/kWh (tăng khoảng 5%) và bắt đầu được áp dụng từ ngày 22/12/2012.

Từ ngày 22/12, giá điện bình quân là 1.437 đồng/kWh, tăng 5%
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Trong lần điều chỉnh giá điện mới này, giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang có mức tăng từ 66-115 đồng/kWh tùy mỗi bậc thang, riêng bậc thang đầu tiên dành cho hộ thu nhập thấp vẫn giữ nguyên ở mức 933 đồng/kWh. Giá bán lẻ điện cho sản xuất đối với cấp điện áp từ 110kV trở lên trong các giờ cao điểm, bình thường và thấp có giá từ 754-2.177 đồng/kWh; tương tự đối với cấp điện áp từ 22kV đến dưới 110kV có giá 783-2.263 đồng/kWh...

Cùng với lần tăng giá điện vào ngày 1/7/2012, trong năm 2012 giá điện đã được điều chỉnh 2 lần, đều ở mức tăng 5%/lần.

Trước đó vào đầu tháng 12, trả lời báo giới về việc giá điện trong thời gian tới sẽ tăng hay giảm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang khẳng định, giá điện chắc chắn sẽ tăng chứ không giảm bởi mức giá hiện tại rất thấp do nhu cầu năng lượng càng tăng, nguồn sơ cấp càng ngày càng giảm, bởi vậy, giá điện theo xu hướng sẽ tăng.

Còn ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, kết quả kiểm tra cho thấy, năm 2011, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 94,65 tỷ kWh, tỷ lệ tổn thất hệ Con số trên vừa được Tổ công tác liên ngành của Bộ Công Thương, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Bảo vệ người tiêu dùng công bố chiều 3/12, sau khi tiến hành kiểm tra giá thành sản xuất điện của EVN trong năm 2011.

Theo đó, năm 2011, sản lượng điện thương phẩm thực hiện là 94,65 tỷ kWh, tỷ lệ tổn thất hệ thống điện là 9,23%, thấp hơn quy định cho phép của Bộ Công Thương.

Tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2011 của EVN là 121.356 tỷ đồng, tương ứng với giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2011 là 1.282 đồng/kWh. Trong đó, tổng chi phí khâu phát điện là 93.557 tỷ đồng, tổng chi phí khâu truyền tải điện là 6.889 tỷ đồng, tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 20.409 tỷ đồng. Riêng tổng chi phí khâu phụ trợ, quản lý ngành là 502 tỷ đồng. 

Theo tổ kiểm tra, so với giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2011 là 1.226 đồng/kWh, giá thành kinh doanh điện cao hơn 56 đồng/kWh. Cứ 1 kWh điện thương phẩm cung ứng đến người tiêu dùng cuối cùng, việc sản xuất kinh doanh điện bị lỗ 56 đồng. 

Theo tính toán từ chênh lệch giá thành điện và giá bán điện trong năm 2011, EVN lỗ 5.297 tỷ đồng. 

Nếu tính đến thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện như tiền bán công suất phản kháng, lãi tiền gửi, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vào các công ty cổ phần phát điện, thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện, trong năm 2011, EVN lỗ 3.181 tỷ đồng. 

Tổng các khoản chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện đến hết 31/12/2011 là 26.733,53 tỷ đồng, bao gồm: chênh lệch tỷ giá chưa được phân bổ đến hết năm 2011 là 26.669, 27 tỷ đồng; chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thông chưa được phân bổ là 64,26 tỷ đồng. 

Theo tổ công tác, nguyên nhân dẫn đến việc EVN bị thua lỗ trong năm 2011 là do diễn biến của thủy văn không thuận lợi trong năm 2010, ảnh hưởng đến việc phát điện và cung ứng điện cho các tháng mùa khô năm 2011.

Ông Đặng Huy Cường cho hay, theo quyết định của Thủ tướng về kế hoạch chi tiêu tài chính của EVN đến năm 2015, thì phải từng bước nâng giá điện theo giá thị trường để từ 2013 – 2015 trở đi, EVN phải kinh doanh có lãi. 

Chính vì vậy, hiện Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đang phối hợp rà soát và trình Chính phủ lộ trình điều chỉnh giá điện trong thời gian tới và sẽ trình Thủ tướng lộ trình điều chỉnh giá điện trong 2013 - 2015 theo hướng tác động ít nhất đến đời sống của người dân cũng như sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.