Từ vụ Vingroup mua lại Ocean Mart nhìn về thị trường bán lẻ Việt Nam

Theo ncseif.gov.vn

(Tài chính) Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, với việc mua lại Ocean Mart, Vingroup sẽ chiếm thị phần lớn, lấy lại vị thế cho doanh nghiệp nội trong thị trường bán lẻ.

Từ vụ Vingroup mua lại Ocean Mart nhìn về thị trường bán lẻ Việt Nam
Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn và là thị trường mục tiêu đầy hứa hẹn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ. Nguồn: internet
Vingroup mua lại Ocean Mart

Ngày 3/10, Tập đoàn Vingroup công bố chính thức mua lại 70% cổ phần Công ty Ocean Retail - một thành viên của OceanGroup (Tập đoàn Đại Dương). Như vậy, Vingroup đã trở thành chủ sở hữu mới chi phối hệ thống trung tâm thương mại – siêu thị Ocean Mart bao gồm 13 siêu thị hiện hữu cùng kế hoạch xây dựng hơn 40 siêu thị trên khắp cả nước. Ocean Retail khi về Vingroup được đổi tên thành Công ty cổ phần Siêu thị VinMart.

Theo kế hoạch, sau khi thương vụ M&A của Ocean Retail hoàn tất các thủ tục, toàn bộ hệ thống Ocean Mart sẽ được cải tiến, nâng cấp cả về hàng hóa lẫn chất lượng dịch vụ trong thời gian nhanh nhất và đổi tên thành hệ thống VinMart. Tất cả nhân viên của Ocean Mart có nguyện vọng ở lại làm việc và có đủ năng lực sẽ được tham gia một chương trình huấn luyện riêng và có cơ hội phát triển nghề nghiệp cùng Vingroup.

Trong thời gian này, Vingroup cũng công bố Chiến lược phát triển hệ thống phân phối bán lẻ của tập đoàn với thương hiệu VinMart. Theo đó, hệ thống VinMart sẽ là các siêu thị có diện tích từ 3.000m2 đến 15.000m2 và chuỗi Vinmart+ là các cửa hàng tiện ích có diện tích từ 150 đến 300m2. Dự kiến đến năm 2017, Vinmart sẽ có khoảng 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng tiện ích trên cả nước từ đầu tư xây dựng mới hoặc mua lại thông qua các giao dịch M&A.

Thị trường bán lẻ nhiều tiềm năng

Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn và là thị trường mục tiêu đầy hứa hẹn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ mà minh chứng rõ nét nhất chính là việc các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tiếp tục mở rộng đầu tư vào thị trường này.

Năm 2013, thị trường bán lẻ Việt Nam chứng kiến sự đổ bộ của hàng loạt thương hiệu bán lẻ danh tiếng thế giới như Tập đoàn bán lẻ của Nhật Bản - Aeon, hệ thống trung tâm thương mại lớn thứ 3 tại Hàn Quốc - Lotte Mart, Tập đoàn E-mart thuộc sở hữu của Shinsegae, Hàn Quốc; Seven Eleven của CP Thái Lan, hay như tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan Central Group cũng triển khai siêu thị Robinson…Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đã có nhiều năm kinh nghiệm tại Việt Nam như Big C, Metro tiếp tục khai trương các siêu thị tại nhiều tỉnh thành trong nước… Đặc biệt, tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Wal-Mart (Mỹ) và Auchan (Pháp) cũng lên tiếng sẽ đầu tư hệ thống siêu thị lớn ở nước ta. Rõ ràng, đây không phải là tín hiệu vui đối với các nhà bán lẻ nội địa bởi các DN ngoại có thế mạnh vượt trội hơn rất nhiều.

Theo báo cáo về “Mức độ sôi động của các thị trường bán lẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2014” do CBRE công bố, Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ tiềm năng được đánh giá cao vào bậc nhất khu vực do cơ cấu dân số trẻ và sức mua ngày càng được cải thiện nhờ tầng lớp trung lưu bành trướng mạnh mẽ.

Doanh nghiệp nội cần phát huy lợi thế

Các doanh nghiệp bán lẻ ngoại tại Việt Nam phát triển lấn át các doanh nghiệp nội là do các tập đoàn này đã có lịch sử hàng chục năm, thậm chí có tập đoàn hình thành gần trăm năm. Do đó, các DN này có tiềm lực tài chính và nguồn lực con người rất mạnh. Tuy nhiên, về dài hạn, sức ép này vẫn có những tác động tích cực tới thị trường. Đó là việc các doanh nghiệp nội buộc phải thay đổi cả về chất và lượng để thích nghi. Còn đối với các nhà bán lẻ nội địa mới gia nhập thị trường, điều quan trọng nhất là phải có quá trình nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng và chiến lược bài bản.

Vingroup là tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam. Tấn công thị trường bán lẻ từ năm 2013 với chuỗi trung tâm mua sắm dành cho trẻ em, đến nay Vingroup đã có thế mạnh về mặt bằng bán lẻ với những trung tâm thương mại lớn như Vincom Center, Vincom Mega Mall Royal City, Times City... Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, với việc mua lại Ocean Mart, Vingroup sẽ chiếm thị phần lớn, lấy lại vị thế cho doanh nghiệp nội trong thị trường bán lẻ. Đồng thời, với tiềm lực kinh tế mạnh và kế hoạch mở rộng hệ thống, Vingroup sẽ tận dụng được tối đa các nguồn lực để phát triển Vinmart trở thành cái đối trọng “nặng ký” với các ông lớn đến từ nước ngoài.

Ông Dương Trọng Nghĩa, Tổng giám đốc OceanGroup cũng đánh giá rất cao Vingroup, rằng thương vụ mua bán này sẽ là cú hích để phát triển doanh nghiệp bán lẻ nội: “Các doanh nghiệp Việt Nam bên cạnh những điểm yếu cũng có thế mạnh của mình. Vingroup chẳng hạn, tập đoàn này có tiềm lực về tài chính và khả năng phát triển hệ thống mà tôi nghĩ khó ai có thể chạy nhanh như họ. Chúng tôi cũng tự tin năm ngoái không có doanh nghiệp bán lẻ nào làm nhanh và mạnh như OceanMart. Giờ hệ thống này chuyển sang Vingroup sẽ còn tốt hơn nữa. Điểm mạnh thứ hai mà các nhà bán lẻ ngoại khó có được đó là hiểu biết về văn hoá, về quan hệ với các nhà đầu tư, đối tác địa phương, lựa chọn vị trí, địa điểm”.

Theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, bắt đầu từ ngày 11/1/2015, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ được phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn tại Việt Nam thay vì mức tối đa 50% như hiện nay. Có lẽ sẽ chẳng có thời điểm nào thích hợp hơn cho các doanh nghiệp bán lẻ nội vạch ra chiến lược kinh doanh phù hợp nhằm thu hút khách hàng và tăng thị phần hơn thời điểm này.