Tỷ lệ nội địa hóa thấp đang kìm hãm tăng trưởng của Việt Nam

PV.

“Tỷ lệ nội địa hoá thấp của nguyên liệu và phụ tùng đang kìm hãm mức tăng trưởng của Việt Nam”, ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện của JETRO tại Hà Nội nhận định khi chia sẻ về năng lực và tiềm năng của thị trường công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam đã chỉ ra rằng: Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá, ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng, tạo cơ sở cho sự phát triển và tăng trưởng của một nền kinh tế có tính cạnh tranh cao và bền vững.

Chính vì vậy, với sự trở lại của Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản (NEPCON Vietnam 2017) do JETRO tổ chức từ ngày 13-15/9/2017, sẽ là nền tảng cung ứng tuyệt vời, cơ hội kinh doanh và tăng chỉ số nội địa hoá cho ngành điện tử ở Việt Nam.

Triển lãm lần này với sự tham gia bởi hơn 200 thương hiệu hàng đầu, từ 20 quốc gia và bao gồm 7 gian hàng quốc tế từ các quốc gia công nghệ hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore và Đài Loan như: Techvalley, Sinfonia, Juki, Wkk, Sip, Hibex và Lintec, sẽ là nơi để các nhà sản xuất Nhật Bản gặp gỡ các nhà sản xuất phụ tùng của Việt Nam, thắt chặt cơ hội kinh doanh và mối quan hệ giữa những đơn vị tích cực tham gia. Tại đây, các nhà trưng bày sẽ giới thiệu các giải pháp sản xuất điện tử nổi bật của họ tại sự kiện lần này.

Chia sẻ sự lạc quan vào năng lực và tiềm năng của thị trường Việt Nam, tại cuộc họp báo giới thiệu Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, ông Suttisak Wilanan, Phó Giám đốc điều hành của Reed Tradex - Nhà tổ chức "NEPCON Vietnam 2017 cho biết: Sản lượng nhập khẩu tăng gần gấp ba lần từ năm 2011 cho đến năm 2016, xuất khẩu tăng gần 5 lần - tăng từ 12,8 tỷ USD lên 65,8 tỷ USD vào năm 2015, Việt Nam đang được đánh giá là nước xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 trên thế giới và lớn thứ 3 trong khối ASEAN.  

“Với tốc độ này, Việt Nam còn được kì vọng sẽ nhanh chóng đạt thứ hạng cao hơn trên danh sách. Trên thực tế, Việt Nam đã vượt qua được con số 40 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu điện tử trong năm 2017", ông Suttisak Wilanan nhận định.

Bên cạnh việc dự báo những thách thức, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), ông Lưu Hoàng Long cũng đã đưa ra một tương lai tích cực đối với ngành Công nghiệp điện tử: Với lợi thế về địa lý là trung tâm của Đông Nam Á và cũng là cầu nối của Đông Dương với thế giới, Việt Nam đang dần trở thành trung tâm sản xuất mới vô cùng hấp dẫn với nguồn lao động có trình độ và chi phí thấp hơn Indonesia và chỉ bằng một nửa của Thái Lan.

"Trong năm vừa qua, sản lượng xuất khẩu các linh kiện điện thoại di động và điện thoại luôn giữ tỷ trọng cao nhất, góp phần lớn vào cân bằng thương mại của Việt Nam và giảm nhập siêu. Tuy nhiên, trong tổng số điện thoại di động và linh kiện xuất khẩu vào năm 2016 trị giá 34,3 tỷ USD, các doanh nghiệp FDI kiểm soát 99,8% trị giá 34,2 tỷ USD”, ông Lưu Hoàng Long thông tin thêm.

Nhấn mạnh sự cần thiết về việc phải tăng cường nội địa hoá trong quá trình hội nhập, ông Suttisak Wilanan cũng cho rằng: Là một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam cũng tham gia các cam kết của Hiệp định Công nghệ Thông tin hay ITA và có tiềm năng thu được nhiều lợi ích hơn từ việc mở rộng ITA.

Tuy nhiên, để có thể đón nhận hiệu quả những cơ hội cũng như thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế, thì nền công nghiệp điện tử Việt Nam cần tăng năng suất, đẩy mạnh chuỗi giá trị và tăng cường nội địa hóa.

Hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ chiếm 1/3 số lượng doanh nghiệp điện tử ở Việt Nam, nhưng chiếm đến 90% tổng kim ngạch xuất khẩu điện tử của cả nước và chiếm 80% thị phần trong nước. Theo ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện của JETRO tại Hà Nội: Tỷ lệ nội địa hoá thấp của nguyên liệu và phụ tùng đang kìm hãm mức tăng trưởng của Việt Nam.

“Mức độ nội địa hóa nguyên liệu, linh kiện và phụ tùng của các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam rất thấp, chỉ có 34%, trong khi của Trung Quốc là 68%, Thái Lan là 57%. Do đó, các doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu từ các nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc. Đây là nguyên nhân gây ra sự gia tăng chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp", ông Hironobu Kitagawa nói.

Hơn nữa, với thị trường đầy tính cạnh tranh hiện nay, Việt Nam nơi cần nâng cao năng lực và hoàn thiện chuỗi công nghiệp hỗ trợ đầy đủ. "Ấn Độ là đối thủ lớn nhất của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chính vì Ấn Độ áp dụng mức ưu đãi cấp 2 độ của cả chính phủ lẫn các tiểu bang, cùng với mức lương thấp và nền công nghiệp công nghệ cao, Ấn Độ vẫn giữ vị trí là "Thung lũng Silicon" của châu Á”, ông Lưu Hoàng Long chia sẻ.

Ông Hironobu Kitagawa nhấn mạnh: Để nâng cao khả năng cạnh tranh về chi phí và đảm bảo sự cung cấp ổn định của các nhà cung cấp linh kiện, việc tìm kiếm đối tác địa phương vẫn là vấn đề quan trọng nhất. Tin tưởng rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản có thể thiết lập mối quan hệ lâu dài với các doanh nghiệp địa phương để giảm chi phí và tiết kiệm thời gian.