Ưu đãi ngoại, bỏ rơi nội

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, sự tăng trưởng giải ngân nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gần đây là một tín hiệu tốt cho kinh tế.

Ưu đãi ngoại, bỏ rơi nội
Nhiều DN trong nước đang gia công cho công ty nước ngoài. Nguồn: internet

Bởi vì nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy cơ hội tại thị trường Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam đang đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu tập trung ưu ái quá đà cho dòng vốn ngoại mà lãng quên doanh nghiệp (DN) nội địa sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy.

Ngoại “bành trướng”

Để cạnh tranh thu hút vốn FDI với các nước trong khu vực. Mới đây, các địa phương trên cả nước đua nhau cải thiện các chính sách thực thi pháp luật như thuế, hải quan, hoàn chỉnh điều kiện kết cấu hạ tầng và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực…

Chẳng hạn thành phố Cần Thơ vừa công bố số dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép tại địa bàn lên đến 57 dự án, với tổng vốn đăng ký 879 triệu USD - con số cao nhất từ trước đến nay. Để đạt được kết quả đó, lãnh đạo Cần Thơ cho biết, thủ tục đề nghị điều chỉnh tăng vốn của các DN FDI hiện chỉ còn 2-7 ngày so với 1 tháng như trước đây.

Bên cạnh đó, ngoài việc miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất 50% theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, thành phố còn gia hạn thời gian miễn giảm tăng thêm từ 3-6 năm so với quy định chung. Riêng các dự án thuộc dạng BOT, hợp đồng BT có vốn FDI, sẽ được miễn giảm tiền thuế sử dụng đất lên đến từ 8-15 năm. Mức thuế suất thu nhập DN giảm thêm 5%. Các dự án đầu tư vào địa bàn khó khăn được giảm thuế từ 15-20%. Tiền cho thuê đất từ 4 USD/m2/năm trước đây, hiện nay giảm còn 0,59 USD, phí sử dụng hạ tầng từ 2 USD trước đây, hiện giảm chỉ còn 0,2 USD/m2/năm.

Trước đó, Bình Dương cũng phát đi thông báo tiếp tục ưu đãi tối đa cho dòng vốn FDI với nhiều chính sách cởi mở, thông thoáng hơn nữa. Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, hiện có 2.145 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 18 tỷ USD, chiếm hơn 14,7% về số lượng dự án và hơn 8,5% về vốn đầu tư so với cả nước.

Cùng với việc đầu tư đẩy nhanh quá trình sản xuất công nghiệp, Bình Dương tiếp tục mở rộng tối đa ưu đãi để thu hút nguồn vốn ngoại vào lĩnh vực bất động sản. Trong đó, có thể kể đến các dự án lớn như: Khu đô thị Tokyu Bình Dương (Tokyu Binh Duong Garden City) khởi công xây dựng tại thành phố mới Bình Dương vào đầu tháng 3 vừa qua, tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD trên diện tích gần 71,5 ha. Dự án Khu đô thị sinh thái EcoLakes Mỹ Phước (thị trấn Mỹ Phước) tổng vốn đầu tư hơn 620 triệu USD do CTCP SetiaBecamex khởi công...

Rõ ràng, các địa phương càng có nhiều ưu đãi về thuế, cải cách mạnh mẽ thủ tục hải quan thì nguồn vốn FDI càng đổ vào mạnh. Bà Sherry Boger, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Intel Products Việt Nam (IPV) cho biết, IPV đang đẩy mạnh đầu tư mở rộng sản xuất và tăng tỷ lệ nội địa hóa từ 10% lên 50% trong thời gian tới. Theo kế hoạch của IPV, hiện DN này đang đầu tư 1 tỷ USD vào nhà máy lắp ráp và kiểm tra linh kiện bán dẫn đặt tại Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. Bà Sherry Boger dự kiến, khi nhà máy hoạt động hết công suất, giá trị xuất khẩu sẽ tăng từ 5 tỷ USD lên 20 tỷ USD/năm.

Nội “thu mình”

Có thể nói, với mục tiêu thu hút 14 tỷ USD vốn FDI trong năm 2013, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đang mở ra “không gian mới” cho các DN FDI.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, sự tăng trưởng giải ngân nguồn vốn FDI gần đây là một tín hiệu tốt cho kinh tế. Bởi nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy cơ hội tại thị trường Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam đang đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu tập trung ưu ái quá đà cho dòng vốn ngoại mà lãng quên DN nội địa sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy. Thực tế, không ít DN trong nước hiện nay đang gặp vấn đề rất lớn về thuế và thủ tục hải quan, thậm chí có những DN hơn 10 năm nay vẫn chưa tháo được những vướng mắc này.

Ví dụ, tại khu chế xuất (KCX) Tân Thuận, hiện có ít nhất 10 DN kiến nghị lên Ban Quản lý các KCX và khu công nghiệp (KCN) TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chính sách về thuế và thủ tục hải quan đang vắt kiệt sức DN. Trong đó Công ty TNHH QST Việt Nam (chuyên sản xuất vải lưng quần xuất khẩu) phản ánh việc quy định chưa hợp lý dẫn đến đánh thuế trùng lắp và không phù hợp với sắc thuế xuất nhập khẩu và Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT). Cùng một mặt hàng vải lót nhập vào Việt Nam, nhưng DN hiện phải chịu hai loại thuế: thuế GTGT hàng nhập khẩu 10% và thuế nhập khẩu từ 5-10% (tùy điều kiện).

Tương tự, một công ty chuyên sản xuất ống nhựa PE cho biết, khi nhập hàng nguyên liệu về phải đóng thuế nhập khẩu và thuế GTGT, trong khi công ty không được hoàn thuế, nhưng đến khi hàng thành phẩm xuất khẩu, DN nhập khẩu lại phải đóng thêm một lần thuế tương tự. “Thuế chồng thuế khiến giá thành của công ty đội lên rất cao, thậm chí công ty đang bế tắc vì hàng hóa tồn đọng nhiều do không có phụ kiện đi kèm. Những đơn hàng ký trước năm 2013 bị hủy vì khách hàng không chấp nhận cộng thêm mức thuế cao vào giá thành”, đại diện DN này nói.

Như vậy, cùng một vấn đề nhưng các DN trong nước đang bị lép vế trong khi khối ngoại liên tục được ưu ái. Để rồi do khó khăn tiếp tục đè nặng, các DN nội địa luôn phải loay hoay trong kế hoạch sản xuất, thậm chí có nhiều DN “mất bóng” trong nhiều lĩnh vực.

Đơn cử, đầu tháng 7 vừa qua, đã có thông tin về việc Tập đoàn Samsung Electronics sẽ bỏ ra 96 tỷ đồng để mua lại 20% cổ phần của Công ty cổ phần TIE (TIE) là đối tác Việt Nam trong Công ty Liên doanh TNHH Điện tử Samsung Vina, biến Samsung Vina thành DN 100% vốn nước ngoài. Như vậy, sau hơn 17 năm gắn bó, liên doanh này cũng "chia tay", cho dù có muộn hơn so với những thương hiệu trước đó như LG Electronics (Hàn Quốc), Sony Electronics (Nhật Bản)...

Hoặc khác với trường hợp “thôn tính” của Samsung, các hãng điện tử của Nhật cũng lại có cuộc "tháo chạy" khỏi các cơ sở liên doanh sản xuất tại Việt Nam: Năm 2008, Sony tuyên bố dừng hoạt động nhà máy sản xuất tivi bóng đèn hình tại Việt Nam sau 14 năm tồn tại. Song, đến năm 2012, Sony mới hoàn tất các thủ tục rút khỏi liên doanh với Công ty cổ phẩn Viettronics Tân Bình.

Trong khi đó, một tên tuổi khác đến từ Nhật Bản như Toshiba cũng đã chấm dứt hợp đồng liên doanh với Công ty Viettronics Thủ Đức vào năm 2006 sau 10 năm đặt chân vào Việt Nam để thành lập công ty 100% vốn nước ngoài.

Theo nhà kinh tế Phạm Chi Lan, đây là kết cục dự đoán trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bởi từ năm 2009, các DN FDI có thể thực hiện quyền sản xuất lẫn phân phối trực tiếp tại Việt Nam. Hơn nữa, theo lộ trình gia nhập Hiệp định thương mại tự do - FTA, từ năm 2015, nhiều dòng thuế sẽ cắt giảm xuống còn 0%. Đây là điều kiện thuận lợi cho các DN FDI cắt giảm chi phí sản xuất thông qua hình thức nhập khẩu hàng hóa và phân phối trực tiếp.

“Nếu hiện nay, chúng ta vẫn tiếp tục giữ quan điểm thu hút FDI bằng cách “hạ giá mọi thứ có thể” như một thành tích, chẳng mấy chốc những lĩnh vực sản xuất trọng điểm sẽ thuộc hết vào tay khối ngoại. Lúc đó, DN trong nước chỉ có thể là DN làm thuê mà thôi”, bà Lan nhận xét.