Chủ tịch APEC CEO SUMMIT:

Ưu tiên số một là phát triển hạ tầng kinh tế số

PV.

Trong kỷ nguyên mới, khi nguồn dữ liệu trở thành tài nguyên cốt lõi, mỗi nền kinh tế thành viên APEC cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, có như vậy mới có thể nâng cao được năng lực cạnh tranh.

Chia sẻ với báo chí về những nội dung thảo luận trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) cho biết: Trong các cuộc đối thoại, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các nhà lãnh đạo sẽ cùng nhau bàn thảo về nhiều vấn đề, trong đó tập trung vào 4 nhóm vấn đề lớn:

Thứ nhất, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực

Mặc dù, các quan điểm chống lại toàn cầu hóa có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên kinh tế Thái Bình Dương (TPP), cộng đồng DN APEC vẫn coi hội nhập về thương mại và đầu tư là con đường tốt nhất cho phát triển kinh tế và khẳng định WTO vẫn là nền tảng của thương mại và sự thịnh vượng toàn cầu.

Việc ủng hộ và hỗ trợ WTO trong các mục tiêu toàn cầu hóa, đẩy mạnh tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại trong khu vực để đạt được các mục tiêu Bô-go, hình thành khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương, theo đuổi chương trình nghị sự mới về dịch vụ… tiếp tục là những hướng đi quan trọng của APEC.

Cộng đồng DN kiến nghị, cần tăng cường hơn nữa sự cam kết của các nền kinh tế APEC chống lại chủ nghĩa bảo hộ và tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy thương mại, đầu tư như tham gia đàm phán Hiệp định Thương mại dịch vụ, Hiệp định Hàng hóa môi trường, đề ra lộ trình cạnh tranh về dịch vụ của APEC…

Bên cạnh việc chống lại chủ nghĩa bảo hộ, vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, xoá bỏ sự chia cắt kỹ thuật số, xây dựng thương mại kỹ thuật số và khuyến khích sự di chuyển dữ liệu và thông tin qua biên giới trên khắp khu vực cũng là giải pháp thúc đẩy hội nhập, mở rộng thương mại, bảo đảm lợi ích của nền kinh tế số được lan tỏa đến rất cả các nền kinh tế số.

Trong kỷ nguyên mới, khi nguồn dữ liệu trở thành tài nguyên cốt lõi, mỗi nền kinh tế cần ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, để ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, các nền kinh tế APEC cần tạo ra các môi trường pháp lý xoá bỏ những rào cản không cần thiết và tạo thuận lợi cho thương mại kỹ thuật số, bao gồm hợp tác trong những nỗ lực quốc tế để truyền dữ liệu hiệu quảvà an toàn khắp khu vực và cải cách pháp luật trong nước.

Các DN cũng quan tâm và thảo luận vấn đề đẩy mạnh kết nối cơ sở hạ tầng vật chất và kết nối thể chế như những điều kiện để đẩy mạnh tăng cường hội nhập và phát triển. 

Thứ hai, tăng cường năng lực cạnh tranh của các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa

DN nhỏ và vừa (DNNVV) được coi là huyết mạnh của mọi nền kinh tế trong khu vực. Hiện nay, khu vực DNNVV chiếm trên 90% số DN, sử dụng trên 60% lực lượng lao động, tuy nhiên, khu vực này chỉ chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu.

Ngày nay với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, truyền thông, các DNNVV có thể trực tiếp tham gia vào thương mại xuyên biên giới với chi phí thấp thông qua kinh tế số và các nền tảng thương mại điện tử.

Do vậy, để mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn tài chính thì DNNVV cần phải vượt qua được các rào cản về pháp lý. Các đề xuất xoay quanh việc xây dựng hệ thống thông tin về tài chính, việc định giá, các giao dịch bảo đảm hay phát triển fintech… cùng nhiều sáng kiến thành lập Mạng lưới khởi nghiệp APEC và Thị trường DNNVV APEC cũng được VCCI và Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) nêu ra như các nền tảng thúc đẩy sự phát triển và quốc tế hóa DN siêu nhỏ, DNNVV.

Thứ ba, ưu tiên phát triển sáng tạo và bao trùm

Vấn đề này được đặt ra tại Hội nghị APEC, vì những lợi ích từ tăng trưởng kinh tế đã không được phân bổ đồng đều, một bộ phận lớn dân cư vẫn chưa nhận được đầy đủ những lợi ích của tự do thương mại. Theo một số tính toán được đưa ra, nếu không có các khoản đầu tư bổ sung, mô hình kinh doanh thông thường hiện nay dự kiến sẽ làm giảm GDP khu vực APEC tới 8,5% do các vấn đề sức khoẻ.

Sự phát triển mạnh mẽ hạ tầng kỹ thuật số cũng góp phần thúc đẩy phát triển bao trùm vì đem đến lợi ích cụ thể cho các DNNVV và DN phụ nữ làm chủ trong nền kinh tế. Do vậy, VCCI và ABAC đã đề xuất sáng kiến về thành lập Mạng lưới doanh nhân nữ APEC, thúc đẩy sự phát triển của các DN do phụ nữ làm chủ và hỗ trợ họ tham gia vào thị trường toàn cầu.

Để thúc đẩy phát triển nền kinh tế sáng tạo, VCCI và ABAC cũng cho rằng, cần tăng cường hợp tác giữa các cộng đồng DN và chính phủ trong công tác đào tạo; Chú trọng các ngành khoa học, công nghệ, chế tạo và quản trị; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các DN siêu nhỏ, DNNVV, những DN do phụ nữ làm chủ…

Thứ tư, ưu tiên phát triển bền vững

Hiện nay, các hàng rào phi thuế quan đang cản trở, làm tắc nghẽn dòng chảy lương thực và nông nghiệp một cách không cần thiết, đặc biệt là đối với nguồn hàng nông sản từ các nền kinh tế đang phát triển. Do vậy, cần phải hài hoà, thừa nhận lẫn nhau và thống nhất các quy định.

DN bày tỏ lo ngại về việc chưa có tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện các mục tiêu an ninh lương thực của APEC, đồng thời khuyến nghị cần có sự tham gia sâu hơn của khu vực tư nhân để bảo đảm an ninh lương thực bền vững.

Với sự hồi phục và tăng trưởng kinh tế, cộng đồng DN APEC kiến nghị các nền kinh tế APEC nên thực hiện ngay các chính sách kinh tế phù hợp để duy trì sự hồi phục, đặc biệt bằng cách tập trung giải quyết các rủi ro và nắm bắt những cơ hội mà nền kinh tế số mang lại. Đồng thời, cần có những nỗ lực để giải quyết tình trạng bất bình đẳng và xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng để tạo ra tính năng động mới trong khu vực và giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm.