Vai trò của Việt Nam trong tiến trình hợp tác APEC

Theo baoquocte.vn

Việt Nam, với tư cách là chủ nhà tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC vào năm 2017, đang khẳng định vị thế ngày một quan trọng của mình trong tiến trình hợp tác APEC.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 24 (APEC 24) dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 19-20/11 tại thủ đô Lima (Peru). Đây là dịp để các nhà lãnh đạo đến từ 21 nền kinh tế thành viên, trong đó có Việt Nam, đến trao đổi và bàn thảo về biện pháp thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực.

Trước thềm sự kiện quan trọng này, TS. Alan Bollard, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC đã chia sẻ về vai trò và hướng đi của APEC nhằm thích ứng với những thay đổi đang diễn ra ở khu vực cũng như vai trò của Việt Nam trong tiến trình này.

Những trọng tâm của APEC 24

Theo TS. Bollard, trọng tâm của Hội nghị Cấp cao APEC lần này là làm thế nào để giữ vững được nhịp độ tăng trưởng của các nền kinh tế thành viên APEC đang có dấu hiệu suy giảm, một phần do thương mại toàn cầu cũng đang có chiều hướng suy thoái. Lãnh đạo của các nền kinh tế trong khu vực cũng sẽ thảo luận về quá trình toàn cầu hóa, dành nhiều thời gian cho các vấn đề cụ thể như chất lượng tăng trưởng và một số sáng kiến sẽ được áp dụng trong năm tới.

Về Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), TS. Bollard cho rằng, TPP không phải là sáng kiến của APEC mà là sáng kiến giữa các thành viên thuộc APEC. Do vậy, việc thực hiện TPP như thế nào phụ thuộc vào các thành viên. Các thành viên liên quan có thể sẽ tổ chức họp bên lề diễn đàn chính để thảo luận vấn đề TPP.

Theo ông Bollard, có một vấn đề song song với đó mà APEC quan tâm và đang nghiên cứu xúc tiến là việc thành lập ra một khu vực thương mại tự do châu Á -Thái Bình Dương. Ông cho rằng, APEC sẽ cần cân nhắc rút ra một số kinh nghiệm từ TPP, cũng như từ các mối quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện trong khu vực.

Việt Nam hướng tới đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong năm 2017

Đánh giá về sự tham gia của Việt Nam, TS. Bollard đánh giá cao vai trò của Việt Nam khi tham gia cả hai sáng kiến trên và là một thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN. Ngoài ra, Hội nghị APEC lần này còn có sự tham gia của liên minh kinh tế Thái Bình Dương như các nước thành viên khối châu Mỹ Latin.

Do vậy, nghiên cứu này sẽ được trình bày trước các vị bộ trưởng các nước tại thủ đô Lima và đó là cách để hội nghị có thể có được định hướng cho năm tiếp theo cũng như cho các vị lãnh đạo của Việt Nam.

Nhận xét về đóng góp của Việt Nam trong tiến trình hợp tác APEC, đặc biệt việc Việt Nam sẽ là chủ nhà tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC vào năm 2017, TS. Bollard khẳng định Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực thuộc khuôn khổ nền kinh tế APEC và cũng đang tiến tới đảm nhiệm vai trò lãnh đạo APEC trong năm tới.

Do vậy từ năm nay đến năm sau, cụ thể là từ tháng 12 tới sẽ diễn ra một loạt các cuộc họp tại Việt Nam và nhiều nhóm công tác sẽ cùng thảo luận nhiều sáng kiến mà APEC đang muốn áp dụng nhằm duy trì sự kết nối giữa các nền kinh tế thành viên.

Ngoài ra, TS. Bollard bày tỏ mong đợi sẽ làm việc với Chính phủ Việt Nam không những về các công việc đang tiếp diễn, mà còn xác định cụ thể các chủ đề cho năm 2017.

Theo đó, tiếp tục đặt trọng tâm vào vấn đề tăng cường tính kết nối của nền kinh tế khu vực, vai trò của các doanh nghiệp nhỏ vốn chưa khai thác được hết tiềm năng trong sự tăng trưởng kinh tế trong khu vực, làm sao để thị trường trong khu vực APEC ngày càng trở nên khả thi đối với họ, cũng như vấn đề tăng trưởng ngành dịch vụ, đầu tư hạ tầng và một số vấn đề khác.

Về Hội nghị Cấp cao APEC 2017, TS. Bollard đánh giá Việt Nam đã có sự chuẩn bị tốt và đang có vị thế thuận lợi vì đã hoàn thành việc ký kết nhiều hiệp định hợp tác chính thức với các quốc gia thành viên.

Ngoài ra, Việt Nam cũng nhận thức được rõ ràng về việc APEC có thể là cơ hội để xúc tiến việc hội nhập trong thời kỳ hậu toàn cầu hóa, đó là thông qua việc đưa ra các sáng kiến dựa trên thử nghiệm và phát triển các sáng kiến tự nguyện, mang tính thuyết phục giữa các nhóm công tác của các nước thành viên.