Vấn đề bảo hộ thương mại trên thế giới và kiến nghị đối với Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 tháng 4/2017

2017 được dự báo là năm của những thách thức từ sự trỗi dậy của làn sóng bảo hộ thương mại, thể hiện ở việc nước Anh rời khỏi thị trường chung châu Âu, Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến hàng loạt biện pháp bảo hộ hàng hóa của các nước. Có thể nói, chưa bao giờ thế giới lại dựng lên những rào cản với mậu dịch tự do nhiều như hiện nay. Xu hướng này có thể làm dấy lên một cuộc chiến tranh thương mại mới, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Việt Nam với tư cách là nền kinh tế theo đuổi tự do thương mại và đầu tư, hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới sẽ đối mặt với không ít thách thức từ xu hướng này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Nguy cơ trỗi dậy chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới

Thành quả của toàn cầu hóa không được phân chia đồng đều giữa các khu vực, các nền kinh tế đã dẫn tới xu hướng phản đối tự do hóa thương mại gia tăng mạnh mẽ ở nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt ở các nền kinh tế lớn tại Mỹ và châu Âu. Ngay từ đầu năm 2017, kinh tế thế giới đã bị sốc bởi những động thái bảo hộ của những nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump được xem là người có tư tưởng chống lại chủ nghĩa toàn cầu và bảo hộ thương mại. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông hoàn toàn bỏ qua các nguyên tắc đã được Mỹ ký kết trước đó về thương mại tự do, chỉ tập trung chủ yếu vào việc mang lại việc làm cho người dân Mỹ, kêu gọi các công ty lớn quay trở lại Mỹ để làm ăn, điều này đồng nghĩa với việc chống lại xu hướng toàn cầu hóa hiện nay.

Ngay sau khi chính thức nhậm chức, ngày 23/1/2017, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh rút khỏi Hiệp định TPP, đề xuất đàm phán lại các điều khoản của NAFTA (Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ) và xem xét lại các hiệp định khác…

Các nước phương Tây cũng đang lâm vào tình trạng chia rẽ nội bộ sâu sắc về vấn đề toàn cầu hóa và thương mại. Sự thành công của chiến dịch bảo hộ thương mại tại một số nước điển hình như Brexit và ứng cử viên Tổng thống Mỹ đắc cử nhờ chiến dịch bảo hộ thương mại có thể khơi mào cho một xu hướng mới.

Điều này đồng nghĩa với việc xu hướng bảo hộ thương mại sẽ diễn ra trong nhiều năm tới, các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ được thực thi, từ đó có thể dấy lên một cuộc chiến tranh thương mại mới.

Gần đây, Mỹ, Trung Quốc và một số quốc gia mới nổi lần lượt áp thuế chống phá giá đối với sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là sản phẩm thép từ Hàn Quốc.

Trung Quốc đã tiến hành điều tra, đánh giá sơ bộ, áp thuế chống bán phá giá với các sản phẩm của Hàn Quốc như máy giặt, thép chịu mài mòn, cao su tổng hợp, đồng thời quyết định áp mức thuế chống bán phá giá từ 37,3% - 46,3% đối với mặt hàng thép tấm mạ điện nhập khẩu từ Nhật Bản, Liên minh châu Âu…

Báo cáo về biện pháp thương mại của G20 cho thấy, từ trung tuần tháng 10/2015 đến trung tuần tháng 5/2016, các nền kinh tế G20 đã áp dụng 145 biện pháp mới về hạn chế thương mại, trung bình mỗi tháng áp dụng 21 biện pháp, nhiều hơn so với mức trung bình 17 biện pháp/tháng trong giai đoạn 7 tháng trước đó, trong đó chủ yếu là các biện pháp chống bán phá giá. Đây cũng là mức trung bình tháng cao nhất kể từ năm 2011, thời điểm ghi nhận những biện pháp hạn chế thương mại đạt mức kỷ lục.

Theo Tập đoàn Ngân hàng và Dịch vụ tài chính Citigroup (Mỹ), thực ra chủ nghĩa bảo hộ bắt đầu xuất hiện trở lại kể từ năm 2012. Từ năm 2013, các biện pháp bảo hộ tiếp tục có dấu hiệu gia tăng, khi kinh tế thế giới bắt đầu tăng trưởng chậm lại và 2015 là năm mà chủ nghĩa bảo hộ trở nên trầm trọng hơn nhiều so với những năm trước đó.

Chính phủ nhiều nước trên thế giới đang trở lại chính sách thúc đẩy sản xuất hàng hóa công nghiệp để thế chân hàng nhập khẩu, thắt chặt quy định về tỷ lệ nội địa hóa và trợ giá hàng xuất khẩu.

Dự báo, xu hướng bảo hộ thương mại trong thời gian tới sẽ diễn ra hết sức mạnh mẽ, có thể cản trở hệ thống thương mại toàn cầu cũng như đe dọa kéo dài chiều hướng tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới và có thể làm đảo ngược tiến trình toàn cầu hóa.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn chưa lấy lại đà hồi phục mạnh, Quỹ Tiền tệ Quốc tế gần đây cảnh báo chủ nghĩa bảo hộ thương mại có thể khiến kinh tế toàn cầu có nguy cơ tăng trưởng thấp kéo dài. Trên thực tế, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu yếu và mong manh.

Quay lưng lại với thương mại đồng nghĩa với việc sẽ mất đi một động lực chính của tăng trưởng vào thời điểm kinh tế toàn cầu và có thể đe dọa xóa bỏ những nỗ lực tăng trưởng thời gian qua.

Đáng lo ngại là sau hai ngày nhóm họp tại Baden-Bade (Đức) từ ngày 17-18/3/2017, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng G20 đã ra tuyên bố chung mà không có một cam kết rõ ràng về thương mại tự do và chống bảo hộ mậu dịch cho dù trong nhiều năm qua, các nền kinh tế thành viên G20 (chiếm 90% GDP toàn cầu) đã cam kết chống lại “mọi hình thức bảo hộ thương mại”.

Những hàm ý cho Việt Nam

Hiện nay, các nhà hoạch định chính sách trên thế giới đang phải cân nhắc, tìm giải pháp đối phó với chủ nghĩa bảo hộ và xu hướng chống toàn cầu hóa, kỳ vọng các nền kinh tế có thể tiếp tục được hưởng lợi từ hội nhập kinh tế, tự do hóa thương mại. Tuy nhiên, những nỗ lực trên vẫn chưa đi đến kết quả thực sự. Trong thời gian tới, Việt Nam cần chú ý một số vấn đề sau:

Một là, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần theo dõi tình hình, dự báo kịp thời và chuẩn bị các giải pháp ứng phó để chủ động với các tình huống, nhằm hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích dân tộc, đồng thời thích ứng với xu hướng mới của thế giới.

Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam đang ngày càng đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại nhiều hơn, trong đó phần lớn là vụ kiện bán phá giá, chống trợ cấp. Điều này phần nào cho thấy, áp lực cận kề và chúng ta phải sẵn sàng có giải pháp để ứng phó với xu hướng bảo hộ thương mại.

Hai là, doanh nghiệp (DN) phải “quen dần” với xu thế phòng vệ thương mại, bởi xu thế bảo hộ ở các thị trường nhập khẩu là rõ ràng. Tuy nhiên, theo điều tra mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với 1.000 DN thì có đến 63% DN có nghe nói về phòng vệ thương mại nhưng không hiểu sâu.

Do vậy, đã đến lúc DN phải “làm quen” với xu thế phòng vệ thương mại. Ngoài ra, để có thể đảm bảo rằng việc áp dụng biện pháp tự vệ được thực hiện phù hợp với thông lệ quốc tế và hạn chế rủi ro bị các nước khác khởi kiện, Việt Nam bắt buộc phải có sự đánh giá khách quan và toàn diện về các điều kiện tự vệ.

Ba là, các DN sẽ phải nỗ lực cải tổ quy trình sản xuất theo hướng đầu tư công nghệ, sản xuất tiêu chuẩn cao hơn. Việc đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường nhập khẩu là vô cùng quan trọng, trong khi đây vẫn là điểm yếu của DN Việt Nam.

Sự thay đổi của mỗi DN không chỉ dừng lại ở vấn đề thay đổi quy mô, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của chính DN ấy, mà còn giúp cải thiện ngành sản xuất theo hướng chất lượng hơn, tránh được những tác động từ các vụ kiện.

Bốn là, chủ động chuẩn bị tìm kiếm thị trường mới. Có thể nhìn thấy, viễn cảnh môi trường bảo hộ thương mại toàn cầu tăng cao, khiến lưu chuyển hàng hóa toàn cầu gặp trở ngại, trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục yếu. Do vậy, Việt Nam cần nghiên cứu và tìm kiếm các thị trường mới cân đối trong cơ cấu thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường lớn và có xu hướng bảo hộ thương mại.