Vấn đề đặt ra trong Quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện

ThS. Trần Thu Hằng - Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

Hệ thống pháp luật kinh doanh ở nước ta thời gian gần đây đã có chuyển biến tích cực, góp phần vào việc tạo môi trường kinh doanh, thuận lợi cho doanh nghiệp. Hàng loạt chính sách đã được đổi mới, “cởi trói” cho doanh nghiệp trên tinh thần “chọn bỏ” thay vì “chọn cho”, tuy nhiên, điều kiện kinh doanh hiện nay vẫn còn gây không ít khó khăn và thách thức cho doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra là cần sớm có giải pháp để rà soát và rút gọn các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tạo bước đột phá mạnh mẽ  

Báo cáo rà soát điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho biết: Trước năm 2014, các nhà hoạch định chính sách vẫn ban hành điều kiện kinh doanh đối với các ngành, nghề thuộc phạm vi quản lý của mình mà không đưa ra lý do giải thích về các mục tiêu của các quy định đó hoặc khi giải trình thường ít khi liên hệ tới các lợi ích công cộng.

Trong nhiều trường hợp, vì không có chuẩn chung nào để đánh giá tính hợp lý, cần thiết của các quy định về điều kiện kinh doanh hay ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, nên xảy ra hiện tượng kinh doanh nhưng vẫn được xác định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này vô hình chung đã khiến cho quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp (DN) bị hạn chế.

Luật Đầu tư 2014 là một bước đột phá mạnh mẽ về các quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh. Lần đầu tiên trong văn bản cấp luật, mục tiêu khi quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh được xác định rõ ràng.

Bên cạnh việc xác định mục tiêu, Luật Đầu tư 2014 còn đưa ra Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo đó, 243 ngành, nghề trong Danh mục là những ngành, nghề, khi thực hiện kinh doanh sẽ tác động đến lợi ích công cộng, đến mức buộc Nhà nước phải can thiệp bằng điều kiện kinh doanh.

Kết quả nghiên cứu của VCCI cho thấy, qua lần sửa đổi năm 2016, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2014, đã được điều chỉnh từ 267 xuống còn 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Trong đó, Bộ Công Thương có 28 ngành, Bộ Giao thông Vận tải có 29 ngành, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 33 ngành, Bộ Tài chính có 22 ngành… Tổng cộng có 5.719 điều kiện kinh doanh cụ thể. Điều này cho thấy, số lượng điều kiện kinh doanh vẫn tương đối lớn.

Nhìn tổng thể, Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện sửa đổi năm 2016 đã thể hiện được tinh thần cải cách, thúc đẩy quyền tự do kinh doanh của DN, nhất quán với các chính sách tạo thuận lợi cho DN, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh trong các Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.

Một số tồn tại cần khắc phục

Ghi nhận Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã có những sửa đổi, cải cách, song nhóm nghiên cứu của VCCI vẫn cho rằng: Trong danh mục này vẫn còn nhiều ngành, nghề không phù hợp, trong đó, một số ngành, nghề không có tác động đáng kể tới lợi ích công cộng. Hầu hết các ngành, nghề này đều mang “dáng dấp” của hoạt động kinh doanh thông thường. Những rủi ro, nếu có sẽ tác động đến các chủ thể tư và chủ thể này đã có hệ thống pháp luật tư bảo vệ...

Một số ngành, nghề khác có thể thay bằng biện pháp quản lý khác thay vì điều kiện đầu tư kinh doanh. Những ngành này cần sự quản lý của Nhà nước bởi điều kiện kinh doanh không phải là công cụ quản lý tốt nhất. Tiêu biểu như quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định quản lý quá trình kinh doanh hay quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra...

Có thể kể đến việc quản lý ngành xuất khẩu gạo, chỉ cần quản lý bằng các quy định về cân đối nguồn thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu, yêu cầu dự trữ lưu thông… nên không nhất thiết phải quản lý bằng điều kiện kinh doanh…

Ngoài ra, nhiều ngành, nghề khác trong danh mục không rõ tính đặc thù so với các ngành nghề kinh doanh thông thường cùng loại; có phạm vi kiểm soát quá mức cần thiết. Đặc biệt, có ngành, nghề thuộc danh mục nhưng lại không phải là ngành, nghề kinh doanh.

Ví dụ, “kinh doanh dịch vụ logistics” thuộc danh mục không phải ngành nghề riêng mà bao gồm nhiều hoạt động như vận tải, đóng gói, làm thủ tục thuế, hải quan...; hoặc “hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại” không có mục đích lợi nhuận; “hoạt động nhượng quyền thương mại” là phương thức kinh doanh chứ không phải là ngành, nghề...

Báo cáo rà soát của VCCI đã nhận diện cụ thể về 16 ngành, nghề chưa phù hợp đưa vào danh mục như: Hoạt động dịch vụ của tổ chức trọng tài thương mại, kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, sản xuất và sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng, xuất khẩu gạo, kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh, kinh doanh dịch vụ logistics, dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô, dịch vụ đại lý tàu biển, dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư, quản lý vận hành cơ sở hỏa táng, sản xuất mũ bảo hiểm…

Đồng thời, 10 ngành nghề kinh doanh khác có phạm vi kiểm soát chưa phù hợp như: Kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương; Nhượng quyền thương mại, kinh doanh thủy sản, kinh doanh thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Khảo sát diễn biến của quá trình rà soát các điều kiện kinh doanh dễ dàng nhận thấy rằng, có không ít quy định mang tính đột phá về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong Luật Đầu tư năm 2014 và Luật Doanh nghiệp năm 2014 đang bị bóp méo vì quan điểm cải cách nửa vời, thỏa hiệp, dễ dãi và thiếu đồng bộ.

Trong khi, nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vẫn còn rất mơ hồ, không thể phân biệt ngành, nghề kinh doanh nào thuộc 1 trong 3 nhóm kinh doanh thực phẩm, thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay của Bộ Y tế.

Trên cơ sở đánh giá và nhận diện những vấn đề còn tồn tại hiện nay, Báo cáo của VCCI đã đề xuất một số kiến nghị. Cụ thể, đối với 5 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tương ứng với 195 điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương, VCCI đề xuất bỏ 56 điều kiện kinh doanh, sửa đổi 4 điều kiện kinh doanh; Đối với 4 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tương ứng với 116 điều kiện kinh doanh của Bộ Giao thông Vận tải, VCCI đề xuất bỏ 27 điều kiện kinh doanh, sửa đổi 4 điều kiện kinh doanh; Đối với 5 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tương ứng với 91 điều kiện kinh doanh của Bộ Khoa học và Công nghệ, VCCI đề xuất bỏ 12 điều kiện kinh doanh, sửa đổi 5 điều kiện kinh doanh.

Tóm lại, những tồn tại trong việc quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đang đặt ra nhiều thách thức đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế nước ta, đòi hỏi các ngành, các cấp cần sớm có những giải pháp để rà soát và rút gọn hơn nữa các quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ DN phát triển...

Tài liệu tham khảo:

1. VCCI (2017), Báo cáo rà soát điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam;

2. Đậu Anh Tuấn (2017), Điều kiện kinh doanh: Nhận diện và kiến nghị

3. Các website: vcci.com.vn, bnews.vn, haiquan.vn, tapchitaichinh.vn…