Vận dụng mô hình kế toán động và tĩnh trong hệ thống kế toán Việt Nam hiện nay

ThS. Nguyễn Thị Hường – Công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế STC

Kế toán là môn khoa học kinh tế xã hội, phục vụ cho nhà quản lý tại doanh nghiệp. Thông tin kế toán giúp nhà quản trị đưa ra các quyết định trong tương lai và phục vụ cho các đối tượng ngoài doanh nghiệp. Qua quá trình nghiên cứu kế toán của các nước cho thấy có sự phân biệt thành các loại hình kế toán như: Kế toán quỹ, kế toán tĩnh; kế toán động; kế toán thuế; kế toán vĩ mô; kế toán hiện tại hóa. Mỗi loại hình kế toán này đều gắn với mỗi hoàn cảnh lịch sử cụ thể, vì vậy nó có những nguyên tắc, phương pháp, đặc điểm kế toán riêng. Bài viết đề cập đến hai mô hình kế toán động và tĩnh, từ đó khuyến cáo việc vận dụng đối với hệ thống kế toán Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực tiễn tại một số nước

Mô hình kế toán động

Mô hình kế toán động là mô hình kế toán đã được áp dụng nhiều ở các nước Mỹ, Anh hay còn gọi là mô hình dùng hệ thống luật chung. Kế toán động ra đời cùng với thời kỳ tư bản công nghiệp phát triển và các hoạt động đầu tư tài chính đang sôi động, khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ yêu cầu phải có đầu tư sản xuất để phục vụ thị trường.

Kế toán động lấy lý thuyết thực thể và lý thuyết doanh nghiệp (DN) làm cơ sở cho mô hình kế toán động.

- Trong lý thuyết thực thể: Kế toán động phản ánh cho các DN, không phải phản ánh cho các ông chủ (người chủ sở hữu) như kế toán tĩnh.

Về phạm vi, kế toán động phản ánh liên tục tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Về mặt thông tin, kế toán động có: Tổng tài sản = Tổng nguồn vốn. Trong đó:

Tổng nguồn vốn = Nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu

Kế toán động quan tâm đến tình hình tài chính của DN. Kế toán động coi trọng báo cáo kết quả kinh doan của DN vì thông tin trên báo cáo kết quả kinh doanh của DN, cung cấp khả năng sinh lời của các khoản đầu tư nhằm phục vụ cho các đối tượng quan tâm. Trong mô hình kế toán động có phát sinh nghiệp vụ thì kế toán ghi nhận. Ví dụ: Khi có giao dịch bán là kế toán ghi nhận doanh thu, chi phí… Vì vậy, mô hình kế toán động dựa trên cơ sở giao dịch.

- Trong lý thuyết DN: Là lý thuyết thực thể phát triển thành. Lý thuyết DN là bước phát triển cao hay nói cách khác lý thuyết DN bước phát triển cao của lý thuyết thực thể. Lý thuyết thực thể quan tâm đến chủ sở hữu và chủ nợ, còn lý thuyết DN quan tâm đến tất cả những người liên quan cụ thể như: Vốn chủ sở hữu, chủ nợ, Nhà nước, người lao động, các nhà đầu tư, và các đối tượng liên quan khác.

Trong lý thuyết DN, hệ thống thông tin khách quan và trung lập. Còn trong lý  thuyết DN thì được mở rộng phạm vi của kế toán rộng ra. Ngoài việc phản ánh tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh của DN, còn yêu cầu công bố thông tin các lĩnh vực cho xã hội… 

Kế toán động ghi nhận tài sản theo nguyên tắc giá gốc. Kế toán động ghi nhận tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình, tài sản đi thuê khi có quyền kiếm soát và sử dụng lâu dài và tài sản được khấu hao một cách có hệ thống theo chi chí vì giá gốc được chuyển dịch vào chi phí, do vậy, phải ghi nhận khấu hao.

Kế toán động phải có điều kiện ghi nhận rất rõ ràng, do vậy kế toán động dựa trên quyền kiểm soát. Nó xuất hiện khá đầy đủ các nguyên tắc kế toán và các phương pháp kế toán được hình thành đầy đủ các khía cạnh từ báo cáo tài chính đến các thuyết minh báo cáo. Các nguyên tắc cụ thể như:

Thứ nhất, từ bỏ nguyên tắc sở hữu: Theo nguyên tắc này, tất cả các tài sản của DN hiện có và sử dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh (SXKD) mang lại lợi ích kinh tế cho DN đều được phản ánh là tài sản trên báo cáo tài chính BCTC.

Thứ hai, thừa nhận các hình thái biểu hiện của tài sản. Trong nguyên tắc này, tất cả các tài sản của DN, không phân biệt là hữu hình hay vô hình mà sử dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh mang lợi ích kinh tế cho DN đều được phản ánh là tài sản trên BCTC.

Thứ ba, chỉ ghi nhận tài sản khi đã thực sự đầu tư trong quá trình SXKD. Theo nguyên tắc này, sẽ xác định được lợi nhuận sinh ra từ tài sản đem đi đầu tư nên kế toán động cho phép ghi nhận những tài sản đã sử dụng trong hoạt động SXKD.

Mô hình kế toán tĩnh

Cuối thời kỳ Trung cổ - đầu thời kỳ Phục hưng, thế kỉ XII đến thế kỷ VXII, hệ thống luật La Mã được áp dụng (hay còn gọi là Luật dân sự), tiêu biểu cho việc sử dụng mô hình này là nền kin tế của các nước châu Âu như Pháp, Đức, Ý và các nước châu Âu thuộc địa. Đây là bối cảnh hình thành mô hình kế toán tĩnh. Kế toán tĩnh lấy lý thuyết sở hữu làm chủ đạo.

Kế toán tĩnh có:

Tài sản thuần (VCSH)  = Tổng tài sản – Tổng nợ

Kế toán tĩnh tính giá theo nguyên tắc giá thị trường và lấy giá thị trường là giá thích hợp nhất. Đây là mức giá mà DN có thể án và trao đổi tài sản. Trong mô hình kế toán tĩnh:

 Kết quả hoạt động kinh doanh của DN = tài sản thuần cuối kỳ  – tài sản thuần đầu kỳ

Trong mô hình này, thông tin kế toán phục vụ trực tiếp cho ông chủ, hay nói cách khác là cho chủ sở hữu, DN là của cá nhân, của gia đình, mô hình kế toán dựa trên kiểm kê và đánh giá. Vì vậy, kế toán tĩnh lấy lý  thuyết sở hữu làm chủ đạo nên nó tuyệt đối hóa vai trò của chủ sở hữu. Trong mô hình kế toán tĩnh rất chú trọng đến tài khoản kế toán, vì vậy cần phải có bản kê tài sản mà DN có. Bởi vì, kế toán tĩnh phản ánh trung thực giá trị tài sản nhưng chưa đánh giá đúng kết quả hoạt động kinh doanh.

Vận dụng đối với hệ thống kế toán Việt Nam

Từ việc phân tích hai mô hình kế toán động và kế toán tĩnh cho thấy, kế toán Việt Nam không chỉ phản ánh tình hình giá trị tài sản của DN mà còn phản ánh cả tài sản đi thuê (tài sản thuê tài chính). Kế toán Việt Nam phản ánh giá trị tài sản được ghi chép theo giá gốc với giả định là DN hoạt động liên tục.

Nguồn vốn được ghi nhận theo số vốn đã huy động, từ những đặc điểm này cho thấy, hệ thống kế toán Việt Nam ta mang đặc điểm của mô hình kế toán động, loại kế toán phục vụ chủ yếu đảm bảo hiệu quả kinh doanh của DN và thực hiện theo nguyên tắc kế toán dồn tích tức là thực hiện ghi nhận kế toán theo cam kết.

Hệ thống kế toán Việt Nam có đầy đủ các nguyên tắc cụ thể như: Tuân thủ các nguyên tắc của chuẩn mực kế toán; tài sản tham gia quá trình hoạt động SXKD được ghi theo nguyên tắc giá gốc; Không hạch toán tài sản theo quyền sở hữu; Nguồn vốn được ghi nhận theo số vốn đã đóng góp (đã nhận), không ghi theo số vốn đã đăng kí trên giấy tờ; Khấu hao tài sản cố định được tính theo một cách có hệ thống trên nguyên giá tài sản cố định; Các báo cáo được lập định kỳ; Doanh thu, chi phí được ghi nhận theo nguyên tắc dồn tích; Phương pháp kế toán được ghi theo phương pháp ghi kép, tức là ghi theo phương pháp kê khai thường xuyên và phương pháp kiểm kê định kỳ .

Vì vậy, hệ thống kế toán Việt Nam có Luật Kế toán, chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện nay, nước ta đang theo Luật Kế toán năm 2003 và chế độ kế toán theo Quyết định 15/2006/QĐ – BTC ngày 20/3/2016 ban hành “Chế độ kế toán DN” đã sửa đổi bổ sung theo Thông tư 200/2014/TT - BTC ban hành ngày 22/12/2014 và Quyết định 48/2006/QĐ – BTC đã sửa đổi theo Thông tư số 138/2011/TT – BTC ngày 04/10/2011 của Bộ Tài chính.   

Tài liệu tham khảo:

1. GS., TS. Đoàn Xuân Tiên chủ biên, TS. Lê Văn Liên và ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân, Giáo trình nguyên lý kế toán, Học viện Tài chính – NXB Tài chính 2014;

2. Luật Kế toán năm 2003 và 2015;

3. Tạp chí Nghiên cứu Tài chính Kế toán;

4. http://www.123doc.org.