Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và phát triển kinh tế Việt Nam

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 Tháng 2/2020

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của Cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể nước ta trong từng giai đoạn cách mạng nhằm đảm bảo kháng chiến thắng lợi và kiến quốc thành công. Ngày nay, điều kiện trong nước và thế giới đã có những biến đổi sâu sắc nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng về kinh tế của Hồ Chí Minh nói riêng vẫn có ý nghĩa lớn lao. Bài viết khái quát các quan điểm nổi bật trong hệ tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế và đánh giá thực trạng quá trình vận dụng các quan điểm đó vào phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nội dung tư tưởng kinh tế của Hồ Chí Minh

Trong các nghiên cứu của mình, Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò then chốt của phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (CNXH) tại Việt Nam. Theo Người, mục đích của phát triển kinh tế là nâng cao đời sống nhân dân, cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới. Phát triển kinh tế là tiền đề, là cơ sở cho sự phát triển văn hoá nhằm xoá bỏ nghèo nàn và lạc hậu. Tăng trưởng kinh tế là điều kiện vật chất bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Các luận điểm của Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế được thể hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú, có tính hệ thống, có thể khái quát như sau:

Thứ nhất, công nghiệp hóa có vị trí then chốt trong phát triển kinh tế. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nhiệm vụ quan trọng nhất của thời kỳ quá độ lên CNXH là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của CNXH. Xuất phát từ một nước nông nghiệp lạc hậu, con đường phát triển tất yếu phải trải qua quá trình phát triển lực lượng sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, phải cơ giới hóa sản xuất và nâng cao năng suất, hiệu quả lao động. Công nghiệp hóa chính là cách thức thúc đẩy sản xuất xã hội phát triển, giải phóng sức lao động, giải phóng con người, tạo ra những bước đột phá mới trong nền văn minh công nghiệp, một trong những nhân tố quyết định để CNXH có thể chiến thắng chủ nghĩa tư bản.

Thứ hai, phải xây dựng cơ cấu kinh tế nhiều thành phần một cách hợp lý. Hồ Chí Minh đã xác định cơ cấu các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ ở nước ta bao gồm: kinh tế quốc doanh; các hợp tác xã; kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ; tư bản của tư nhân và cuối cùng là tư bản của nhà nước. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, sự tồn tại của các thành phần kinh tế khác nhau là một tất yếu khách quan và có vai trò nhất định đối với sự phát triển của nền kinh tế trong suốt thời kỳ quá độ. Do đó, cần phải duy trì cơ cấu hợp lý để tận dụng một cách triệt để các nguồn lực, phát triển nền sản xuất của xã hội.

Thứ ba, Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò quan trọng của quản lý kinh tế trong phát triển kinh tế. Hồ Chí Minh cho rằng, công bằng xã hội và phát triển kinh tế không thể đạt được nếu không có cơ cấu quản lý khoa học và hợp lý. Người đã đưa ra các giải pháp cụ thể trong quản lý kinh tế trong thời kỳ quá độ bao gồm: Đầu tiên, từng bước xây dựng cơ chế quản lý kinh tế thích hợp, thường xuyên được cải tiến và đổi mới; Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có năng lực, phẩm chất đạo đức và có khả năng thực hành dân chủ, đồng thời được sắp xếp, bố trí hợp lý. Tiếp theo, chú trọng đến hiệu quả của công việc. Theo Hồ Chí Minh, cần xây dựng những nhà máy, những ngành công nghiệp “có lãi”, tức là phải có năng lực cạnh tranh và có hiệu quả. Để thực hiện công việc hiệu quả, Hồ Chí Minh phổ biến nguyên tắc kế hoạch hóa, nguyên tắc hạch toán kinh tế và nguyên tắc tập trung dân chủ. Cuối cùng, Người nhấn mạnh để quản lý tốt thì phải thực hành tiết kiệm chống tham ô, lãng phí.

Thứ tư, Hồ Chí Minh khẳng định, cần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ kết hợp với tận dụng sự giúp đỡ, ủng hộ của các nước trên thế giới để phát triển kinh tế nước nhà. Trong chỉ đạo cách mạng Việt Nam nói chung cũng như trong phát triển kinh tế nói riêng, Hồ Chí Minh chủ trương thực hiện triệt để phương châm độc lập, tự chủ, mong muốn xây dựng một nền kinh tế độc lập, dựa vào những điều kiện, tiềm năng sẵn có của dân tộc để không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Bên cạnh đó, Người chủ trương xây dựng khối đoàn kết quốc tế, quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế trong xây dựng và phát triển nền kinh tế Việt Nam trên cơ sở vẫn tuân thủ theo các nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền dân tộc, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH được trình bày một cách giản dị, dễ hiểu nhưng mang giá trị to lớn trong công cuộc xây dựng và kiến thiết nước nhà. Nhìn lại chặng đường vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, có thể thấy như sau:

Thứ nhất, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế. Giai đoạn đầu sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam tiến hành quản lý kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung dẫn đến khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (Tháng 6/1991), vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã xác định “bước đầu hình thành nền kinh tế nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”. Việt Nam đã từng bước xóa bỏ cơ chế quản lý kế hoạch hóa, chuyển sang cơ chế thị trường thông qua: xác định các hình thức sở hữu chủ yếu (toàn dân, tập thể, tư nhân), thừa nhận sự tồn tại tất yếu của nhiều thành phần kinh tế; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế kinh doanh theo pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.

Thứ hai, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế.

- Từ công nghiệp hóa theo kiểu cũ, khép kín, hướng nội, thiên về phát triển công nghiệp nặng, chủ yếu dựa vào lợi thế về lao động, tài nguyên, đất đai và nguồn viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa đi trước đã chuyển dần sang công nghiệp hóa gắn liền với hiện đại hóa trong nền kinh tế mở; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, gắn công nghiệp hóa, hiện đại hóa với từng bước phát triển nền kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực kinh tế đòi hỏi hàm lượng trí tuệ, chất xám cao. Theo Tổng cục Thống kê, năm 1986, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 38,1%. Tỷ trọng ngành dịch vụ là 33%, còn công nghiệp chiếm tỷ trọng thấp nhất với 28,9%. Đến năm 2019, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,96% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49%; khu vực dịch vụ chiếm 41,64%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,91% 

- Từ chỗ xác định lực lượng chủ yếu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa là Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước, Đảng và Nhà nước ta đã xác định, công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự nghiệp của toàn dân, của toàn xã hội. Nhà nước phải có chính sách để khơi dậy, phát huy các nguồn lực của nhân dân, của mọi thành phần kinh tế, đồng thời huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Về cơ chế phân bổ nguồn lực để công nghiệp hóa, từ chỗ chủ yếu bằng cơ chế kế hoạch hóa tập trung của Nhà nước và giao cho doanh nghiệp nhà nước làm, đã dần dần chuyển sang phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường, lấy tiêu chuẩn trước hết là hiệu quả kinh tế để đầu tư; Nhà nước có chính sách khuyến khích và ưu đãi cho một số ngành, lĩnh vực, địa bàn, doanh nghiệp vừa và nhỏ và một số mục tiêu như xuất khẩu, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo.

Thứ ba, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Với phương châm “Nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng”, Việt Nam đã thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại; gắn kết kinh tế nước ta với khu vực và thế giới thông qua các hoạt động thương mại, đầu tư và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Sau khi xóa bỏ thành công chính sách bao vây cấm vận của Mỹ và các lực lượng thù địch nước ngoài, Việt Nam đã tham gia hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế trên các cấp độ và trong các lĩnh vực kinh tế then chốt, không ngừng mở rộng các quan hệ kinh tế song phương, tiểu vùng, vùng, liên vùng và tiến tới tham gia liên kết kinh tế toàn cầu.

Một số hạn chế trong quá trình vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực trạng phát triển kinh tế và việc vận dụng tư tưởng kinh tế của Hồ Chí Minh vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, thể hiện như:

- Chất lượng tăng trưởng kinh tế của nước ta còn thấp; chủ yếu dựa vào các nhân tố tăng trưởng theo chiều rộng, với những ngành/sản phẩm truyền thống, công nghệ thấp, tiêu hao vật tư cao, chưa đi mạnh vào chất lượng, còn phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư và bảo hộ, bao cấp dưới nhiều hình thức của Nhà nước. Công nghiệp phụ trợ và các dịch vụ khác chưa phát triển dẫn đến giá trị quốc gia trong sản phẩm còn thấp. Hầu hết các ngành công nghiệp đều có hệ suất tiêu hao năng lượng và nguyên liệu cao hơn so với các nước trong khu vực. Năng lực cạnh tranh tuy có tiến bộ nhưng còn thấp so với yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Các thành phần kinh tế chưa phát triển đúng tiềm năng: Kinh tế nhà nước chưa làm thật tốt vai trò chủ đạo; chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp. Kinh tế tập thể phát triển chậm và còn nhỏ bé. Kinh tế tư nhân chưa đáp ứng vai trò động lực của nền kinh tế, chưa được quan tâm tạo điều kiện thỏa đáng. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài còn khó khăn về môi trường đầu tư và một số vướng mắc về cơ chế, chính sách...

Những tồn tại trên xuất phát từ những nguyên nhân khách quan (như sự chống phá của lực lượng thù địch, bối cảnh kinh tế thị trường biến động phức tạp) và cả nguyên nhân chủ quan. Trong đó, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế chưa thật sự đúng đắn cũng dẫn đến những hạn chế trên. Hạn chế trong quá trình vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh có thể kể đến như sau:

- Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa ngang tầm với nhu cầu phát triển. Nhận thức một số vấn đề còn chưa có nghiên cứu sâu sắc dẫn đến sự không thống nhất trong hoạch định các chủ trương, chính sách.

- Việc tổ chức tuyên truyền, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh còn hình thức, giáo điều, hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chưa thực sự tạo sức lan tỏa trong xã hội.

Giải pháp nâng cao hiệu quả vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển kinh tế

Nhằm quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh một cách hiệu quả, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt trong hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở mỗi giai đoạn xây dựng và phát triển nền kinh tế.

Thứ hai, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trên cơ sở nguyên tắc lịch sử cụ thể. Vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh có nghĩa là trên cơ sở nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng đó phù hợp, gắn bó sống động trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Ngoài ra, công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế Việt Nam có diễn biến phức tạp, xuất hiện các vấn đề, sự kiện mới mà bối cảnh hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh chưa có. Sự trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi trên cơ sở đổi mới có nguyên tắc, vận dụng sáng tạo, không rập khuôn, để phát triển tư tưởng của Người cho phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay.

Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, vận động nghiên cứu và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, khắc phục những biểu hiện của bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa, giáo điều, nhất là bệnh coi nhẹ lý luận, ngại học lý luận chính trị và các chủ trương, đường lối của Đảng. Các hoạt động tuyên truyền, nghiên cứu và vận dụng cần được thực hiện nghiêm túc, định kỳ kiểm tra, giám sát, khen thưởng...    

Tài liệu tham khảo:

Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, 2011;

Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Chính trị quốc gia, 2018;

Đảng Cộng sản Việt Nam: Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII,XIII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, 2016;2017.