Vào TPP: Không lo ‘thất nghiệp trên sân nhà’

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Sáng ngày 18/11, trong thời gian trả lời chất vấn của mình trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã giải đáp các câu hỏi liên quan về vấn đề lao động trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đây là vấn đề được đồng bào cử tri cả nước, nhất là người lao động rất quan tâm. Các Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) cũng đã chất vấn Thủ tướng về vấn đề này.

Tất cả người lao động đều phải tuân thủ pháp luật nước sở tại

Trả lời về các ý kiến này, Thủ tướng cho biết, Hiệp định TPP là một Hiệp định FTA thế hệ mới có quy định nội dung về lao động, nhưng không đưa ra tiêu chuẩn riêng mà chỉ áp dụng theo các tiêu chuẩn về lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thể hiện trong 8 Công ước cơ bản.

Việt Nam là thành viên của ILO từ năm 1992, đã phê chuẩn 5/8 Công ước cơ bản của ILO và đang chuẩn bị trình cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn đối với 3 Công ước cơ bản còn lại. Nhưng theo Tuyên bố năm 1998 của ILO thì các nước thành viên dù đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn các Công ước cơ bản nêu trên đều có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện các tiêu chuẩn lao động được đề cập trong các Công ước đó.

Như vậy, “trên thực tế Việt Nam đã và đang thực hiện các quy định của ILO theo kế hoạch chủ động của mình”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Phân tích về những nội dung chính về lao động trong TPP, Thủ tướng cho biết, đối với những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, phân biệt đối xử trong lao động và quy định bảo đảm điều kiện lao động về lương tối thiểu, giờ làm việc, an toàn lao động thì hệ thống pháp luật của Việt Nam đã quy định đầy đủ và cơ bản là phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết trong TPP.

Về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động, theo TPP và cũng phù hợp với quy định của ILO, Việt Nam và tất cả các nước tham gia TPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập, gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp.

Thủ tướng cho biết thêm, TPP cũng như quy định của ILO đều khẳng định tất cả các tổ chức của người lao động phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại và theo các tiêu chuẩn của ILO. Đồng thời phải hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích và phương thức hoạt động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quyền đại diện, bảo vệ cho các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động tại doanh nghiệp nơi họ làm việc.

Do đó, “các tổ chức của người lao động không được phép tiến hành bất cứ hoạt động nào có khả năng xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài tôn chỉ mục đích và Điều lệ hoạt động đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, TPP cũng có các quy định bảo vệ tổ chức của người lao động để không bị người sử dụng lao động can thiệp và phân biệt đối xử nhằm vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu khả năng đại diện, bảo vệ cho quyền và lợi ích của người lao động.

Việt Nam có 5 năm để chuẩn bị

Thủ tướng thông tin thêm, theo cam kết TPP, chỉ riêng đối với Việt Nam là được có thời gian chuẩn bị là 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực (tức là khoảng 7 năm kể từ khi ký), các tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở doanh nghiệp có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định một cách công khai, minh bạch.

“Thời gian chuẩn bị này là để Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy quản lý để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động. Việc đạt được một khoảng thời gian hợp lý nêu trên để chúng ta chuẩn bị là thể hiện thiện chí của các bên trong đàm phán và vị thế, uy tín của Việt Nam, nhất là trong việc thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế, trong đó có việc thực hiện tốt những quy định về lao động của ILO”, Thủ tướng nói.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, sau khi TPP được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, đối với nội dung về lao động, Việt Nam sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi nội dung về lao động trong TPP.

Như vậy, “việc thực hiện các cam kết về lao động trong TPP cũng chính là việc tiếp tục thực hiện các quy định của ILO mà Việt Nam là thành viên. Và cũng không ảnh hưởng, không làm hạn chế địa vị pháp lý, vai trò, chức năng nhiệm vụ và tổ chức, hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam’, Thủ tướng khẳng định./.