Viện phí "đẩy" giá tiêu dùng tăng tốc trong tháng 6

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) TP. Hồ Chí Minh công bố tăng mức viện phí và lộ trình tăng viện phí áp dụng ngay từ tháng 6/2014 đã ngay lập tức tác động đến CPI của cả nước. Kết quả, CPI tháng 6 tăng 0,3%, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế đứng đầu bảng với mức tăng 0,74%.

 Viện phí "đẩy" giá tiêu dùng tăng tốc trong tháng 6
TP. Hồ Chí Minh tăng viện phí áp dụng ngay từ tháng 6/2014 đã ngay lập tức tác động đến CPI của cả nước. Nguồn: internet

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 6 tăng 0,3% so với tháng 5/2014, so với tháng 12/2013 tăng 1,38% và tăng 4,98% so với tháng 6/2013.

Có tới 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ trong rổ tính CPI của tháng 6 tăng, mức tăng từ 0,01% - 0,74%. Trong đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất, với 0,74%; tiếp sau là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (bao gồm tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng) tăng 0,61%.

Các nhóm còn lại có tốc độ tăng thấp hơn mức tăng CPI chung như: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,28%, nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,27%, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,23%, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,22%, nhóm giao thông tăng 0,18%... Duy nhất trong 'rổ' CPI chung có nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,13%.

Tuy nhiên nếu tính theo phân ngành, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống mặc dù tăng 0,28%, nhưng trong đó giá lương thực lại giảm 0,43%, ăn uống ngoài gia đình và thực phẩm tăng lần lượt là 2,57% và 1,54%.

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá lương thực giảm 0,43% so với tháng 5/2014 do các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong vụ Đông Xuân với năng suất khá cao. Các tỉnh miền Bắc cũng đã bước vào thu hoạch vụ Đông Xuân, ước tính sản lượng toàn miền đạt trên 7,2 triệu tấn, bằng 101% so cùng kỳ tạo nên nguồn cung lớn nên giá gạo tại các tỉnh miền Bắc có mức giảm hơn so với các tỉnh miền Nam.

Bên cạnh đó theo Tổng cục Thống kê, những khó khăn trên thị trường xuất khẩu gạo, cộng với nhu cầu suy giảm từ một số thị trường truyền thống như Malaysia, Bờ Biển Ngà, Singapore… cũng tác động khiến giá gạo xuất khẩu của nước ta giảm.

Với các nhóm còn lại, như văn hoá, giải trí và du lịch, hay nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng cũng là điều khá dễ hiểu bởi tác động của mùa hè, mùa du lịch, giải trí. Bước vào quí II/2014, cũng là thời điểm bắt đầu mùa xây dựng, nên thị trường tiêu thụ các loại vật liệu xây dựng cũng khởi sắc với mức tăng của nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng là 0,61%.

Không nằm trong "giỏ hàng hóa" tính CPI, chỉ số giá vàng tháng 6/2014 cũng giảm 9,79% so với tháng 6/2013. 6 tháng đầu năm giảm 17,66% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong 10 tỉnh thành được cơ quan thống kê công bố, Hải Phòng là tỉnh có CPI tháng 6 tăng thấp nhất, chỉ 0,04%, cao nhất là Tp. Hồ Chí Minh với mức tăng 0,58% so với tháng 5 - với sự đóng góp đáng kể thuộc về nhóm thuốc và dịch vụ y tế với mức tăng lên tới 8,69%.

Như vậy, đúng như dự đoán, trong tháng 6, CPI đã chịu áp lực của việc tăng giá của dịch vụ y tế. TP. Hồ Chí Minh công bố tăng mức viện phí và lộ trình tăng viện phí áp dụng ngay từ tháng 6/2014. Điều này đã tác động đến CPI tháng 6 của TP. Hồ Chí Minh và của cả nước.

Mặc dù CPI tháng 6 đã tăng so với tháng trước nhưng đây vẫn là mức tăng thấp. Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, hiện tại chưa thể đánh giá gì nhiều về con số này cũng như yếu tố về cầu đã được cải thiện hay chưa.

Nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng, mức tăng quá thấp của CPI từ đầu năm đến nay là biểu hiện của nền kinh tế rơi vào suy giảm, thiểu phát. Vào thời điểm này, nguy cơ giảm phát trong bối cảnh kinh tế suy giảm có thể để lại hậu quả nặng nề không kém so với lạm phát khi nền kinh tế tăng trưởng nóng.

Tuy nhiên theo Tổng cục Thống kê, việc CPI giảm trong những tháng trước và chỉ tăng nhẹ trong tháng này có thể do người dân đã chi tiêu hợp lý hơn, chứ không phải do cắt giảm quá mức. Nhìn vào chỉ số giá tiêu dùng hiện nay, nhiều người nghĩ đến cầu yếu, nhưng nhìn vào tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ lại thấy vẫn tăng./.